Thế giới đối mặt với nạn đói chưa từng có
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có, nhiều nạn đói có thể sẽ xảy ra trong năm nay và năm sau. Ông nhấn mạnh việc xảy ra một nạn đói lớn trong thế kỷ 21 là điều không thể chấp nhận được.
LHQ cảnh báo nguy cơ thực sự về hàng loạt nạn đói sẽ xảy ra vào năm 2022. Ảnh: Reuters |
Theo số liệu mới nhất của báo cáo Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) của LHQ - công cụ được các tổ chức của LHQ sử dụng để đánh giá nguy cơ mất an ninh lương thực, hơn 460.000 người ở Somalia, Yemen và Nam Sudan đang rơi vào tình cảnh đói kém, trong khi hàng triệu người ở 34 quốc gia khác đang trên bờ vực của nạn đói.
Tổng Thư ký Guterres cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm các vấn đề tồn tại trong những năm gần đây như biến đổi khí hậu, tác động của đại dịch COVID-19, sự phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia... Theo ông, sẽ không thể có giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trừ khi Ukraine và Nga - hai nhà xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới, chiếm khoảng 25% nguồn cung lúa mì toàn cầu, nối lại hoạt động thương mại.
Người đứng đầu LHQ cũng kêu gọi các bộ trưởng tham dự Hội nghị Đoàn kết vì an ninh lương thực toàn cầu ở Berlin giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước đang phát triển để góp phần bình ổn định thị trường lương thực và giảm bớt mức biến động của giá hàng hóa.
Những cảnh báo về nạn đói toàn cầu liên tiếp được đưa ra trong thời gian qua. Gần đây nhất, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo sẽ có 11 triệu đến 19 triệu người trên thế giới rơi vào nạn đói. Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở khu vực gần khu vực Đông/Bắc Phi do phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu, đặc biệt là lúa mì, dầu thực vật. Một số nước ở Nam sa mạc Sahara của châu Phi và ở châu Á, trong đó có Bangladesh cũng đang chịu tác động mạnh.
Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thuộc LHQ, Nga và Ukraine cung cấp khoảng 30% nhu cầu lúa mì toàn cầu. Ukraine từng được cho là “vựa bánh mì của thế giới”, với 4,5 triệu tấn nông sản xuất khẩu mỗi tháng qua các cảng biển. Tuy nhiên, xung đột đã làm tê liệt hệ thống cảng biển của Ukraine, khiến giá lương thực toàn cầu leo thang khoảng 30% so cùng kỳ năm 2021.
Giới chuyên gia chính trị quốc tế cho rằng, để giải quyết hữu hiệu cuộc khủng hoảng lương thực, các hành động hỗ trợ nhân đạo là điều rất cấp thiết. Song hành với đó, vấn đề căn bản nhất cần phải sớm giải quyết ngay là giảm nhiệt căng thẳng xung đột để củng cố lại trật tự an ninh lương thực, khôi phục các chuỗi cung ứng vốn đã bị gián đoạn trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã công bố chương trình hành động trị giá 30 tỷ USD để ứng phó với nạn đói và củng cố an ninh lương thực, trong đó bao gồm các hành động hỗ trợ nông nghiệp tại châu Phi, Trung Đông, Đông Âu, Trung và Nam Á.
Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos 2022 diễn ra hồi tháng 5/2022, Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái nêu ra 5 đề xuất quan trọng tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, trong đó nhấn mạnh phải xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bao trùm và bền vững; loại bỏ hàng rào thương mại đối với lương thực, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, thúc đẩy mô hình hợp tác ba bên mà Việt Nam triển khai hiệu quả với các nước châu Phi và châu Mỹ latin.