Trăn trở của doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi sản xuất sau COVID-19
Những trăn trở của doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai buộc phải thay đổi phương án tổ chức sản xuất. Theo thống kê, khoảng 1,1 nghìn doanh nghiệp FDI trên địa bàn (chiếm tỷ lệ hơn 73%) đăng ký thực hiện phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm" hoặc kết hợp cả 2 phương án.
Tuy nhiên, các nhà máy đa số chỉ đạt 20-60% công suất nên không đáp ứng đủ các đơn hàng. Các doanh nghiệp có quy mô hàng nghìn người lao động gặp không ít khó khăn khi phải bố trí nơi lưu trú cho người lao động, có doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động.
Đơn cử như Công ty TNHH Hwaseung Vina, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (H.Nhơn Trạch) có khoảng 25 nghìn lao động, nhưng chỉ tổ chức được khoảng 700 lao động lưu trú tại nhà máy để làm việc, dẫn tới nhiều đơn hàng bị chậm trễ.
Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam thực hiện 3 tại chỗ chỉ duy trì sản xuất 30% so với bình thường |
Nhiều doanh nghiệp FDI lo lắng sẽ thiếu lao động để khôi phục sản xuất trở lại bình thường. Bởi có 50-90% lao động đang sống trong vùng đỏ, cam, vàng hoặc lộ trình đến nhà máy phải đi qua vùng đỏ, cam, vàng.
Ông Lê Quốc Thanh, Tổng Giám đốc điều hành khu vực Việt Nam Tập đoàn Phong Thái ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) chia sẻ: "Các lao động của nhà máy có rất nhiều người đang ở vùng vàng, cam, đỏ, như vậy muốn khôi phục sản xuất trở lại bình thường cũng rất khó khăn. Vì theo quy định của tỉnh lao động muốn hoán đổi ra vào DN hoặc bổ sung vào DN phải ở khu vực vùng xanh tại địa phương, phải tiêm vaccine ít nhất 1 mũi sau 14 ngày. Việc này khiến DN khó khăn trong phục hồi sản xuất vì không có đủ lao động".
Một số doanh nghiệp FDI đã đề nghị tỉnh sớm ưu tiên đủ vaccine cho doanh nghiệp để tiêm phòng cho người lao động và có chính sách linh hoạt, chi tiết và rõ ràng hỗ trợ doanh nghiệp đưa lao động trở lại nhà máy để sớm hoạt động trở lại bình thường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI cũng đề nghị UBND tỉnh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đưa chuyên gia trở lại Đồng Nai làm việc, vận chuyển người lao động, lưu thông hàng hóa và đi lại giải quyết các thủ tục...
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Trước những ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng khẳng định: Phương châm nhất quán của Đồng Nai là "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện, sớm tháo gỡ vướng mắc, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất. Hiện nay, dịch COVID-19 trên địa bàn Đồng Nai vẫn đang diễn biến rất phức tạp nên việc nới lỏng các biện pháp, quy định phòng, chống dịch sẽ được tỉnh thực hiện theo lộ trình.
Theo ông Cao Tiến Dũng, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch ưu tiên vaccine để tiêm phòng cho người lao động trong các DN và phủ rộng toàn dân, hiện đạt tỷ lệ 76% mũi 1 cho toàn dân.
Tỉnh cũng đã có văn bản kiến nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên vaccine cho Đồng Nai để tiêm cho 100% người dân trong độ tuổi nhằm mở cửa phục hồi kinh tế.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động (Ảnh CDC Đồng Nai) |
Tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh hướng dẫn thông thương hàng hóa, không gây cản trở cho doanh nghiệp. Tỉnh sẽ ưu tiên giải quyết nhanh vấn đề nhập cảnh của các chuyên gia nước ngoài, nếu các sở, ngành nào gây khó khăn, doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với lãnh đạo tỉnh.
Về đề xuất của các doanh nghiệp FDI cho người lao động từ vùng vàng, cam, đỏ trở lại nhà máy để sản xuất hoặc từ nhà máy trở về nơi cư trú, ông Dũng cho biết tỉnh đã xây dựng phương án giải quyết. Tỉnh sẽ xem xét nhanh chóng mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng vàng, cam, đỏ để đảm bảo nguồn lao động phục vụ cho sản xuất.
"Tỉnh mở cửa và chấp thuận cho DN giải quyết số lao động đến, về tăng từ từ nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh nên tỉnh mong muốn DN cùng chia sẻ và hợp tác" - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Hỗ trợ nhà trọ 300.000 đồng/người/lần UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản triển khai chính sách về việc phối hợp hỗ trợ đón người lao động (NLĐ) từ các tỉnh, thành phố khác có nhu cầu đến và trở lại tỉnh Đồng Nai làm việc. Đối tượng được hỗ trợ bao gồm cả người lao động đã tiêm hoặc chưa tiêm phòng vaccine COVID-19. Thời gian triển khai đến hết ngày 30/11/2021. Theo đó, NLĐ trở lại Đồng Nai làm việc sẽ có các chính sách ưu đãi như: Được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người chưa tiêm mũi 1 và được đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 nhanh chóng an toàn, đảm bảo điều kiện khi trở lại doanh nghiệp làm việc. Trường hợp NLĐ phải thuê trọ mà vẫn chưa nhận hỗ trợ của UBND tỉnh trước khi về quê sẽ được nhận hỗ trợ 300.000 đồng/người/lần. |
Hỗ trợ 38.000 tỷ cho người lao động và doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc sử dụng một phần kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ cho người lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp (30.000 tỷ đồng). Người sử dụng lao động được giảm mức đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ mức 1% xuống bằng 0% quỹ lương hàng tháng của doanh nghiệp trong thời gian 12 tháng (khoảng 8.000 tỷ đồng). |
Chính phủ cầu thị lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn Tiếp tục chương trình làm việc với Đại sứ các nước và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, chiều ngày 14/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Đại sứ Hàn Quốc, hiệp hội doanh nghiệp và kết nối trực tuyến với gần 30 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. |
Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 Ngày 9/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 với 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. |