Lãnh đạo chính quyền dân sự Myanmar kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình
Trong bối cảnh con số thương vong trong các cuộc biểu tình gia tăng, lãnh đạo chính quyền dân sự của Myanmar đã kêu gọi trao cho người biểu tình quyền tự vệ hợp pháp.
Cụ thể, hãng tin Channel News Asia hôm 14-3 đưa tin, ông Mahn Win Khaing Than - một lãnh đạo cấp cao của chính quyền dân sự Myanmar đã nói rằng chính quyền dân sự đang tìm cách trao cho người dân quyền tự vệ trong bối cảnh số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình đã hơn 80 người.
Ông Mahn Win Khaing Than. Ảnh: AFP |
Sau vụ chính biến, các nhà lập pháp Myanmar đã thành lập Ủy ban đại diện Quốc hội Myanmar (CRPH). Ngày 9-3, CRPH đã bổ nhiệm ông Mahn Win Khaing Than làm quyền Phó Tổng thống của chính quyền dân sự Myanmar.
Thông qua mạng xã hội Facebook, ông Than đã mô tả giai đoạn hiện tại là “thời khắc đen tối nhất” nhưng cũng là lúc “bình minh cận kề”.
“Đây cũng là giai đoạn thử thách để xem chúng ta có thể chống lại thời khắc đen tối nhất này đến mức nào” - ông Than cho biết. Đồng thời, ông Mahn Win Khaing Than nói rằng chính quyền dân sự “sẽ nỗ lực xây dựng luật pháp cho phép người dân có quyền tự vệ” trước sự đàn áp của quân đội.
Liên quan chính biến, theo số liệu của Hội Hỗ trợ tù nhân chính trị Myanmar, hơn 2.100 người bị bắt và hơn 80 người chết do biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar kể từ ngày 1-2. Trong khi người biểu tình lên án cảnh sát đã hành xử như trong thời chiến trước những người dân không có vũ khí, thì Đài truyền hình MRTV do quân đội điều hành gọi những người biểu tình là "tội phạm".
Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều nghị sĩ của Đảng NLD đã bị bắt. Nhiều nghị sĩ được bầu khác của đảng đang lẩn trốn ở Myanmar đã thành lập một Ủy ban đại diện chính phủ dân sự (CRPH) ngày 2-3-2021 để tố cáo chế độ quân sự đang nắm quyền tại Myanmar.
Ủy ban đã có nhiều tuyên bố sau khi thành lập nhưng phong trào biểu tình hầu như không có thủ lĩnh, các hoạt động hằng ngày do các nhà hoạt động tại địa phương tổ chức.
Hội đồng Quản lý nhà nước của quân đội khẳng định việc thành lập CRPH được xem như là "hành động phản quốc".