Nga thừa nhận Nord Stream 2 khó có thể vượt qua vòng thủ tục của EU
Theo ông Alexander Pankin, quá trình cấp giấy chứng nhận có thể kéo dài nhiều tháng cho đến mùa hè năm 2022. Đồng thời, Hoa Kỳ có thể sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới sẽ làm vô hiệu hóa hoàn toàn việc chứng nhận Nord Stream 2.
Trong khi đó, ở diễn biến liên quan, Phó Thủ tướng Đức cũng có phát biểu cho hay, trong trường hợp Nga gây hấn với Ukraine, đường ống dẫn khí Nord Stream 2 sẽ không được khởi động.
Nguồn minh họa/ RT |
Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng không ủng hộ dự án Nord Stream 2 khi cho rằng tuyến đường ống này sẽ buộc châu Âu phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga và làm mất nguồn thu khổng lồ từ việc trung chuyển của Ukraine. Tuy nhiên, vào năm ngoái Washington đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với công ty Nord Stream 2 AG, đơn vị vận hành dự án khi Tổng thống Biden đang nỗ lực hàn gắn quan hệ với Đức và các đồng minh châu Âu khác.
Được biết, nhiều năm qua, các nghị sĩ đảng Dân chủ Hoa Kỳ luôn chỉ trích dự án Nord Stream 2 của Nga với lý do rằng Moscow sẽ sử dụng làm “con tin” để gây áp lực với châu Âu.
Tuy nhiên, các thành viên Đảng Dân chủ được cho là đang lên kế hoạch bỏ phiếu vào tuần tới chống lại các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với tuyến đường ống Nord Stream 2. Đảng Dân chủ "quay đầu" vì cho rằng, việc áp đặt các hạn chế đối với dự án có thể làm suy yếu sự thống nhất giữa các đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Âu, đồng thời làm mất đi đòn bẩy chính của Tổng thống Biden trong các cuộc đàm phán với người đồng cấp Nga.
Dự kiến, vào ngày 14/1 tới, Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz sẽ trình dự luật lên Thượng viện để buộc Tổng thống Biden phải áp các lệnh trừng phạt mới đối với dự án Nord Stream 2, bao gồm hạn chế đi lại, phong toả tài sản, cấm hợp tác với các công ty Hoa Kỳ. Và để dự luật được thông qua, cần có ít nhất 10 nghị sĩ đảng Dân chủ để hợp thành 60 phiếu – vượt ngưỡng tối thiểu.
Dự án khí đốt Nord Stream 2 bị nhiều quốc gia như Mỹ, Ukraine và Ba Lan phản đối vì cho rằng sẽ khiến EU phụ thuộc vào khí đốt của Nga – quốc gia vốn chịu trách nhiệm cung cấp 35% nhu cầu khí đốt của khu vực.