Phật tử Daniel (Colombia): “Sự hy sinh của các liệt sĩ vì hoà bình là vô giá”
Lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đầy ý nghĩa tại Đức Ngày 24/7 tại thành phố Magdeburg, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Đức phối hợp Hội cựu quân nhân Việt Nam tại bang Sachsen-Anhalt long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. |
Tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Lào Chiến tranh kết thúc, Đảng, Chính phủ và Quân đội hai nước Việt Nam và Lào đã có nhiều cố gắng tìm kiếm, cất bốc và quy tập hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào về an táng tại Việt Nam. |
Daniel bên các ngôi mộ liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (Anh Sơn, Nghệ An). |
Trưa ngày 25/7, hàng ngàn người dân và phật tử đã tham gia lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ được diễn ra tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (huyện Anh Sơn, Nghệ An). Dưới cái nóng lên tới hơn 40 độ C, nhiều người vẫn nhận ra một phật tử khá đặc biệt: Khoác trên mình bộ "áo lam" và tràng hạt trên tay, phật tử người nước ngoài kiên nhẫn đi tới từng ngôi mộ liệt sĩ để niệm phật.
Nhân duyên với Việt Nam
Người phật tử nêu trên là Daniel Blanco, một người con của quê hương Colombia xa xôi. Câu chuyện đến với Phật pháp và mảnh đất Việt Nam như một cơ duyên đối với anh. Năm nay 37 tuổi, Daniel Blanco đã có bằng thạc sĩ về nhân chủng học và lịch sử. Anh từng làm giám đốc nhà xuất bản của Đại học Jorge Tadeo Lozano và hiện tại là giảng viên giảng dạy (online) tại Học viện Instituto Caro y Cuervo (Thủ đô Bogota, Colombia).
Daniel Blanco cùng người dân địa phương trong một chuyến đi thực tế ở Việt Nam. |
“Trước đây, tôi từng có những trải nghiệm tâm linh khó chia sẻ với người xung quanh. Vì vậy, tôi luôn chủ động phớt lờ hoặc chối bỏ nó. Cho tới một ngày, những trăn trở ấy hiện hữu rõ nét và thôi thúc tôi phải dừng lại tất cả để bắt đầu một chuyến du hành để trải nghiệm cuộc sống, với những góc nhìn khác. Tôi vừa đi du lịch vừa nhận công việc ngắn hạn là dạy tiếng Tây Ban Nha để có thêm thu nhập trong suốt hành trình”, Daniel nói.
“Năm 2020, tôi nhận được một lời mời làm giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha tại Hà Nội (Việt Nam). Có lẽ đó đã mở đầu cho một nhân duyên của tôi với đạo Phật”, Daniel nhớ lại. |
Sang Việt Nam chưa lâu, dịch Covid-19 bùng phát khiến việc đi lại khó khăn. Nhưng với Daniel, đây lại là cơ hội để được ở lại mảnh đất này lâu hơn. Cũng từ đó, anh có điều kiện tìm hiểu con người, cuộc sống nơi đây. “Cuộc sống nơi đây cho tôi một trực quan khá sinh động. Đặc biệt là sự thân thiện của người dân khiến tôi càng muốn khám khá cuộc sống và những điều thú vị còn tiềm ẩn nơi đây”.
Daniel Blanco sinh hoạt cùng các bạn trẻ người Việt Nam. |
Tại Việt Nam, anh được một người bạn và những người Phật tử chia sẻ sâu hơn kiến thức về Phật pháp và những trải nghiệm trong quá trình tiếp cận Phật giáo.
“Điều này giúp tôi nhận thấy, những linh tính về tâm linh trước đây mà tôi luôn chối bỏ vì cho là khác thường lại là những biểu hiện về tâm linh vốn vẫn âm thầm hiện hữu bên trong mình. Càng tìm hiểu về Phật học, tôi càng cảm thấy đó là một minh triết có thể thỏa mãn rất nhiều câu hỏi mà trước đó chưa có lời giải”, Daniel tâm sự.
Như là một cơ duyên, tại Yên Thành (Nghệ An), anh đã được bạn bè giới thiệu gặp sư thầy Thích Tuệ Quang trụ trì chùa Trúc Lâm Yên Thành và dự một khoá thiền. Với chàng trai Colombia, việc được gặp sư trụ trì và được ăn chay, thưởng trà cùng thầy thực sự là một niềm vinh hạnh và may mắn.
Daniel đón Tết Việt Nam với một cành đào Nhật Tân. |
Lý giải thêm về điều này, anh nói: “Tôi biết một người du lịch thông thường sẽ rất khó có được một nhận duyên và cơ hội hay như vậy. Sự thân thiện, hào sảng của thầy và mọi người trong chùa từ các bà làm công quả tới các em hỗ trợ thầy việc trong chùa khiến tôi thực sự xúc động. Mỗi lần đến nơi đây và khi ra về, tôi đều cảm thấy bịn rịn như chia tay người thân trong gia đình”.
Chính nhờ cuộc những gặp gỡ này, chàng trai Colombia đã được cơ duyên dự lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ được diễn ra tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (Anh Sơn, Nghệ An) vào những ngày cuối tháng 7/2022.
Xúc động trước hàng trăm mộ liệt sĩ chưa biết tên
Daniel chia sẻ những xúc cảm về cuộc cầu siêu vừa diễn ra cuối tháng 7/2022: “Được gắn bó với sư thầy Thích Tuệ Quang của Chùa Trúc Lâm Yên Thành, tôi càng hiểu thêm về những giá trị cơ bản của đạo Phật. Cũng nhờ thầy, tôi được biết đến buổi lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ được diễn ra tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (Anh Sơn, Nghệ An). Đó là một hoạt động nhân văn và thể hiện rõ nét truyền thống văn hoá tốt đẹp của Việt Nam”.
Dù thời gian dự cuộc cầu siêu đã qua vài ngày, nhưng Daniel vẫn còn nguyên nhiều xúc cảm. Chàng trai Colombia có những nhận thức mới khi chứng kiến buổi lễ, người dân và thân nhân của các liệt sĩ tới thắp hương hàng ngàn ngôi mộ của các chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự, đặc biệt là quang cảnh nghĩa trang với hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ.
Daniel thực sự xúc động trước hàng ngàn ngôi mộ của các liệt sĩ tại Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào (Anh Sơn, Nghệ An). |
“Là người làm nghiên cứu và xuất bản sách về lịch sử, tôi đã đọc, xem về chiến tranh tại Việt Nam qua những thước phim tư liệu của nước ngoài với điểm nhấn là sự thể hiện sức mạnh quân sự cũng như vũ khí hạng nặng được sử dụng. Tôi mường tượng ra sự thương vong qua những con số. Nhưng chỉ khi đến đây, tận mắt chứng kiến thì sự kết nối giữa tư liệu được đọc với sự bi thương hiện hữu đã khiến tôi thực sự sốc”, anh kể lại.
Chứng kiến cảnh hàng trăm người dân và thân nhân tới thắp hương, Daneil cũng đã đi tới nhiều ngôi mộ và niệm phật. Điều bất ngờ mà anh khám phá ra ở đây: Có rất nhiều bia mộ được ghi với một dòng tên giống nhau “Liệt sỹ chưa biết tên”.
Daniel đã tới niệm phật trước nhiều ngôi mộ. |
“Lúc đầu tôi cũng không để ý. Nhưng khi niệm phật tại 5-6 ngôi mộ có cùng tên ghi trên bia và sau đó là hàng trăm bia như vậy. Tôi mới hỏi người dân và được biết đó là mộ của những liệt sĩ đã hy sinh nhưng chưa xác định được thông tin cá nhân”, Daniel kể lại.
Chia sẻ những suy ngẫm về điều này, Daniel bày tỏ: “Để có được sự thống nhất đất nước như hôm nay, quân đội nhân dân Việt Nam đã phải hy sinh rất nhiều. Đó là những mất mát to lớn và đáng trân trọng. Cái giá phải trả cho sự hoà bình và thống nhất đất nước không hề nhỏ. Ngay cả tới thời kỳ hoà bình, nhiều người ngã xuống trong lịch sử vẫn còn chịu thiệt thòi vì chưa được xác nhận tên, tuổi và quê quán”.
Nhiều phật tử người Việt đã rất bất ngờ với sự xuất hiện của Daniel tại buổi lễ cầu siêu. |
Những dòng tâm sự của anh dường như còn trào dâng khi nhớ về quang cảnh buổi lễ. Bên cạnh đó, một điều cũng làm anh khá ấn tượng là sự thiện cảm của người dân nơi đây.
Do mặc "áo lam" phật tử và húi cua đầu, anh khiến nhiều người dân cứ ngỡ là một người tu hành nên đã tới chào hỏi và chụp ảnh. Sự thân thiện và cởi mở này được chàng trai Colombia mộ đạo cho là một nhân duyên. “Tôi vẫn chỉ là một phật tử. Có lẽ trong thời gian tới, tôi cần có thêm một nhân duyên để có thể thực sự xuất gia”, Daniel khiêm tốn chia sẻ.
Mái ấm đi về của 9.419 liệt sĩ Mặt trận 479 - Campuchia Trong không khí của tháng Bảy tri ân, ngày 13/7 tấm bia liệt sĩ Mặt trận 479 đã được khánh thành tại chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội). Đây là mái ấm đi về của 9.419 liệt sĩ Mặt trận 479 và anh linh liệt sĩ cả nước. |
Sức lan toả rộng lớn của Chương trình 'Màu hoa đỏ' Từ Chương trình “Màu hoa đỏ”, các tầng lớp nhân dân cùng nhiều tấm lòng hảo tâm đã cùng đồng hành tham gia tổ chức các hoạt động tri ân; qua đó trao tặng hơn 130.000 sổ tiết kiệm, hơn 550 nhà tình nghĩa cùng hàng vạn suất học bổng, quà tình nghĩa tới các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng tại nhiều địa phương trên cả nước. |