Việt Nam hỗ trợ giải quyết "cơn đau đầu" về lương thực của châu Phi
An ninh lương thực đang là "cơn đau đầu" của chính phủ các nước châu Phi. Tại một cuộc hội thảo quốc tế trực tuyến về an ninh lương thực và dinh dưỡng tổ chức vào tháng 5/2022, PGS.TS Lê Phước Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES), Chủ tịch Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam – châu Phi (VEACA) đã chỉ ra một nghịch lý ở châu Phi, đó là: dù có diện tích đất trồng khoảng 1 tỷ ha, nhưng diện tích đất nông nghiệp hiện nay được sử dụng ở châu Phi mới là 210 triệu ha, khoảng 600 triệu ha đất có thể canh tác đang bị bỏ hoang. Cứ 5 người thì 1 người bị đói, tương đương với 282 triệu người bị đói, hơn 1/3 dân số châu lục bị thiếu dinh dưỡng trong năm 2020, hệ lụy từ các cuộc xung đột, hạn hán, biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Cuộc khủng hoảng gần đây giữa Nga và Ukraine cũng khiến số lượng người bị đói ở châu Phi gia tăng bởi vì phần lớn các nước châu Phi phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mì từ cả Nga và Ukraine. Điều này đe dọa đến lộ trình thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của châu Phi đến năm 2030 và Chương trình nghị sự đến năm 2063 của Liên minh châu Phi.
Lúa tươi vừa được thu hoạch. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN |
Trong khi đó, tại Việt Nam, nông nghiệp - xương sống của nền kinh tế, đã đạt được kỳ tích trong 30 năm đổi mới, biến Việt Nam từ một nước đói, thiếu lương thực trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, trong khi đó châu Phi là một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn của thế giới.
Theo IAMES, mỗi năm, châu Phi nhập khẩu khoảng 12-13 triệu tấn gạo và Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn cho châu Phi. Riêng năm 2019, Việt Nam xuất khẩu gạo cho 35/55 nước châu Phi với tổng trị giá đạt gần 630 triệu USD. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cử hơn 2.000 chuyên gia nông nghiệp sang giúp các nước châu Phi trồng lúa, ngô và nuôi cá dưới hình thức hợp tác ba bên như: FAO - châu Phi - Việt Nam, IFAD - châu Phi - Việt Nam hoặc JICA - châu Phi - Việt Nam… Nhờ vậy, năng suất lúa gạo và cá của một số nước châu Phi tăng gấp đôi, phần nào đảm bảo sản xuất lương thực và protein cho người dân của một số nước châu Phi.
Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Safwat Wl Alfy - Tổng Thư ký Phòng Thương mại tỉnh Biển Đỏ của Ai Cập cho rằng, là một quốc gia có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi vì Việt Nam nổi tiếng với nhiều loại lương thực, trong đó quan trọng nhất là gạo - loại ngũ cốc có thể thay thế cho nguồn lúa mì nhập khẩu vào châu Phi.
Cùng chia sẻ quan điểm, chuyên gia nông nghiệp - GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, nhiều nước dân số đông, bị áp lực về an ninh lương thực rất lớn, ở cấp chính phủ chúng ta có thể ký các hợp đồng khung với họ, vừa thể hiện vai trò quan trọng của “bếp ăn” nhưng cũng đồng thời tạo ra một “quyền lực mềm” để tái đầu tư cho sản xuất trong nước.
Từ đây, vị chuyên gia gợi ý, đầu tư cho nông dân sản xuất lớn và an toàn chất lượng; còn doanh nghiệp thì hỗ trợ vốn, kiến thức, thị trường, công nghệ. Giúp hai đối tượng này lớn lên và tạo cơ chế để họ hợp tác với nhau xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp. Khi đã có nguồn hàng hóa dồi dào, ổn định và chất lượng mà thế giới cần thì ở góc độ doanh nghiệp và cả chính phủ chúng ta có thể dễ dàng thỏa thuận hợp tác cung cấp dài hạn sản phẩm cho họ.