Báo Mỹ hiến kế cho chính phủ chặn Nord Stream-2
|
Mỹ đã trừng phạt Nord Stream-2 rất nhiều nhưng Nga đều vượt qua, điều cần làm là đàm phán với Đức.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Berlin, Joseph Giordono-Scholz, nói với Der Tagesspiegel mới đây: "Chính quyền mới của Washington quyết tâm sử dụng tất cả các đòn bẩy hiện có để ngăn chặn việc hoàn thành Nord Stream-2".
Hiện nay, chính quyền ông Biden đã áp dụng chính sách thực dụng nhằm vào dự án, áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm ngăn cản bất cứ công ty nào muốn tham gia dự án. Tuy nhiên tờ Tạp chí Đối ngoại của Mỹ mới đây lại đưa ra nhận định, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt không phải là giải pháp cho việc ngăn chặn Nord Stream-2, mà phải dùng ngoại giao.
Tờ báo Mỹ nhận định, chỉ có hai chủ thể có thể phá bỏ dự án này là Chính phủ Nga và Chính phủ Đức.
Tàu lắp đặt đường ống Nord Stream 2. Ảnh: Nord-stream2.com |
Được biết, khi Mỹ leo thang các biện pháp trừng phạt, nhiều công ty quốc tế đã rút khỏi dự án. Nếu dự án này chỉ là một “dự án thương mại” bình thường như phía Đức khẳng định, nó chắc chắn sẽ bị dừng lại trước nguy cơ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Nhưng Chính phủ Đức và Chính phủ Nga đã giữ cho dự án tiếp tục, tờ báo viết.
Cụ thể, Nga đã tái triển khai tàu lắp đặt đường ống Akademik Cherskiy, điều từ biển Thái Bình Dương tới biển Baltic để tăng cường cho dự án, thay thế cho một tàu của Thụy Sỹ.
Và ở Đức, bang Mecklenburg-Western Pomerania, nơi đường ống dẫn khí đi vào đất liền, đã xây dựng nền móng cho dự án để bảo đảm các nhà thầu Đức không phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Rõ ràng, Mỹ không thể ngăn chặn Nord Stream-2 bằng cách tác động đến Chính phủ Nga.
Nga đang chạy đua để hoàn thành dự án. Đối với Nga, dự án sẽ tiếp tục tạo đòn bẩy năng lượng đối với EU, khi 40% nguồn cung cấp khí đốt của EU đến từ Nga, đồng thời làm yếu việc chuyển khí qua Ukraine - nước đang thu hàng tỷ USD tiền phí đối với xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu. Như vậy, Mỹ chỉ có thể "tấn công" vào Đức. Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Đức liên quan đến dự án sẽ "gây đau đớn" cho các công ty Đức nhưng chưa chắc đảm bảo sẽ thay đổi được chính sách của chính quyền ở Berlin. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ rất có sức mạnh, vì sẽ ngăn cản các công ty tiếp cận thị trường tài chính của Mỹ, sự tiếp cận này là quan trọng để các công ty hoạt động toàn cầu.
Tờ báo này cho rằng, chỉ có một cách tốt hơn để ngăn cản Nord Stream-2 đó là tạm dừng dự án cho tới sau kết quả bầu cử ở Đức trong tháng 9/2021.
Liên quan diễn biến, mới đây, Bộ Ngoại giao Nga vừa cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào dự án Nord Stream 2 thông qua việc tạo những rào cản bất hợp pháp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại gia Nga, Maria Zakharova hôm 9/4 tuyên bố rằng, Mỹ cần nêu gương cho các quốc gia trên thế giới về sự tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là đối với dự án Nord Stream-2.