Tổ chức, cá nhân trong các tôn giáo đã ủng hộ gần 19 tỉ đồng chống dịch COVID-19
Các tổ chức tôn giáo chung sức cùng Chính phủ phòng, chống dịch COVID-19 Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và sự hướng dẫn cụ thể của Ban Tôn giáo Chính phủ về ... |
Thủ tướng ra Chỉ thị 19 tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. |
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường phòng, chống lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corana gây ra. Bám sát sự chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 01/02/2020, Ban tôn giáo Chính phủ đã ban hành văn bản số 48/TGCP cụ thể hóa các nội dung trong Chỉ thị gửi Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.
Để thông tin tới bạn đọc trong và ngoài nước về trách nhiệm xã hội của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, Tạp chí Thời Đại xin trích đăng bài viết của TS. Lê Thị Liên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách tôn giáo. Tít, sapo do Thời Đại đặt.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Ngày 31/01/2020 Hội đồng trị sự trung ương GHPGVN có văn bản số 27/CV-HĐTS gửi Ban Trị sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng chống dịch bệnh Covid 19 với yêu cầu sau: tăng cường tuyên truyền đến các chùa, tăng, ni, Phật tử và nhân dân nhận thức về sự nguy hiểm và lây lan của dịch bệnh. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang khi đến chùa, khuyến khích các chùa phát khẩu trang cho mọi người đến chùa, tạm dừng tổ chức các lễ hội, khóa tu tập trung đông người.
Trung ương GHPGVN ủng hộ 5 phòng áp lực âm ngày 20/3 |
Ngày 17/3/2020, Hội đồng Trị sự trung ương GHPGVN ra Thông bạch số 66/ TB-HĐTS gửi Ban Trị sự các tỉnh, thành phố và các tăng, ni, Phật tử ủng hộ kinh phí để mua trang thiết bị và nhu yếu phẩm giúp đỡ đồng bào trong khu cách ly tập trung.
Ngày 27/3/2020, Hội đồng Trị sự trung ương GHPGVN ban hành văn bản số 71/CV-HĐTS về việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chung tay cùng toàn xã hội trong những ngày cao điểm chống đại dịch Covid-19 cụ thể: Tăng, Ni, các chùa, cơ sở tự viện tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các bài giảng, hướng dẫn nghi lễ, sinh hoạt Phật pháp bằng hình thức trực tuyến, online, tránh tập trung đông người.
Cùng với việc ra văn bản hướng dẫn tăng, ni, tín đồ Phật tử thực hiện nghiêm túc việc phòng chống dịch thì GHPGVN đã hủy chương trình đón đoàn Phật giáo Nepan, Trung Quốc vào Việt Nam. Đối với Lễ Phật đản của Phật giáo, Tết Chol Chnam Thmay trong đồng bào Khmer chỉ thực hiện ở phạm vi gia đình và tăng, ni phật tử ở chùa.
Cùng với việc hướng dẫn tăng, ni, phật tử phòng chống dịch, GHPGVN đã quyên góp và trao tặng 5 phòng áp lực âm với tổng giá trị 3,5 tỷ đồng cho Ủy ban Trung ương MTTQVN để phòng chống dịch. Ban trị sự GHPGVN các địa phương như: Quảng Ninh đã bàn giao 01 phòng áp lực âm cho bệnh viện đa khoa tỉnh và 01 tỷ đồng; Hà Nam ủng hộ 500 triệu đồng; Đà Nẵng ủng hộ 100 triệu đồng; Ninh Thuận ủng hộ 40 triệu, 01 tấn gạo, 1 nghìn khẩu trang, 1 nghìn chai nước tương và nhiều vật phẩm khác. Một số chùa trên địa bàn Đà Nẵng như: Chùa Bà Đa giúp đỡ người nghèo và lực lượng tuyến đầu chống dịch 150 triệu đồng; Chùa Bát nhà ủng hộ 50 triệu đồng; Chùa Bảo Quảng ủng hộ 20 triệu đồng… Thượng tọa Thích Thanh Cường, trụ trì chùa Cương Xá (Hải Dương) đã quyên góp, ủng hộ trên 200 triệu đồng và khẩu trang, dung dịch, giấy sát khuẩn, 200 chiếc mũ chống giọt bắn trao tặng Tỉnh đoàn Hải Dương để trang bị cho các tình nguyện viên tham gia nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch… Giáo hội cũng đã đề nghị Bộ Y tế chấp thuận cho mua khẩu trang gửi hỗ trợ kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản phòng chống dịch.
Giáo hội Công giáo Việt Nam
Ngày 2/2/2020 HĐGMVN ra Thông báo kêu gọi tín đồ dành một tuần cầu nguyện để thế giới qua cơn đại dịch, cầu xin các nhà khoa học sớm tìm ra thuốc chữa trị căn bệnh và bệnh nhân bị nhiễm sớm khỏi bệnh. Theo đó Giám mục các giáo phận đã ban hành Thư chung, Thư mục vụ, Thư Luân lưu hướng dẫn các linh mục, tu sĩ và tín đồ phòng chống dịch và thực hiện các lễ nghi tôn giáo trong tình hình mới.
Tổng giám mục TP Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều văn thư trong mùa dịch như: Thư của Tổng giám mục về dịch bệnh viêm phổi do virus Corona gây ra; Ngày 6/3/2020 ra Thông báo về dịch bệnh Covid 19; ngày 14/3 ra Thông báo tạm ngừng các lớp giáo lý trên địa bàn tổng giáo phận; Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến; Ngày 19/3 Hướng dẫn mục vụ mùa dịch Covid; Ngày 26/3 Thông báo tạm ngừng các sinh hoạt cộng đoàn kể từ 16h ngày 26/3; Thông báo hướng dẫn cử hành phục vụ Tuần Thánh 2020.
Thời điểm xẩy ra dịch bệnh đúng vào Mùa Phục sinh của Công giáo và Tin lành với nhiều các nghi lễ quan trọng cần thực hiện, do vậy giám mục các giáo phận đã có văn thư hướng dẫn tín đồ cử hành phục vụ trong Tuần thánh, để mọi tín đồ được thực hiện các lễ nghi theo nghi thức của giáo hội. Ra thông báo đến toàn thể chức sắc, tu sĩ, tín đồ trong giáo phận thực hiện thay đổi nghi thức trong thực hành lễ để hạn chế tiếp xúc như: đề nghị các linh mục tạm ngưng đặt tay chúc lành cho các em thiếu nhi, đến nhà thờ phải đeo khẩu trang, trong các cơ sở tôn giáo bố trí dung dịch sát khuẩn; vận động tín đồ vệ sinh khuôn viên cơ sở thờ tự, gia đình, ăn ở hợp vệ sinh, thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của ngành Y tế, quy định của pháp luật về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trong các văn thư của các tòa giám mục ngoài nội dung hướng dẫn chức sắc, tín đồ thực hiện phòng chống dịch, còn có nội dung kêu gọi mọi người ủng hộ giúp đỡ công tác phòng chống dịch, điển hình:
Ngày 28/3/2020, Tòa Giám mục Bùi Chu ban hành Thông báo, trong đó nêu cao trách nhiệm xã hội: “Ngay tại Rôma và biết bao giáo phận trên toàn thế giới, các vị chủ chăn đã phải quyết định ngưng mọi Thánh lễ và các sinh hoạt mục vụ có tập trung đông người. Trong sự hiệp thông với Giáo hoàng, với Giáo hội hoàn vũ, cùng với cộng đồng xã hội tại Việt Nam, chúng ta ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khỏe và sự sống của chúng ta và của mọi người”.
Ngày 30/3/2020, Tòa Giám mục giáo phận Xuân Lộc đã ra Thư Luân lưu về tình hình dịch bệnh và tuân Tam Nhật, trong đó có nội dung “Tôi thực sự lo ngại khi nghe nói có những nơi, cá nhân hoặc cộng đoàn, coi thường không áp dụng những hướng dẫn phòng chống dịch Covid -19. Xin anh em hãy nghiêm túc tuân theo của giáo phận và của các cơ quan hữu trách dân sự để bảo đảm an toàn sức khỏe cho mình, cho gia đình và cho mọi người. Đồng thời đề nghị toàn thể giáo phận: cầu nguyện, hiệp thông, tham gia các thánh lễ trực tuyền; cải thiện đời sống: quyết tâm thay đổi những thói quen không tốt và chừa bỏ những “tình cảm không lành mạnh”, thực thi bác ái: quan tâm đến việc hòa giải trong gia đình và trợ giúp những gia đình gặp khó khăn, thất nghiệp.
Ngày 10/4 (thứ 6 tuần Thánh) Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra Thư kêu gọi mọi người chia sẻ trách nhiệm cộng đồng trong đó có đoạn: “Tôi kêu gọi tất cả tín hữu Công giáo Việt Nam, tôi cũng ước mong mọi thành phần xã hội Việt Nam hãy làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ những người đang gặp thử thách gian nan vì trận đại dịch đầy thách đố này. Gần chỗ bạn, bao nhiêu người khốn khổ đang chờ. Hãy bắt chước người hảo tâm ở Sài Gòn dựng “cây ATM” phát 1,5 ký gạo miễn phí 24/24 giờ cho bất kỳ ai”.
Hưởng ứng lời kêu gọi Ủy ban Trung ương MTTQVN, của các vị lãnh đạo giáo hội, nhiều giáo phận, giáo xứ, dòng tu đã có các hoạt động bác ái thiết thực, giúp đỡ mọi người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch. Các Tòa Giám mục giáo phận: Xuân Lộc ủng hộ 500 triệu đồng cho Ủy ban Trung ương MTTQVN và 500 triệu cho MTTQ tỉnh Đồng Nai; Phan Thiết ủng hộ 50 triệu đồng, Vinh ủng hộ 32 triệu; Thái Bình 10 triệu… Bên cạnh đó nhiều chức sắc đã ủng hộ tiền, hiện vật cho quỹ phòng chống dịch như: Giám mục Nguyễn Chu Trinh (Đồng Nai) ủng hộ 200 triệu cho Ủy ban Trung ương MTTQVN và 200 triệu cho MTTQ tỉnh; Linh mục Dương Hữu Tình cùng Ban hành giáo xứ Hải Dương ủng hộ 50 triệu đồng cho MTTQ tỉnh và đây cũng là giáo xứ đầu tiên áp dụng mô hình “ATM Gạo” miễn phí tại nhà thờ, thời gian phát gạo từ 8 – 10h30 buổi sáng, 14h30 – 17 giờ với 01 tấn gạo 01 ngày bắt đầu từ ngày 10/4 đến 30/4/2020; Linh mục Nguyễn Đăng Điền (giáo phận Vinh) ủng hộ 15,2 triệu đồng; 02 hộ dân là tín đồ Công giáo ở Hà Tĩnh ủng hộ 2,6 tấn gạo…
Các Hội thánh Tin lành
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tiếp nhận ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 từ các cá nhân, tỏ chức tôn giáo. |
Hầu hết các Hội thánh đều thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ trong việc phòng chống dịch, ra văn bản hướng dẫn tín đồ thực hiện. Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) ra Thông báo khẩn ngày 26/3/2020 về việc tạm ngưng sinh hoạt của Hội thánh và yêu cầu tín đồ nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội: Việc bất đắc dĩ đóng cửa nhà thờ, tạm dừng các sinh hoạt, thờ phượng Chúa hằng tuần của Hội thánh là một quyết định khó khăn, nhưng vì lợi ích chung của Hội thánh và của cộng đồng xã hội, rất mong tôi con Chúa cảm thông và tuân thủ.
Cùng với đó là những đóng góp thiết thực cho công tác phòng chống dịch: Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc ủng hộ Ủy ban Trung ương MTTQVN 315 triệu đồng; Hội thánh Tin lành Lời sự sống Việt Nam ủng hộ 100 triệu đồng; một số tín đồ Tin lành người Mông, người Dao ở Bắc Sơn (Lạng Sơn) và tín đồ người DTTS thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) của tỉnh Cao Bằng đã quyên góp, ủng hộ cho Ủy ban Trung ương MTTQVN số tiền gần 100 triệu; Ban Đại diện Hội thánh Tin lành Đà Nẵng ủng hộ 30 triệu; Hội truyền giáo Cơ đốc ủng hộ 13 triệu đồng; Điểm nhóm Tin lành Ê-Xê-Chi-Ên thuộc Hội thánh Tin lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam ủng hộ 30 triệu đồng; Hội Thánh Mennotine Việt Nam ủng hộ 20 nghìn khẩu trang; Hội thánh Tin lành Liên hữu Cơ đốc ủng hộ 7 nghìn khẩu trang,…
Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của chúa Jêsu Kito ủng hộ 50.000 chiếc khẩu trang, giá trị khoảng 300 triệu đồng.
Đạo Cao đài
Các Hội Thánh đều có Đạo thư thông báo đến ban đại diện, ban cai quản, ban trị sự, họ đạo về việc phòng chống bệnh dịch, phổ biến rộng rãi cho tín đồ thực hiện tinh thần công văn số 48/TCGP ngày 01/2/2020 của Ban Tôn giáo Chính phủ tạm dừng các lễ khánh thành, các khóa học hạnh đường bồi dưỡng, giảm không tập trung đông các lễ tại thánh tịnh. Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo ban hành Đạo thư số 225/ĐT-HT ngày 01/4/2020 đã kêu gọi tín đồ nâng cao trách nhiệm xã hội “Để góp phần cùng Chính phủ và toàn dân trong việc phòng, chống dịch, Hội thánh kêu gọi toàn thể chức sắc, chức việc, đạo tâm lưỡng phái nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức với cộng đồng, với dân tộc trong lúc “chống dịch như chống giặc” tích cực tham gia ủng hộ phòng chống dịch. Tạm dừng các Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan, Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý, Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo... để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Các tổ chức tôn giáo khác như: Hồi giáo, tôn giáo Baha’i Việt Nam; Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam; Phật giáo Hòa Hảo; Minh Sư đạo, Minh Lý đạo… hoãn các cuộc thi giáo lý, các đại hội nhiệm kỳ, hội nghị, hội thảo tôn giáo. Kêu gọi tín đồ tích cực khai báo y tế, kịp thời thông tin về dịch bệnh trên các trang thông tin, website của giáo hội để khuyến cáo tín đồ và nhân dân phòng dịch và đóng góp nhiều tiền, hiện vật ủng hộ công tác phòng chống dịch.
Theo thống kê sơ bộ, các tổ chức, cá nhân trong các tôn giáo đã ủng hộ hơn 18 tỉ 300 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều nhu yếu phẩm, vật tư y tế có giá trị trong đó có: 06 phòng áp lực âm điều trị Covid-19; gần 500.000 khẩu trang; hàng chục tấn gạo; hàng ngàn thùng mỳ và hàng chục ngàn xuất ăn miễn phí,... Đây là những đóng góp rất đáng trân quý góp phần hỗ trợ công tác chống dịch của đất nước.
Đến nay, Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với số tín đồ hơn 26,3 triệu người, chiếm 27% dân số; trên 57 ngàn chức sắc; trên 147 ngàn chức việc; 27,9 ngàn cơ sở thờ tự. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều nhóm, phái và các hiện tượng tôn giáo mới chưa được cấp đăng ký hoạt động. |
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận hơn 900 tỷ đồng ủng hộ chống dịch COVID-19 Số tiền và hiện vật ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 qua UBTƯ MTTQ Việt Nam đến ngày 24/4 đã lên tới hơn 900 tỷ ... |
Cục C10: Chủ động trong ứng phó, khoa học trong công việc để thắng “giặc COVID -19” Qua 3 tháng từ khi xuất hiện bệnh nhân dương tính với Covid-19 ở Việt Nam, hiện tại, các trại giam, cơ sở giáo dục ... |
78 tổ chức PCPNN đánh giá cao biện pháp chống dịch COVID-19 trong thư chung gửi lãnh đạo Việt Nam Mới đây, 78 tổ chức gồm 77 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPPN) và Trung tâm Dữ liệu PCPNN đã gửi thư tới ... |