5 dự án đội vốn hơn 81 nghìn tỷ, Bộ trưởng Thể nhận trách nhiệm thế nào?
Tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 5/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã nêu chi tiết thực trạng đầu tư, xây dựng cơ bản các dự án giao thông, điển hình là các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. HCM. Theo đó, cập nhật tới cuối tháng 3/2019, lượng vốn tăng thêm của các dự án này lên tới gần 81.050 tỷ đồng. Cụ thể:
Dự án đường sắt đô thị TP. HCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên do TP. HCM làm chủ đầu tư, theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2020. Dự án đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.325 tỷ đồng, dự kiến tăng 29.937 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.
Dự án đường sắt đô thị TP. HCM, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương do TP. HCM làm chủ đầu tư, theo kế hoạch hoàn thành ban đầu trong năm 2020. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.891 tỷ đồng, dự kiến tăng 21.775 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội do Hà Nội làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Dự án đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 32.910 tỷ đồng, dự kiến tăng 14.502 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư hoàn thành ban đầu trong năm 2016. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 18.001 tỷ đồng, tăng 9.232 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi cũng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, giai đoạn 1 của dự án đã được điều chỉnh tiến độ, thực hiện từ 2017 đến 2024; giai đoạn 2 từ 2012 đến 2020 đang thực hiện các thủ tục để điều chỉnh tiến độ thực hiện. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên khoảng 30.427 tỷ đồng, tăng 5.602 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Zing.vn. |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đặt câu hỏi về trách nhiệm của các các tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vừa qua, Thanh tra Bộ đã thanh tra tất cả dự án dư luận và báo chí phản ánh về chất lượng, cùng với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra Bộ Công an tiến hành xử lý.
Về việc nhiều dự án giao thông chậm tiến độ, theo ông Thể, nguyên nhân khách quan là do khâu giải phóng mặt bằng, bố trí vốn cho dự án không kịp thời. Trách nhiệm chủ quan thuộc về chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Với những dự án chậm tiến độ do yếu tố khách quan, Bộ trưởng Thể cho rằng có thể kiểm điểm rút kinh nghiệm. Nhưng với trách nhiệm có nguyên nhân chủ quan từ phía chủ đầu tư hay doanh nghiệp thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định, kể cả chuyển hồ sơ cho công an.
Theo lý giải của người đứng đầu ngành GTVT, đa số các dự án đội vốn rơi vào các dự án đường sắt đô thị và đây là công nghệ mới, chủ yếu được phê duyệt trước giai đoạn 2008-2009 là thời gian khủng hoảng nghiêm trọng, riêng năm 2009 trượt giá gần 20%. Theo thống kê từ 2009-2013 trượt giá đến 49%.
Do thiếu kinh nghiệm, các tư vấn lập dự án đã tính toán tổng mức đầu tư chưa sát với thực tế. Điều này dẫn tới việc dự án phải điều chỉnh nhiều nội dung không phù hợp với thiết kế cơ bản ban đầu.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vống hơn 9.200 tỷ đồng |
Ngoài ra, yêu cầu điều chỉnh quy mô đầu tư cũng dẫn đến tình trạng tăng tổng mức đầu tư. Trách nhiệm của việc đội vốn này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ, thuộc về chủ đầu tư, tư vấn thực hiện dự án.
Về trách nhiệm của Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã điều chuyển một số giám đốc ban quản lý dự án và kiểm điểm cuối năm khi xếp loại cán bộ đã xếp loại Hoàn thành thay vì Hoàn thành tốt.
Riêng đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông , Bộ trưởng Thể cho biết, dự án này thực hiện theo hiệp định vay vốn giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó tổng thầu do Trung Quốc chỉ định.
Sau nhiều lần làm việc của Bộ GTVT với các đơn vị liên quan của Trung Quốc, hiện dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, còn 1% là một số hạng mục nhỏ và tổng thầu đang triển khai công tác chứng minh an toàn hệ thống.
Bộ GTVT đã thuê một số tư vấn nước ngoài, đứng đầu là đơn vị tư vấn của Pháp để đánh giá an toàn hệ thống của dự án. Khi 1% phần việc còn lại của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được hoàn thành và dự án được chứng nhận tất cả các thiết bị đảm bảo an toàn hệ thống, dự án mới có thể đi vào vận hành thương mại, ông Thể cho hay.
Bộ trưởng Giao thông: Gần như 100% dự án BOT được kiểm toán Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 05/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định gần như ... |
Quỹ đất dành cho giao thông tại Hà Nội, TP. HCM chỉ chiếm 9% Phiên làm việc sáng 27/5 của Quốc hội cho thấy nhiều bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, ... |
Đường giao thông chưa bàn giao đã “nứt ngang, nẻ dọc” ở Quỳnh Lưu, Nghệ An (TĐO) - Dự án Đường giao thông Quỳnh Lâm đi Ngọc Sơn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) do Công ty TNHH Minh Quang thi công ... |
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Trễ hẹn, chưa biết khi nào chạy thử chính thức Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông vừa bác bỏ thông tin chạy thử toa tàu dọc đường ray trên cao của tuyến đường sắt ... |
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thay thế ngay 1 nhà thầu Nhà thầu thi công ga La Thành không đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thi công, chất lượng công trình, tiến độ ... |