Sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách là giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp FDI
Hoàng Nam 29/09/2021 11:15 | Doanh nghiệp - Doanh nhân
![]() |
Doanh nghiệp FDI chịu tác động lớn từ dịch COVID-19 (Ảnh minh họa) |
Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp FDI nói riêng. Dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện, song công tác xây dựng và triển khai các chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp FDI vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI như giãn, hoãn thuế, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí... chưa đủ sức nặng
Đề cập đến giải pháp về chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trong làn sóng đại dịch lần thứ tư ở Việt Nam, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, khuyến nghị ban hành gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp để gói kích thích ban hành được kịp thời, "vừa đủ liều lượng, vừa đúng và trúng đối tượng".
Theo ông Tuấn, gói kích thích này bao gồm: Gia hạn nợ, khoanh nợ; miễn, giảm thuế, lùi thời gian đóng BHXH trong thời gian dịch bệnh, miễn, giảm các nghĩa vụ đóng góp, chú ý đến khoanh nợ cho các doanh nghiệp bị tác động nặng nề; Cơ cấu lại các khoản nợ, khoanh trả lãi tiền vay, không tính vay quá hạn; thuận lợi hóa tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính.
Tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển; chú trọng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm chi phí và giá thành vận chuyển, thành lập tổ công tác liên ngành của các bộ và các cơ quan liên quan để rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn về chi phí logistics và tình trạng thiếu container; tiếp tục cắt giảm các loại phí, chi phí đối với các hoạt động phục vụ xuất nhập khẩu.
Bảo toàn hoạt động của các khu công nghiệp, coi các khu công nghiệp là các thành trì cần được bảo vệ và duy trì sản xuất, ngăn chặn dịch xâm nhập và lây lan tại các khu công nghiệp và một vài trọng điểm kinh tế. Bảo vệ và duy trì sản xuất các khu công nghiệp cũng là bảo vệ uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, giữ chân và tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cũng đề nghị đẩy mạnh chuyển đổi số, qua đó nâng cao năng suất lao động và bao trùm lên tất cả lĩnh vực, đẩy nhanh ở các lĩnh vực sát sườn với người dân như các ứng dụng chăm sóc sức khỏe - y tế, các ứng dụng giáo dục.
![]() |
PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân |
Cũng có quan điểm tương tự, PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh cần thay đổi quan điểm chống dịch và kế hoạch chống dịch phải đồng bộ, nhất quán, linh hoạt trong phản ứng với dịch bệnh mới có thể mở cửa trở lại, phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Chuyên gia này cũng đề xuất đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ vaccine phòng COVID-19, cho phép doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tự chủ hoạt động, thực hiện phòng chống dịch khi có đủ khoảng cách không gian giãn cách được phép hoạt động độc lập, tự thực hiện các điều kiện 5K, test nhanh và thường xuyên, khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý.
Theo ông Chương, chính phủ và chính quyền các địa phương, thành phố phải có chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp (thuế, lãi suất, mặt bằng, các khoản phí và lệ phí...) để khôi phục lại chuỗi cung ứng trong bối cảnh "sống chung với dịch" khi người dân và người lao động đã đạt được sự miễn dịch cộng đồng.
Đồng thời, có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng ngắn, thay thế nguồn hàng nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nước và nguồn tại chỗ, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu do bị đứt gãy vì COVID-19.
Một giải pháp khác được PGS.TS Phạm Hồng Chương đưa ra là rà soát lại toàn bộ các chính sách và biện pháp thời gian qua, bổ sung kịp thời các chính sách, biện pháp cho phù hợp bối cảnh mới như chính sách thu hút lao động về trở lại sản xuất, chính sách an sinh xã hội đối với người lao động, đặc biệt là chính sách nhà ở cho lao động tại các khu công nghiệp.
Từng địa phương cần có chính sách hậu cần, logistics bài bản hơn, quan tâm đầu tư nhiều hơn các phương thức vận chuyển, kho hàng, bổ sung mặt hàng dự trữ Quốc gia và nâng tỷ lệ mức dự trữ Quốc gia, điều chỉnh Luật Dự trữ Quốc gia 2013 và xây dựng Chiến lược dự trữ Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cho phù hợp với bối cảnh mới - ông Chương nói thêm.



Truyền hình
Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch COVID-19:
Đáng chú ý
5 học bổng du học tại Armenia năm 2022

Bài viết mới
TP. Cần Thơ: Xây dựng Hội Nữ doanh nhân “Bản lĩnh - Khát vọng - Nhân ái”

VietinBank 11 năm liên tiếp nằm trong Top 2000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới

Chuyên đề

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã đồng hành hàng trăm năm với lịch sử văn hóa và đời sống dân tộc Việt. Một trong những giá trị quan trọng nhất của hoạt động tín ngưỡng này chính là âm nhạc. Sự hòa trộn của yếu tố bác học với dân gian; sự giao thoa văn hóa các vùng miền, các dân tộc; sự tiếp biến của văn hóa các giai đoạn lịch sử… đạt đến độ hoàn hảo. Đặc biệt nhất là tính thống nhất cực kỳ cao độ giữa cảm xúc, tâm tưởng của những thành phần tham dự là chủ sự, nghệ nhân, khán thính giả; của đời sống hiện thực với đời sống tâm linh thiêng liêng đã được âm nhạc, diễn xướng ở đây tạo nên một giá trị hiếm có. |

50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ: Hương sen tỏa ngát bao gồm tất cả những bài viết về quan hệ của hai nước một cách toàn diện, sâu sắc và độc đáo nhất.