Hồ nước ngọt sâu nhất thế giới Baikal: kỳ quan của tự nhiên
“Con mắt xanh của Siberia”
Được mệnh danh là “Con mắt xanh của Siberia” hay “Nước mắt Siberia”, hồ Baikal từ trên cao hiện lên như một mảnh trăng lưỡi liềm khổng lồ, với mặt nước xanh biếc nổi bật giữa bạt ngàn rừng taiga và những dãy núi trùng điệp bao quanh. Nhìn từ xa, mặt hồ xanh thẳm như gương, phản chiếu bầu trời rộng lớn và những ngọn núi phủ tuyết trắng.
Hồ Baikal được biết đến như một kỳ quan thiên nhiên với nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu. (Ảnh: Discovery Russia) |
Vào mùa hè, gió từ hồ mang theo hương thơm dịu mát của cỏ cây, tạo nên một bầu không khí trong lành và yên tĩnh. Đến mùa đông, Baikal khoác lên mình một lớp áo băng giá, trở thành một mặt gương khổng lồ phản chiếu bầu trời xanh ngắt và những đỉnh núi tuyết trắng. Mùa đông cũng mang đến một cảnh tượng hiếm có: các bầy hải cẩu Baikal di chuyển trên băng, chim di cư từ phương nam về tổ và những vết nứt trên mặt hồ đóng băng phát ra những âm thanh như tiếng đàn hạc, một đặc trưng mà chỉ Baikal mới có.
Hệ sinh thái độc đáo và đa dạng
Hồ Baikal dài 636km, rộng trung bình 48km và có diện tích bề mặt lên đến 31.722km². Với độ sâu tối đa 1.642m, Baikal giữ kỷ lục là hồ nước sâu nhất thế giới. Đây không chỉ là một khối nước khổng lồ mà còn là một hệ sinh thái phong phú, nơi sinh sống của hơn 1.700 loài động và thực vật, trong đó khoảng 80% là loài đặc hữu, không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh. Điển hình là cá hồi trắng Omul - biểu tượng ẩm thực của Baikal; hải cẩu Baikal (nerpa) - loài hải cẩu nước ngọt duy nhất trên thế giới và tôm nhỏ Epischura baikalensis - một loài giáp xác đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn của hồ.
Hải cẩu Baikal, loài hải cẩu nước ngọt duy nhất trên thế giới. (Ảnh: New Atlas) |
Baikal không chỉ là nơi trú ngụ của các loài động vật hiếm mà còn là một biểu tượng sinh thái toàn cầu. Năm 1996, hồ Baikal đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới, khẳng định tầm quan trọng của nó đối với cả Nga và nhân loại.
Địa chất và hình thành
Hồ Baikal nằm trên một rift tectonic - nơi hai mảng kiến tạo đang tách rời nhau, khiến hồ tiếp tục mở rộng khoảng 2cm mỗi năm. Điều này không chỉ tạo ra độ sâu ấn tượng của Baikal mà còn giữ cho nó không bị bùn hóa, giúp duy trì hệ sinh thái đặc biệt. Nước hồ Baikal rất trong, ít khoáng chất và có thể nhìn sâu tới 40m dưới bề mặt, khiến nơi đây được ví như một chiếc gương khổng lồ soi bóng những ngọn núi, những hàng bạch dương đứng nghiêm trên bờ.
Cảnh quan hồ Baikal vào mùa đông khi bề mặt bị đóng băng. (Ảnh: Hobopeeba). |
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác tuổi của hồ Baikal, nhưng các nghiên cứu cho rằng hồ đã tồn tại từ 25 đến 30 triệu năm, trở thành hồ nước ngọt cổ xưa nhất thế giới.
Hồ Baikal trong truyền thuyết và lịch sử Nga
Với người dân bản địa Buryat, hồ Baikal được tôn kính như "Biển Thiêng" - nơi trú ngụ của các vị thần. Một trong những truyền thuyết nổi tiếng nhất kể về ông lão Baikal và sông Angara, dòng sông duy nhất mang nước từ hồ ra ngoài. Truyền thuyết kể rằng Angara là con gái duy nhất của Baikal, đã yêu sông Yenisey hùng vĩ và trốn thoát khỏi hồ Baikal để đến với người tình. Baikal giận dữ đã ném một tảng đá lớn xuống dòng Angara để ngăn cản tình yêu đó. Tảng đá ấy, "Hòn đá Shaman", vẫn còn nằm giữa dòng sông Angara cho đến ngày nay, như một minh chứng cho câu chuyện tình yêu bất diệt.
Vẻ đẹp siêu thực của hồ Baikal vào mùa đông. (Ảnh: mossandfog) |
Baikal cũng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Nga, đặc biệt là từ thế kỷ 17 khi hồ trở thành cửa ngõ cho các cuộc thám hiểm mở rộng về phía Đông. Vào đầu thế kỷ 20, tuyến đường sắt xuyên Siberia hoàn thành đã đưa Baikal trở thành điểm kết nối chiến lược giữa châu Âu và châu Á. Trong Chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905), Baikal là tuyến đường tiếp vận cho quân đội Nga.
Sức hút của hồ Baikal trong thời hiện đại
Ngày nay, Baikal là điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Olkhon, hòn đảo lớn nhất trong hồ, là nơi tập trung các di tích văn hóa và lễ hội truyền thống của người Buryat. Du khách đến đây không chỉ được tham quan cảnh quan hùng vĩ mà còn có cơ hội tham gia các hoạt động như đánh bắt cá Omul, trượt băng, đi tàu đệm hơi trên mặt hồ đông cứng, thậm chí lặn sâu xuống đáy hồ như Tổng thống Nga (khi đó là Thủ tướng Nga) Vladimir Putin từng làm vào năm 2009.
Tổng thống Nga (khi đó là Thủ tướng Nga) Vladimir Putin lặn xuống đáy hồ Baikal trên tàu ngầm Mir 1 vào ngày 1/8/2009. (Ảnh: Sputnik) |
Một trong những địa điểm thu hút nhất trên đảo Olkhon là vách đá pháp sư, một trong 9 thánh địa linh thiêng của châu Á. Vách đá này được xem là nơi tập trung năng lượng đặc biệt, nơi các pháp sư thực hiện nghi lễ từ ngàn xưa đến nay. Du khách thường dán đồng xu lên tượng băng pháp sư để cầu cho điều ước của họ trở thành hiện thực.
Trong chuyến du lịch Nga đầu năm 2024, anh Trần Giang Lê Vũ từ Thành phố Hồ Chí Minh đã ghé thăm hồ Baikal. Trao đổi với báo chí, anh Vũ cho biết: dù chỉ có hai ngày ngắn ngủi ở Baikal, anh vẫn có nhiều trải nghiệm thú vị như: đi bộ xuyên ngang trên mặt hồ đóng băng, di chuyển trên mặt hồ bằng tàu đệm hơi, trượt trên băng tự nhiên, khoan hồ băng lấy nước trực tiếp từ hồ Baikal để pha cùng rượu cocktail...
Anh Trần Giang Lê Vũ trong chuyến thăm Baikal hồi đầu năm 2024. (Ảnh: Trần Giang Lê Vũ) |
Khoảnh khắc đáng nhớ nhất, theo anh Vũ, là lúc thấy những bọt khí metan bị đóng băng tức thì khi sủi bọt, tạo thành bong bóng đá ngay dưới chân mình. Mọi thứ như được đông cứng lại trong khoảnh khắc, đẹp đến khó tin, Sau những giờ phút trải nghiệm trên hồ băng anh Vũ có cơ hội thưởng thức cá hồi trắng Omul, món đặc sản mà anh kể là không thể bỏ qua nếu đã tới Baikal.
“Cá hồi trắng có thể ăn sống, xông khói, hấp hoặc chiên đều rất ngon. Ngoài ra, tại Baikal còn có ẩm thực của người Buryat với món súp Buchler nấu bằng thịt cừu hầm với khoai tây, món Buuz là một loại bánh nhồi thịt như Momo hay há cảo. Giữa vùng băng giá lạnh lẽo nhưng các món ăn vẫn rất đa dạng và rẻ, nguyên con cá hồi trắng chỉ 75.000 đồng”, anh Vũ kể.
Những thách thức về môi trường và nỗ lực bảo vệ Baikal
Tuy nhiên, Baikal đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm biến đổi khí hậu, ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp và du lịch, cùng sự xuất hiện của các loài sinh vật ngoại lai xâm lấn. Một trong những nguy cơ lớn nhất đối với Baikal là sự phát triển của các khu công nghiệp và việc xả thải không kiểm soát vào hồ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nhiệt độ trung bình quanh hồ đã tăng lên, ảnh hưởng đến sự sinh sản của các loài đặc hữu như cá Omul.
Vách đá pháp sư trên đảo Olkhon thuộc khu vực hồ Baikal, địa điểm thu hút khách du lịch. (Ảnh: Researchgate) |
Để đối phó với tình trạng này, chính phủ Nga đã ban hành một số luật mới nhằm hạn chế hoạt động công nghiệp xung quanh khu vực hồ, đồng thời thiết lập các khu vực bảo tồn nghiêm ngặt. Các tổ chức phi chính phủ và các nhóm bảo vệ môi trường cũng đang thực hiện nhiều dự án tái tạo môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ hồ Baikal. Một trong những sáng kiến nổi bật là chiến dịch làm sạch hồ hàng năm, thu hút sự tham gia của hàng ngàn tình nguyện viên từ khắp nơi trên thế giới.
Baikal trong văn hóa và nghệ thuật Nga
Hồ Baikal không chỉ là kỳ quan thiên nhiên mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho văn học, nghệ thuật và âm nhạc. Nhiều nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ Nga đã tìm thấy cảm hứng từ vẻ đẹp và sự hùng vĩ của Baikal. Nhà văn Valentin Rasputin đã viết về sự gắn bó sâu sắc của con người với Baikal trong tiểu thuyết "Hãy sống và nhớ lấy". Âm nhạc dân gian Nga cũng ca ngợi vẻ đẹp của Baikal qua các bài hát như "Oh, Baikal", ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống bình dị xung quanh hồ. Bên cạnh đó, Baikal còn xuất hiện trong các bộ phim nổi tiếng của Nga, như "Baikal Forever" hay "The Lord of the Baikal".
Một pháp sư thực hiện nghi lễ cổ xưa bên hồ Baikal. (Ảnh: depositphotos) |
Hồ Baikal không chỉ là biểu tượng của thiên nhiên hùng vĩ mà còn là một di sản văn hóa và lịch sử quý giá cần được bảo vệ. Những thách thức mà Baikal đang phải đối mặt yêu cầu sự chung tay của toàn cầu để gìn giữ một trong những kỳ quan thiên nhiên vĩ đại nhất của Trái đất.
Chuyên đề: Phẩm chất Nga - Nhìn từ văn hóa
|