Khủng hoảng nhân đạo tồi tệ ở Sudan
Ngày 20/6, Chủ tịch quốc tế của MSF Christos Christou nhận định các biện pháp nhân đạo hiện nay chưa đáp ứng được tình hình, với nhu cầu cứu trợ ngày càng tăng.
Theo Liên hợp quốc, xung đột nổ ra vào tháng 4/2023 giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hơn 9 triệu người phải di dời, dẫn tới cuộc khủng hoảng di tản trong nước tồi tệ nhất thế giới.
Tình nguyện viên phân phát thực phẩm cho người dân ở Omdurman, Sudan. (Ảnh: Reuters) |
Báo cáo về tình hình nhân đạo ở Sudan tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 18/6, bà Edem Wosornu, Giám đốc Bộ phận Hoạt động và Vận động tại Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nhấn mạnh tình trạng hỗn loạn ở Sudan. Ném bom và pháo kích vẫn tiếp tục diễn ra ở các khu vực đông dân cư, đặc biệt là thủ phủ El Fasher của vùng Bắc Darfur thuộc Sudan, gây tổn hại trên diện rộng và lâu dài cho dân thường, đồng thời làm gián đoạn nghiêm trọng các dịch vụ thiết yếu mà họ phụ thuộc.
ASG Pobee ghi nhận vụ tấn công vào một bệnh viện chính ở thành phố El Fasher ngày 8/6, khiến bệnh nhân và nhân viên phải chạy trốn để bảo toàn mạng sống. Bệnh viện bị cướp phá và không còn hoạt động. Đây là bệnh viện duy nhất ở El Fasher có khả năng xử lý các vụ thương vong hàng loạt hàng ngày. Việc đóng cửa bệnh viện bị cảnh báo làm ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, cứu chữa người dân. Hiện có hơn 80% bệnh viện và phòng khám ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến sự Sudan không hoạt động.
Theo bà Edem Wosornu, đánh bom bừa bãi cũng tàn phá cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người dân ở các bang Darfur, Kordofan, Khartoum và Aj Jazirah, giết chết, làm bị thương, gây thương tật cho dân thường và làm hư hại phần lớn cơ sở hạ tầng còn lại.
Bạo lực tình dục liên quan đến xung đột vẫn tràn lan. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã nhận được báo cáo về việc phụ nữ và trẻ em gái bị cưỡng hiếp và phải chịu các hình thức bạo lực trên cơ sở giới khác khi họ rời khỏi nhà để tìm kiếm thực phẩm. Theo báo cáo từ các tổ chức do phụ nữ địa phương lãnh đạo, tỷ lệ tự tử ở những người sống sót đang gia tăng và khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới đang bị thu hẹp.
Cơ quan của Liên hợp quốc cảnh báo, gần 5 triệu người Sudan phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ khẩn cấp. Hơn 2 triệu người ở 41 điểm nóng về nạn đói có nguy cơ cao rơi vào tình trạng đói thảm khốc trong những tuần tới. Các dịch vụ cơ bản như: chăm sóc sức khỏe, nước và vệ sinh đang sụp đổ ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột. Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng cấp tính. Theo UN Women, 7.000 bà mẹ mới sinh có thể chết trong vài tháng tới nếu họ không được tiếp cận với thực phẩm và chăm sóc sức khỏe. Trên khắp Sudan, phụ nữ đang tử vong vì các biến chứng khi mang thai hoặc sinh nở.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cảnh báo tình hình ở Sudan có thể lên mức nghiêm trọng chưa từng thấy, kể từ nạn đói làm khoảng 1,2 triệu người thiệt mạng tại Ethiopia vào đầu những năm 1980.
Người đứng đầu Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ Samantha Power cáo buộc RSF đã cướp bóc các nhà kho nhân đạo, ăn cắp thực phẩm và phá hủy các kho lương thực. Trong khi Các lực lượng vũ trang Sudan (SAF) lại đóng cửa biên giới từ Cộng hòa Chad vào cửa khẩu Adré - tuyến đường viện trợ chính vào vùng Darfur. Bà Power nhấn mạnh chính sự phá hoại và cản trở từ RSF và SAF mới là yếu tố dẫn đến nạn đói kinh hoàng ở Sudan hiện nay.
Trước tình hình này, Mỹ đã cam kết viện trợ thêm 315 triệu USD cho Sudan để ứng phó với khủng hoảng nhân đạo.