Thế giới đang đối mặt khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ năm 1945
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ, ông O'Brien nói rằng hơn 20 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói và nghèo khổ ở các nước Yemen, Somalia, Nam Sudan và Nigeria. Ông kêu gọi LHQ giúp đỡ và cho biết cần 4,4 tỷ USD cho tới hết tháng 7 để ngăn chặn thiên tai.
Ông O'Brien tuyên bố: "Chúng ta đang ở vào thời điểm quan trọng trong lịch sử. Ngay từ đầu năm, chúng ta đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ khi thành lập LHQ".
"Hiện, hơn 20 triệu người trên khắp 4 quốc gia phải đối mặt với nạn đói. Nếu không có những nỗ lực tập thể và sự phối hợp toàn cầu, họ sẽ chết đói, nhiều người sẽ đau khổ và tử vong vì bệnh tật" - vị quan chức LHQ nhấn mạnh.
Ông Stephen O'Brien
Ông O'Brien cũng cảnh báo về nguy cơ trẻ em bị còi cọc, mất khả năng học tập, bị tước đi sinh kế, tương lai và hy vọng. "Những tiến bộ trong phát triển cộng đồng sẽ nhanh chóng biến mất, nhiều người sẽ phải rời bỏ nhà cửa và sẽ tiếp tục tìm kiếm sự sống, tạo ra bất ổn trên nhiều khu vực".
Những tuyên bố của ông O'Brien được đưa ra không lâu sau lời kêu gọi tương tự của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hồi tháng trước. Khi đó, ông Guterres cho biết: LHQ mới chỉ nhận được 90 triệu USD kinh phí viện trợ nhân đạo cho đến năm 2017, dù các quốc gia cam kết đóng góp nhiều hơn.
Dưới đây là tình hình khủng hoảng nhân đạo ở các quốc gia Yemen, Somalia, Nam Sudan và Nigeria:
1. Yemen
Hình ảnh này là một trong số những sự thật gây sốc nhất trong năm ngoái: các em bé gầy gò ốm yếu, cố duy trì sự sống dù chỉ còn rất ít sức lực. Trẻ con 4 tuổi mà không lớn hơn trẻ sơ sinh là mấy. Trong khi đó, các bà mẹ không thể làm bất cứ điều gì để con cái của mình không bị tử vong.
Theo thống kê, cứ mỗi 10 phút lại có một trẻ em Yemen qua đời bởi một căn bệnh có thể phòng ngừa được, trong khi nửa triệu trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.
LHQ ước tính rằng có khoảng 19 triệu người - tương đương 2/3 dân số Yemen - đang cần trợ giúp nhân đạo sau 2 năm nội chiến giữa lực lượng Houthi nổi dậy và chính phủ được hậu thuẫn bởi liên minh do Ả Rập Saudi dẫn đầu.
2. Nam Sudan
Các cơ quan LHQ thống kê rằng, 100.000 người dân Nam Sudan đang phải đối mặt với nạn đói, trong khi hơn 1 triệu người khác được xếp vào nhóm bị ảnh hưởng bởi nạn đói. Đây là tình trạng khẩn cấp và phổ biến rộng rãi trên toàn quốc.
Theo một báo cáo mới đây, LHQ cho biết: 4,9 triệu người - xấp xỉ 40% dân số Nam Sudan - "đang cần thực phẩm, nông nghiệp và trợ cấp dinh dưỡng khẩn cấp".
3. Nigeria
LHQ từng mô tả thảm họa đang diễn ra ở Đông Bắc Nigeria là "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên lục địa", gây ra bởi nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Boko Haram.
Được biết, Boko Haram đã sát hại 15.000 người, buộc hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Ngay cả khi nhóm này bị đẩy lùi, vẫn có hàng nghìn người dân đang sống trong điều kiện cực khổ và cần được giúp đỡ khẩn cấp.
Hồi tháng 12 năm ngoái, LHQ ước tính có khoảng 75.000 trẻ em Nigeria có nguy cơ bị chết đói; 7,1 triệu người khác ở Nigeria và khu vực hồ Chad cạnh đó đang sử dụng "thực phẩm thiếu an toàn".
4. Somalia
Lần cuối cùng nạn đói được tuyên bố ở Somalia là vào 6 năm trước. Khi đó, gần 260.000 người đã thiệt mạng. Từ đầu tháng, báo cáo của cơ quan chức năng cho biết có tới 110 người đã chết tại cùng một khu vực, chỉ trong vòng 48 tiếng.
Các nhóm hoạt động nhân đạo lo ngại rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu của khủng hoảng. Tình trạng thiếu nước - một phần do hiện tượng thời tiết El Nino - đã giết chết gia súc và phá hoại mùa màng, khiến 6,2 triệu người dân Somalia cần trợ giúp khẩn cấp.
Hồng Anh