Thủ phủ Yakutsk (Cộng hòa Sakha) nhìn từ trên cao. Ảnh: darminaopel.ru Yakutia nằm ở vùng đông bắc nước Nga, lãnh thổ trải rộng trên 3 múi giờ. Nhiệt độ trung bình vào mùa đông ở Yakutia là khoảng −50 °C và mùa hè là +30 °C. Làng Oymyakon (Yakutia) là điểm lạnh nhất ở Nga. Nhiệt độ thấp nhất từng được ghi nhận ở Oymyakon là -71,2°C. Mặc dù vậy, thiên nhiên và hệ sinh thái tại Yakutia vẫn rất phong phú với 6317 loài thực vật, 300 loài chim, khoảng 40 loài cá và nhiều loài động vật khác. Ở Yakutia tuyết rơi 9-10 tháng trong năm. Núi rừng Yakutia trong mùa đông được phủ trong tuyết trắng, những dòng sông băng lấp lánh hiện lên như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và thanh bình. Trong những ngôi làng nhỏ, tiếng cười trẻ thơ vang vọng từ những ngôi nhà gỗ. Bên bếp lửa, các gia đình quây quần nấu ăn, chia sẻ những câu chuyện và truyền thống văn hóa độc đáo. Sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên Yakutia không chỉ thể hiện trong lối sống mà còn thấm nhuần trong tâm hồn của họ. Các cô gái dân tộc Yakut trong trang phục truyền thống. Ảnh: modasadovod.ru Người dân tộc Yakut chủ yếu chăn nuôi ngựa và tuần lộc để phát triển nông nghiệp và đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm. Ngựa Yakut là giống ngựa từng gây sốt mạng xã hội với ngoại hình khác biệt và khả năng chịu lạnh đến -70 độ. Ngoài ra, người dân địa phương còn đánh bắt cá trên sông Lena và Indigirka. Điều thú vị là sông Indigirka không bao giờ đóng băng hoàn toàn ngay cả ở nhiệt độ âm hàng chục độ C, nhờ có mạch nước ấm chảy ra từ lòng đất. Ngựa Yakut - giống ngựa bản địa của Cộng hòa Sakha. Ảnh: pofoto.club Ở một số khu vực phía bắc Yakutia, băng là nguồn cung cấp nước uống chính vào mùa đông. Băng trên hồ được cắt thành từng khối chữ nhật dày khoảng 20-25 cm, sau đó được vận chuyển về từng nhà để dự trữ. |
Oymyakon - ngôi làng độc đáo |
Làng Oymyankon thuộc Cộng hòa Sakha (Yakutia) của Nga, nằm cách thành phố Yakutsk (thủ phủ Cộng hòa Sakha) khoảng 1000 km. Oymyakon nổi tiếng là một trong những nơi có nhiệt độ thấp nhất trên thế giới có người sinh sống. Mặc dù mùa đông ở Oymyakon giá rét và có nhiều bất tiện trong cuộc sống, vẫn có khoảng 500 người đang sinh sống tại ngôi làng này. Thậm chí, vào tháng 1 năm 2024, khi nhiệt độ ngoài trời chạm mức -53°C, tại Oymyakon đã diễn ra cuộc thi marathon mang tên “Điểm cực lạnh – Oymyakon”. Konstantin Dragunov (24 tuổi), vận động viên điền kinh chuyên nghiệp đến từ quận Megino-Kangalassky (Yakutia), đã giành chiến thắng trong cuộc đua này với quãng đường chạy dài 42km. Konstantin Dragunov - người chiến thắng cuộc đua marathon Oymyakon. Ảnh: skisport.ru Khách du lịch thường tới đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Bắc cực quang, đặc biệt là trải nghiệm những hoạt động như hất nước sôi thành tuyết, đóng đinh bằng chuối đông cứng và tắm sông giữa trời đông Yakutia... Trend “pháo hoa tuyết từ nước sôi” tại làng Oymyakon. Ảnh: d.mayorov17 Ở làng Oymyakon, người dân vẫn có đầy đủ các cơ sở vật chất như bệnh viện, trường học, nhà máy điện... thậm chí có cả sân bay. Trẻ em Oymyakon vẫn sống cuộc sống bình thường: đến trường, đi dạo và chơi cầu trượt tuyết. Người dân còn mở chợ ngoài trời bán “thực phẩm đông lạnh” và các mặt hàng thiết yếu khác. Vào mùa đông, thực phẩm được bảo quản ngoài ban công hoặc hiên nhà. Người ta nói: ở Oymyakon, tủ lạnh là thứ vô dụng nhất vì đã có "tủ đông” từ thiên nhiên. Một khu chợ truyền thống ở Oymyakon (Yakutia). Ảnh: dzen.ru Сư dân Oymyakon cũng như người dân Yakutia nói chung biết giữ ấm bằng trang phục từ da, lông động vật, sáng tạo và cải tiến các loại bếp than cùng hệ thống máy sưởi điện để dùng trong mùa đông. Những năm gần đây, người dân bắt đầu phát triển các tour du lịch trải nghiệm như câu cá trên hồ băng, cưỡi xe tuần lộc, trekking (đi bộ đường dài) trên núi Cột đá Lena... |
Cột đá Lena vào mùa hè. Ảnh: dzen.ru |
Chị Huyền Lưu, cựu sinh viên trường Đại học Liên bang Đông Bắc (Yakutia) cho biết, Yakutia chính là quê hương thứ hai của mình. Với chị Huyền, điều ấn tượng nhất trong khoảng thời gian sống tại Yakutia chính là tinh thần lạc quan, kiên cường và trái tim ấm áp của người dân nơi đây: “Mặc cho thời tiết buốt giá tới đâu, nụ cười vẫn luôn nở trên môi người dân Yakutia.”. Chị Huyền hi vọng ngoài sự kinh ngạc trước mùa đông Yakutia, sẽ ngày càng có nhiều người Việt Nam biết đến cuộc sống thú vị tại đây. |
|
Văn hóa “băng tuyết” |
Yakutia không phải vùng đất dành cho người ăn chay. Họ cần thịt để cung cấp năng lượng sưởi ấm cơ thể. Thời tiết lạnh giá đặc trưng có tác động không nhỏ tới ẩm thực của người dân Yakutia. Món Yakut nổi tiếng nhất là Stroganina. Đây là món cá tươi đông lạnh, được bào mỏng thành từng lát, chấm với “makanina” (muối trộn với tiêu xay). Stroganina - cá đông lạnh thái lát, món ăn sáng tạo của người dân Yakutia. Ảnh: dzen.ru Sữa ngựa và sữa tuần lộc cũng là nguồn thức ăn "bền vững” tại vùng đất này. Chúng được sử dụng làm pho mát, bơ, trà sữa, sữa chua hoặc uống trực tiếp. Sữa tuần lộc có vị chua nồng, chứa nhiều chất béo và protein hơn sữa bò giúp cung cấp nhiều năng lượng hơn cho cơ thể. Các điều kiện môi trường tự nhiên có ảnh hưởng lớn đến văn hóa truyền thống của cư dân bản địa. Phong tục của người Yakut phản ánh mối liên hệ chặt chẽ của họ với thiên nhiên. Lễ Ysyask - lễ đón năm mới truyền thống của người Yakut, được tổ chức vào ngày hạ chí, thể hiện sự sùng bái dành cho các vị thần mặt trời Aiyy và tín ngưỡng phồn thực. Giai điệu truyền thống của dân tộc Yakut được lấy cảm hứng từ âm thanh của động vật như voi ma mút, sói và chim ưng, gợi lên sự bao la, huyền bí của thiên nhiên, sức mạnh của con người tại Yakutia. Kiến trúc “nhà sàn” tại Yakutia. Ảnh: YASIA Khí hậu cũng tạo ra kiến trúc "đặc trưng” của Yakutia. Đất nền ở Yakutia kết hợp giữa đất đá và băng vĩnh cửu. "Băng vĩnh cửa" là thuật ngữ chỉ lớp đất đá hoặc trầm tích dưới nước bị đóng băng liên tục từ 2 năm trở lên. Lớp băng vĩnh cửa lâu đời nhất của Nga (650.000 năm tuổi) nằm trên lãnh thổ làng Batagai, Yakutia. Băng vĩnh cửu vẫn có thể tan khi nhiệt độ xung quanh nóng lên, gây ảnh hưởng không nhỏ tới địa chất vùng và sự nóng lên toàn cầu. Vì vậy, người dân xây nhà trên các cột bê tông, để tạo ra một lớp cách nhiệt vừa để giữ ấm, vừa không làm tan lớp băng nền do nhiệt từ các thiết bị trong nhà tỏa ra. Không chỉ vậy, “nhà sàn” kiểu Yakutia cũng giúp ngôi nhà không bị ngập trong lớp tuyết dày. |
Tài nguyên phong phú |
Năm 1922, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết tự trị Yakut được thành lập. Năm 1991, sau thời kỳ Liên Xô, khu vực này trở thành nước cộng hòa tự trị thuộc Liên bang Nga - tên chính thức là Cộng hòa Sakha. Dân số hiện nay của Cộng hòa Sakha là 1.001.664 người (theo số liệu năm 2024 của Rosstata - cơ quan thu thập và phân tích dữ liệu thống kê về Nga). Người Even, Evenky và người Yakut là cư dân bản địa của Yakutia. Trong bài báo “Lịch sử Yakutia” đăng tải trên trang web chính thức của Cộng hòa Sakha viết, giữa thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, những cư dân đầu tiên đã bắt đầu xây dựng cuộc sống tại đây. Ngày nay, người Yakut vẫn bảo tồn được ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống của họ. Nghề truyền thống của dân tộc Yakut là chăn nuôi gia súc, săn bắn và đánh cá. Ngoài ra, họ còn là những thợ thủ công lành nghề trong việc gia công kim loại, gỗ, xương hươu và ngà voi. |
Tác phẩm điêu khắc từ ngà voi ma mút. Ảnh: Reuters |
Yakutia là vùng kinh tế phát triển của Nga. Các lĩnh vực đem lại hiệu quả nhất là nông nghiệp và khai thác mỏ: khai thác nguyên liệu thô truyền thống (than, dầu, khí đốt) và đá quý (vàng, kim cương, uranium). Mỏ khai thác kim cương lộ thiên ở Yakutia. Ảnh: La Vivion Yakutia là mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển vùng đông bắc và đảm bảo an ninh quốc gia của Liên bang Nga đến năm 2030. Đối với khu vực này, chính sách quốc gia tập trung phát triển đa dạng các lĩnh vực: bảo vệ sức khỏe, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, đường thủy... |
Hội nhập |
Do điều kiện sống khắc nghiệt và diện tích rộng lớn của khu vực, tất cả hàng hóa và dịch vụ ở Yakutia đều đắt hơn nhiều so với các khu vực khác của Nga. Dân tộc Yakut đang cố gắng bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ và các hoạt động kinh tế, nghệ thuật truyền thống trước những thay đổi của kinh tế xã hội, cũng như sự chiếm ưu thế của nghệ thuật đương đại. Về vấn đề môi trường, khi trái đất nóng lên, lớp băng vĩnh cửu tan ra gây ảnh hưởng đến môi trường sống và hệ sinh thái trong khu vực. Tiết mục biểu diễn điệu nhảy truyền thống của người Yakutia. Ảnh: PAI Trước những vấn đề trên, bộ Phát triển Viễn Đông (Nga) kết hợp với chính quyền khu vực đã thu hút khoảng 20 dự án đầu tư quốc tế góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân. Nhà nước Nga rất quan tâm những vấn đề dân tộc thiểu số tại khu vực. Điển hình là: bảo tồn khu vực sinh sống và sản xuất truyền thống của người dân bản địa. Tại các trường học ở Yakutia, các tiết học đều được giảng dạy song song hai ngôn ngữ: tiếng Nga và tiếng Yakutia. Ngoài ra, học sinh được tham gia các tiết học âm nhạc truyền thống để biết cách chơi nhạc cụ, hát các bài hát dân gian, khơi dậy tình yêu văn hóa. Yakutia, với vẻ đẹp hùng vĩ và bản sắc độc đáo, đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Trong cuốn tiểu thuyết "Đường tới Yakutia", nhà văn Nga Anton Chekhov đã khắc họa cuộc sống và phong cảnh của vùng đất này, cũng như những thử thách mà con người phải đối mặt. Ngoài văn học, Yakutia cũng xuất hiện trong bộ phim “24 SNOW” (2017), kể về cuộc sống của người chăn ngựa vùng phía bắc xa xôi.
|
Nội dung, đồ họa: Bạch Dương