Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Trễ hẹn, chưa biết khi nào chạy thử chính thức
Ngày 28/9, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho biết, Tổng thầu EPC Trung Quốc vừa chạy thử toa xe công trình trên một số đoạn tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. Đây là hai toa xe diezel tự vận hành trên đường sắt đô thị để kiểm tra kết cấu hạ tầng và sau này phục vụ cho công tác kéo toa xe chuyên chở vật tư cho công tác sửa chữa, duy tu đường sắt. Tốc độ chạy thử toa xe từ 5 km/giờ để kiểm tra kết cấu hạ tầng đường sắt, đường ray, sau đó nâng lên tốc độ 10-20 km/giờ.
Phát ngôn này khiến nhiều người hiểu rằng, tuyến đường sắt trên cao này chạy thử toa tàu. Tuy nhiên, tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ GTVT diễn ra chiều 28/9, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định đây không phải hành động chạy thử của tuyến đường sắt trên cao này, vì việc chạy thử liên quan đến rất nhiều vấn đề: “Chạy thử nghiệm vận hành tuyến đường này ngoài đường ray còn liên quan đến hệ thống điều khiển, thông tin tín hiệu... Khi hội tủ đủ các điều kiện kỹ thuật cần thiết mới có thể chạy thử”.
Lãnh đạo ngành giao thông cũng nhấn mạnh, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông không thể chạy thử tàu theo kế hoạch vào tháng 10 tới như đã hẹn do thiếu nguồn vốn. Bộ đang rà soát chi tiết và làm việc lại với Tổng thầu Trung Quốc để có báo cáo với Chính phủ cũng như cơ quan có thẩm quyền.
“Dự án đã hoàn thành khối lượng xây lắp được 95%. Những vướng mắc còn lại đều liên quan đến phần thiết bị, mà nguyên nhân chậm là do thiếu vốn, nguồn vốn giải ngân. Hồi tháng 12/2016 mới tiến vào giải ngân trong phần hiệp định vay vốn cũ cho các hạng mục. Đến tháng 5/2017 hai bên mới ký hiệp định vay vốn bổ sung 250 triệu USD. Nhưng hiện nguồn vốn vay bổ sung vẫn chưa giải ngân được do vướng mắc về các vấn đề tư pháp”, Thứ trưởng Đông cho hay.
Mặt khác, vốn giải ngân 250 triệu USD vay bổ sung còn đang chờ ý kiến pháp lý của Bộ Tư pháp. Đây là nguồn vốn lớn nhất cho phần đầu tư thiết bị, phía Việt Nam phải trả tiền thì đối tác mới cung cấp thiết bị.
Đề cập đến kế hoạch vận hành thử nghiệm tàu Cát Linh-Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện nay Bộ đang xây dựng phương án và chưa có đề xuất cụ thể.
Trước đó, theo kế hoạch của Bộ GTVT, cuối tháng 7/2017 dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị. Từ tháng 10/2017, dự án bắt đầu chạy thử liên động toàn hệ thống trong 3-6 tháng. Dự kiến quý II/2018, dự án đưa vào khai thác thương mại.
Việc dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông “lỡ” mốc vận hành thử nghiệm là tháng 10 tới cũng đồng nghĩa với việc khai thác thương mại trong năm 2018 khó bảo đảm, dù công trình đã đạt được khoảng 95% giá trị xây lắp.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD, được khởi công vào năm 2008, trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD), trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD. Phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD so với trước đây.
Theo Chính phủ