Doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư Hàn Quốc đề nghị tăng tốc tiêm chủng, kiểm soát dịch linh hoạt
Trả lời báo chí, ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đều đang gặp khó khăn, nhất là ở các tỉnh phía Nam. KORCHAM hy vọng rằng môi trường sản xuất kinh doanh của Việt Nam sẽ sớm trở về trạng thái bình thường trong thời gian sớm nhất.
"Chúng tôi hiểu rằng mặc dù Chính phủ Việt Nam đang cố gắng hết sức để có được vaccine, nhưng đây là điều không hề đơn giản do sự mất cân bằng cung cầu và khan hiếm trên toàn thế giới", Phó Chủ tịch KOCHAM cho biết.
Đại diện KORCHAM khuyến nghị chính phủ đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, đồng thời áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh linh hoạt hơn, bao gồm cả việc hạn chế cách ly và xét nghiệm với người đã tiêm 2 mũi. Như vậy, sẽ không chỉ giúp Việt Nam củng cố thêm lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp mà còn sớm nắm bắt được cơ hội thu hút thêm dòng vốn FDI mới chất lượng.
Tương tự, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An, ông Jun Hyun-soo, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Nghệ Tĩnh, cũng đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, duy trì kết nối với các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Nhiều doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tin tưởng Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch COVID-19 (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Ông Jun Hyun-soo đề nghị tỉnh Nghệ An gửi các văn bản về phòng, chống COVID-19 sớm cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp bố trí các phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, tạo điều kiện tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho cán bộ, công nhân các doanh nghiệp.
Về việc đi lại của người lao động trong bối cảnh dịch bệnh, lãnh đạo Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Nghệ Tĩnh đề nghị tỉnh Nghệ An mở tuyến xe buýt từ trung tâm TP. Vinh và trung tâm các huyện đến khu công nghiệp VSIP cũng như các khu công nghiệp trên địa bàn để tiện việc đi lại của công nhân được thuận tiện...
Theo ông Jun Hyun-soo, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến môi trường đầu tư Nghệ An. Trong thời gian tới, khi việc tiêm vaccine phòng COVID-19 được phủ rộng và việc đi lại giữa 2 nước thuận lợi, sẽ có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, tại hội thảo trực tuyến với đại diện Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Vĩnh Phúc, TP.HCM và các cơ quan hữu quan, ông Lee Jong Seob, Chủ tịch KOTRA khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, Tổng Giám đốc Văn Phòng KOTRA Hà Nội cũng bày tỏ hy vọng hoạt động kinh tế hồi phục, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày sớm trở về bình thường thông qua việc tiêm chủng nhanh chóng và kiểm soát lây nhiễm một cách triệt để.
Ông Lee Jong Seob cho rằng Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn bởi đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19. Môi trường kinh doanh của Việt Nam bị suy biến nhanh chóng, số người nhiễm lên cao nhất là 9 nghìn ca/ngày cùng nhiều trở ngại đang phát sinh trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp.
Ông Lee Jong Seob, Chủ tịch KOTRA khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Tổng Giám đốc Văn Phòng KOTRA Hà Nội |
Đại diện KOTRA nhấn mạnh, Việt Nam cho thấy tiềm năng phát triển trong tương lai mà các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể mở rộng đầu tư. Hàn Quốc vẫn đang duy trì vị thế hàng đầu trong số các quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam với tổng số khoảng 9.100 dự án, số vốn đầu tư lũy kế đến tháng 6 đạt 72 tỷ USD.
Còn theo TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, một vấn đề trọng tâm mà các nhà đầu tư, chuyên gia Hàn Quốc đang quan tâm là việc nhập cảnh vào Việt Nam trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Ông Kidong Park chia sẻ, theo quy định của pháp luật Việt Nam, các nhà đầu tư, các chuyên gia nước ngoài và thân nhân vẫn được ưu tiên nhập cảnh vào Việt Nam. Đánh giá cao các giải pháp chống dịch của Việt Nam, ông Kidong Park cho rằng Việt Nam "đang đi đúng hướng".
Theo khảo sát mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với hơn 500 tập đoàn, doanh nghiệp FDI trên cả nước, có khoảng 97% doanh nghiệp cho biết bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó 52% bị tác động vừa phải và 44% bị tác động nghiêm trọng.
Một số khó khăn vướng mắc chủ yếu là chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn; việc nhập cảnh và giấy phép lao động cho chuyên gia và lao động nước ngoài; nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, giảm bớt lao động. Cùng với đó là những khó khăn liên quan tới thông quan hàng hóa, tiêm vaccine cho người lao động, chi phí vận chuyển, lưu kho hàng hóa và các chi phí khác tăng cao; giảm sản lượng, giảm đơn hàng xuất khẩu, giảm doanh thu, các khó khăn về dòng tiền/vốn, thiếu hụt nguyên vật liệu sản xuất…
Doanh nghiệp FDI tại TP.HCM cần thêm cơ chế để trở lại sản xuất sau dịch COVID-19 Dịch bệnh COVID-19 đã có tác động mạnh vào hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cùng với việc sản xuất sụt giảm, nhiều doanh nghiệp còn đang phải loay hoay trong việc đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 khi quay trở lại sản xuất. |
Bình Dương từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI Bình Dương đang từng bước hỗ trợ doanh nghiệp FDI khôi phục sản xuất bằng nhiều giải pháp. Nhờ đó, đã bước đầu khôi phục các hoạt động trong trạng thái bình thường mới, tạo được niềm tin lớn trong cộng đồng doanh nghiệp FDI. |
Bắc Ninh: Doanh nghiệp FDI kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất Qua trao đổi với địa phương, cộng đồng doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất trong giai đoạn bình thường mới. |