Mái ấm đi về của 9.419 liệt sĩ Mặt trận 479 - Campuchia
Tấm bia Liệt sĩ Mặt trận 479 được làm bằng đá xanh nguyên khối, cao 3,25m, kích thước của đế bia là 1,2m x 1,2m; đặt trên trụ đỡ có móng bê tông cốt thép, được ốp bằng đá kim sa, kích thước 1,5m x 1,5m. Phía trên cùng của bia là Kỷ niệm chương Mặt trận 479. Tiếp đó là dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, trong đó có 9.419 liệt sĩ Mặt trận 479, đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả". Phía dưới dòng chữ "Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội" là đóa hoa sen cách điệu.
Tấm bia Liệt sĩ Mặt trận 479 được đặt tại vị trí đắc địa trong khuôn viên chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) (Ảnh: Thành Luân). |
Đại tá Lê Cường, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội gọi đây là "công trình của tình người, tình đồng chí, đồng đội; là công trình của lòng thành kính biết ơn". Từng chữ, từng câu đến cách bài trí trên Bia Liệt sĩ Mặt trận 479 đều được Ban Chấp hành Hội thảo luận sôi nổi, cân nhắc kỹ lưỡng với tinh thần trách nhiệm cao.
"Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng, lịch sử vinh quang của Mặt trận 479 công đầu thuộc về 9.419 anh hùng liệt sĩ đang được thờ cúng ở đây. Các anh đã làm nên công tích bất hủ, những cái chết đã gieo mầm cho sự sống, những hồn thiêng đã hóa thân vào dáng núi, hình sông và trường tồn cùng đất nước", Đại tá Lê Cường xúc động nói.
Ông cho biết, Mặt trận 479 được thành lập ngày 14/4/1979, có 10 năm sát cánh chiến đấu và giúp nước bạn Campuchia. Trong 10 năm ấy, 9.419 cán bộ chiến sĩ của Mặt trận 479 đã hy sinh, 17.589 người bị thương. Tâm nguyện của những người lính tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về là có một công trình văn hóa tâm linh, thờ phụng các anh hùng liệt sĩ. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương; sự hoan hỉ phát tâm của ni sư Thích Đàm Lan - trụ trì chùa Bồ Đề; sự đồng thuận của các tăng ni, Phật tử; sự ủng hộ hào hiệp của các tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm và sự tự giác đóng góp công sức, tiền bạc của cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 trong cả nước, công trình đã ra đời.
Tấm bia Liệt sĩ Mặt trận 479 là một phần trong tổ hợp công trình văn hóa tâm linh được xây dựng trong khuôn viên chùa Bồ Đề để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận 479. Ngoài tấm bia còn có phòng thờ liệt sĩ Mặt trận 479 - được khánh thành cách đây 6 năm, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Đây là mái ấm đi về của 9.419 linh hồn bất tử của quân tình nguyện Mặt trận 479 và anh linh liệt sĩ cả nước.
Công trình giúp những người đến viếng hình dung phần nào tính bi tráng của cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia; hiểu rõ hơn những chiến công hiển hách đi liền với những hy sinh to lớn của quân và dân ta nói chung, Mặt trận 479 nói riêng.
Thắp nén tâm nhang cho các anh hùng liệt sĩ, Đại tá Rem Kann, Tùy viên quân sự Campuchia tại Việt Nam đỏ hoe khóe mắt. Ông bày tỏ sự tri ân chân thành, sâu sắc tới các liệt sĩ Mặt trận 479 đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước Campuchia, cho tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia mãi mãi vững bền: "Lần đầu đến đây tôi rất xúc động. Các đồng chí Việt Nam đã anh dũng xả thân bảo vệ Campuchia. Đây chỉ là một góc nhỏ của Mặt trận 479, còn nhiều đơn vị khác nữa".
Trong dòng người đến dâng hoa, dâng hương cho các anh hùng liệt sĩ có mẹ con chị Dương Thu Hương, công tác tại Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Bà Ngô Thị Thảo – mẹ của chị Hương, dù đang bị bệnh nhưng đến thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ, bà thấy người khỏe ra.
Đối với chị Hương, năm 2016, cứ mỗi tháng chị lại góp 200.000 đồng để công đức xây dựng phòng thờ Liệt sĩ Mặt trận 479. Năm nay, chị lại góp 1 triệu đồng xây dựng Bia Liệt sĩ dù lương tháng của chị chưa đầy 5 triệu đồng, lại đang chăm sóc bố mẹ già yếu, bệnh tật và nuôi con đi học.
“Đền ơn đáp nghĩa là việc ai cũng có thể làm được. Mỗi người một hạt thóc, góp gió thành bão, quan trọng là để thế hệ mai sau hiểu hơn về sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Sự đóng góp của tôi rất nhỏ bé nhưng tôi thấy ý nghĩa và vinh dự khi được làm như vậy”, chị Hương chia sẻ.