"Vợ ba" gây tranh cãi không chỉ bởi việc sử dụng diễn viên 13 tuổi đóng cảnh 18+
Một cảnh trong phim "Vợ ba". |
Góc nhìn thiếu nhân văn về xã hội phong kiến
Khi nhắc đến xã hội phong kiến, đa phần các nhà làm phim thường nhấn mạnh vào cái lạc hậu, thối nát và sự đấu tranh giai cấp, giải phóng thân phận ở thời kỳ này mà đôi khi lại quên mất cái thế giới nội tâm của chính những con người đang sống ở thời kỳ đó. Sự thay đổi về mặt ý thức chỉ xuất hiện khi xã hội bắt đầu có sự giao thoa giữa các nền văn minh khác (cụ thể là Pháp). Có thể thấy trong nhiều bộ phim lấy chủ đề ở xã hội Việt Nam thế kỷ 18-19, vẫn luôn là những câu chuyện bán con, bán chó, ở đợ, thân phận dân nghèo bị áp bức và mâu thuẫn về cái thanh cao với cái đói nghèo, ấu trĩ, lạc hậu luôn được đan cài như "Áo lụa Hà Đông", hay "Làng Vũ Đại ngày ấy"...
"Vợ ba" cũng không nằm ngoài chủ đề ấy, lựa chọn đề tài thân phận phụ nữ với kiếp chồng chung, cố gắng giải mã nạn tảo hôn, cụ thể là những cô gái từ thuở 13 đi lấy chồng và chịu nhiều áp lực về thể xác, tinh thần. Vấn đề được đặt ra ở đây là: Liệu góc nhìn của người thời nay đã nhìn đúng hiện thực của thời xưa khi cho rằng lấy chồng từ thuở 13 là một điều đáng lên án?.
Câu ca dao "Lấy chồng từ thuở 13/Đến khi 18 thiếp đà năm con/Ra đường trông vẫn còn son/Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng" không hề có sự bày tỏ oán thán về việc người phụ nữ thời phong kiến cảm thấy đau khổ, bĩ cực khi lấy chồng từ thuở 13. Ở nhiều sử sách ghi chép lại, việc lấy chồng, lấy vợ sớm ở thời phong kiến được coi là bình thường, là nếp sống của người dân Việt tại thời điểm đó, đó là nét văn hóa của người Việt và cần được trân trọng, ghi nhận.
Những "vệt màu" thừa thãi mang tên đồng tính
Nếu cắt bỏ những chi tiết gợi mở về đồng tính nữ, bộ phim vẫn không bị lệch trục định vị. |
Sự khiên cưỡng trong các chi tiết gợi mở về chuyện đồng tính nữ không làm cho bộ phim "Vợ ba" trở nên đắt giá. Cho dù nhà làm phim hoặc khán giả có thể hiểu cảnh hai người đàn bà, hai người vợ có kiếp chồng chung hôn nhau không chỉ đơn thuần là dục tính thông thường, mà còn là khát khao được yêu thương, được tự do của những tâm hồn bị giam cầm. Tuy nhiên, nếu cắt bỏ các chi tiết thể hiện câu chuyện giữa hai người đàn bà này, với những cảnh nóng gợi ẩn ức, liệu bộ phim có mất đi thông điệp chính cần chia sẻ? Xin trả lời là không.
Những cảnh gợi mở về đồng tính nữ trong phim khiến bộ phim trở nên nặng nề không cần thiết, việc cố tình đan cài các chi tiết gây sốc chỉ để câu kéo khán giả và nhồi nhét các tầng nghĩa mang tính áp đặt, hoàn toàn không có sự tự nhiên trong diễn biến của câu chuyện.
Sử dụng diễn viên 13 tuổi đóng cảnh 18+ là không phù hợp
Không ít nhà làm phim lên tiếng về việc "Vợ ba" ngừng chiếu. Đạo diễn - nhiếp ảnh gia Lê Thiện Viễn chia sẻ trên trang cá nhân: "Lúc xem người Vợ Ba, mình cũng khá thích thú, vì nó gợi nhớ cho mình khoảng thời gian sống trong môi trường Nghệ thuật ngày trước! Vẫn nhưng khung hình đẹp! Những tình huống (mà hầu như thể loại này hay khai thác): tình dục, kinh nguyệt, dậy thì, đồng tính, giết mổ động vật, sinh nở, máu me các thể loại... Thế nên, lúc xem Người Vợ Ba mình dễ dàng đoán được trước sau gì cũng sẽ có những cảnh này, thì đúng là có thật, dễ đoán và ảnh hưởng nhiều từ Trần Anh Hùng. Nên đối với bản thân mình, Những tình tiết trong phim không mới (đối với mình), còn với những người lần đầu tiếp xúc thì chắc chắn sẽ ngạc nhiên thú vị. Và tất nhiên phim không dành cho số đông, mà chỉ dành cho dân Art, hoặc cố Art, thấy lạ lạ hay hay!
Xem phim mình thương cảm cho nhân vật chính, không chỉ vì nhân vật trong phim, mà cũng chính độ tuổi 13 của em! Mình bị shock thật sự cảnh cô bé 13 tuổi diễn cảnh đồng tính táo bạo với Maya, cảnh ái ân... Và tự nghĩ không biết có tàn nhẫn quá không, khi bắt cô bé diễn như vậy?
Không biết sau này, tương lai có đền đáp xứng đáng sự hy sinh của em trong bộ phim hay không?".
Đồng quan điểm, đạo diễn Trần Hoài Sơn (phim Giao mùa) cũng chia sẻ trên Dân việt: "Câu chuyện thiếu nữ 13 tuổi trong lịch sử xã hội Việt Nam là có thật và quan trọng là nội dung của bộ phim không cổ súy mà là lên án hủ tục tảo hôn đó. Nói một cách chính xác nhất, khán giả và công chúng nói chung chỉ có thể phê phán người làm phim ở khía cạnh: Đã thực hiện những cảnh quay hơi quá đà để câu khách mà lẽ ra nên cắt bớt thì tốt hơn. Tuy nhiên, cũng chỉ là ý kiến của công chúng bởi không có quy định về văn bản cho thấy như thế nào là quá đà và không thể cấm vì bộ phim có thông điệp tốt.
Việc nhà sản xuất rút phim ra khỏi rạp chiếu có nghĩa là họ không muốn gây ồn ào, một phần lý do nữa xuất phát bởi thời gian qua xã hội đã chứng kiến nhiều cảnh tấn công tình dục trẻ em, chứ họ không sai, chỉ là thời điểm ra phim không phù hợp, sai thời điểm."
Giải thưởng quốc tế không phải là thước đo
Người phương Tây luôn có cái nhìn lạ lẫm và tò mò về phương Đông bí ẩn. |
Nhiều khán giả yêu thích bộ phim đã "vin" vào việc "Vợ ba" giành nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế, các cảnh 18+ trong phim chỉ làm khắc họa nỗi đau của kiếp chồng chung, hoàn toàn không gợi dục và nữ diễn viên Trà My đã thể hiện xuất sắc vai Mây. Không nên vì mượn cớ bộ phim có sử dụng nữ diễn viên 13 tuổi để đóng cảnh nóng mà quên đi giá trị đích thực của bộ phim, đây là một bộ phim nghệ thuật được quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, cũng có những luồng ý kiến ngược lại về "Vợ ba" đó là những câu hỏi về việc tổ chức casting diễn viên, liệu có nên vì một bộ phim cần yếu tố chân thực mà phải sử dụng một diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nóng, thậm chí yếu tố chân thực là chân thực của bộ phim ấy hay đặt sự chân thực vào bối cảnh phong kiến thế kỷ 19, nơi mà chúng ta không được sống, chỉ được tìm hiểu qua sách vở với nhiều giáo điều, áp đặt về thời đại đó?
Việc bộ phim giành giải thưởng quốc tế không phải là thước đo để cho rằng gu xem phim của người Việt kém cỏi, dân trí thấp, còn gu thưởng thức của "Tây" thì đẳng cấp hơn. Bởi, sự lạ lẫm về phương Đông huyền bí luôn là một dấu hỏi với người phương Tây, khi họ không hiểu, thì họ thấy cái gì cũng lạ lẫm, cũng hấp dẫn, nhưng khi người Việt làm phim cho người Việt, dễ đâu mà "múa rìu qua mắt thợ".
Xem thêm
Liên quan đến phim "Vợ ba", Bộ trưởng bộ VHTTDL yêu cầu Cục điện ảnh báo cáo trước 24/5 Nhà sản xuất phim "Vợ ba" đã chủ động trình Cục điện ảnh ngừng chiếu phim "Vợ ba" do dư luận trái chiều xung quanh ... |
"Vợ ba" với bé gái đóng cảnh nóng - đã không tử tế thì đẹp để làm gì "Vợ ba" là tác phẩm điện ảnh đẹp đẽ, đẹp đến từng cảnh quay, góc máy. Nhưng nó chỉ phục vụ cho cái tôi nghệ ... |
Phim "Người vợ ba" đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Cairo "Người vợ ba" (The Third Wife) - phim về đề tài kiếp vợ lẽ của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair) vừa ... |