Nghị sĩ Đức: Nếu Berlin ngăn Nord Stream-2 là tự sát chính trị
Chính trị gia người Đức Waldemar Herdt trong cuộc phỏng vấn mạng tin tức 360 của Nga đã bình luận về những sức ép mà dự thảo nghị quyết của nhóm chính trị tại Nghị viện Châu Âu muốn áp đặt trừng phạt Nga và ngăn chặn dự án Nord Stream-2.
Dự án Nord Stream-2 đang đứng trước áp lực từ nghị sĩ châu Âu. Ảnh: Internet |
Theo đó, ông Waldemar Herdt, nghị sĩ của Đảng Thay thế cho nước Đức (AfD) cho rằng, bản thân Nghị viện châu Âu là một "công cụ nhân tạo", khó có thể hiện thực hóa các nghị quyết của chính nó.
Cũng theo ông Waldemar Herdt cảnh báo, nếu Berlin rút lui khỏi dự án năng lượng Nord Stream-2, Đức sẽ phải đối mặt với các khoản phạt khoảng 12 tỷ euro và cần phải tìm cách bù đắp thâm hụt năng lượng. Tất cả điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế trong nước.
Được biết, liên quan dự án, trước đó, hơn 50 nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu đã đưa ra một nghị quyết vào ngày 28/4, đề xuất ngắt kết nối Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT và dừng dự án Nord Stream-2 do Nga "gây hấn, tiếp tục gây bất ổn cho Ukraine, hành vi thù địch đối với và tấn công thẳng vào các quốc gia và xã hội thành viên EU là Cộng hòa Séc cũng như cách đối xử với nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny".
Các nghị sĩ đề xuất rằng, nếu căng thẳng đang diễn ra đối với Ukraine trở thành một “sự xâm lược của Nga” thì nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga sang EU phải bị ngừng ngay lập tức… Đồng thời tất cả tài sản ở EU của các nhà tài phiệt thân cận với chính quyền Nga và gia đình của họ ở EU cần phải bị đóng băng và thị thực của họ bị hủy bỏ.
Nghị sĩ Đức Waldemar Herdt cho rằng, các nỗ lực làm suy yếu dự án này đang ngày càng thể hiện rõ bản chất của họ. Đề xuất loại bỏ Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT và ngăn chặn Nord Stream-2 "sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai ngoại trừ một 'bên thứ ba', hy vọng sẽ mang đến đói kém và tàn phá nền kinh tế, năng lượng của châu Âu".
Được thúc đẩy bởi một liên minh các công ty từ Nga, Đức, Áo, Pháp và Hà Lan, Nord Stream 2 đang đặt hai đường ống dẫn qua đáy biển Baltic sẽ vận chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm của Nga đến Đức.
Trong khi đó, một trong những lý do khiến Washington phản đối dự án này, có liên quan đến việc nước này muốn bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các mỏ đá phiến cho các nước thành viên Liên minh châu Âu.