Phe phái tranh giành quyền lực trong nội bộ lãnh đạo Taliban
Tổ chức Taliban đã chiếm được chính quyền ở hầu hết các địa bàn tại Afghanistan. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, hiện đang xuất hiện nhiều phe phái tranh giành quyền lực với nhau trong nội bộ lực lượng Hồi giáo này.
Sự chia rẽ bên trong Taliban khiến người ta lo ngại về nguy cơ bất ổn và bạo lực tại quốc gia Nam Á này.
Nhiều nguồn tin khác nhau trên thực địa và các cựu quan chức tình báo, quân đội cho hay, các phe phái khác nhau trong nội bộ Taliban thể hiện lòng trung thành với các thủ lĩnh khác nhau và các nước khác nhau.
Lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát cơ bản ở Afghanistan và thông báo một chính phủ Afghanistan mới sắp được thành lập. Nguồn: AFP |
Một nguồn tin từng làm trong chính phủ Afghanistan trước đây cho biết: "Tình hình trên thực địa đang xấu đi. Taliban đang ngày càng chia rẽ và các phe phái khác nhau đã và đang tổ chức những cuộc họp riêng của mình. Rõ ràng, Taliban đang thiếu sự thống nhất về chỉ huy và điều này khiến người ta càng thêm e sợ về bạo lực".
Cũng theo nguồn tin, các phái được cho là có các ý tưởng khác nhau về cách ứng phó với các "thách thức đang nổi lên", bao gồm cách đối đầu với mối đe dọa ngày càng tăng từ tổ chức khủng bố IS và phong trào kháng chiến ở tỉnh Panjshir.
"Họ có những tranh chấp lớn về quyền lực, các dân tộc và bộ lạc khác nhau đều muốn nắm giữ quyền lực" - nguồn tin tiết lộ.
Nhiều nguồn tin cho biết, Taliban là bình phong cho việc tiếp quản quyền lực ở Afghanistan nhưng chính mạng lưới ngầm Haqqani mới thực sự đang đóng vai trò nổi bật về cả chính trị và quân sự từ sau hậu trường đối với tất cả các vấn đề liên quan đến Afghanistan.
Bản thân Taliban không còn bị Mỹ coi là tổ chức khủng bố nước ngoài nữa, nhưng nhóm Haqqani thì lại duy trì quan hệ gần gũi với tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda.
Các tay súng Taliban tại tỉnh Laghman. Ảnh: AFP |
Ngoài sự hục hoặc về ai nắm quyền giữa Taliban và Haqqani, còn có các chia rẽ bên trọng mỗi nhóm này.
Vào tháng 6/2020, một đội theo dõi của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng ít nhất một thủ lĩnh cấp cao của Taliban đã ly khai để tạo ra "một nhóm mới chống lại bất cứ thỏa thuận hòa bình nào". Như vậy, bên trong Taliban có nhóm sẵn sàng tuân thủ cam kết hòa bình tại Doha và những người không chấp nhận cam kết này. Ngoài ra, còn có sự phân chia nhóm theo mức độ trung thành với các nước khác nhau bên ngoài Afghanistan như Iran, Pakistan, Saudi Arabia, Qatar, Syria, và hơn thế.
Tình hình còn phức tạp hơn khi có phe cực bảo thủ muốn áp dụng nghiêm ngặt luật Hồi giáo Sharia như cách đây 2 thập kỷ ở Afghanistan và ở đối cực khác là những người muốn bớt hà khắc hơn trong cách diễn giải và thực hành luật Sharia.
Sự rạn nứt trong nội bộ Taliban như trên khiến những ai muốn di tản khỏi Afghanistan nhưng vẫn bị kẹt lại càng lo lắng thêm cho mạng sống của chính mình.