"Vợ ba" với bé gái đóng cảnh nóng - đã không tử tế thì đẹp để làm gì
"Một nong tằm bằng năm nong kén/ Một nong kén bằng chín nén tơ", một nhà phê bình có tiếng đã phải thốt lên như vậy khi thấy cảnh những con tằm trong phim Vợ ba. Cảnh quay được đánh giá là đẹp khủng khiếp và đầy ẩn dụ trừu tượng.
Những con tằm uốn lượn khi ăn lá dâu như người phụ nữ đang khoái cảm trong cuộc làm tình. Phải là con mắt nghệ thuật rất tinh tế, người đạo diễn mới đan xen và sáng tạo được những cảnh để đời như thế.
Vợ ba là tác phẩm điện ảnh đẹp đến từng cảnh quay góc máy. |
Nhưng đó không phải là cảnh đẹp duy nhất trong Vợ ba. Bởi lẽ, tác phẩm điện ảnh đầu tay của Nguyễn Phương Anh ngập tràn những cảnh đẹp đến nao lòng, đẹp đến từng cảnh quay, góc máy, gần như không một chi tiết thừa thiếu.
Nhưng để có được những cảnh đẹp như tranh vẽ đó, trong một bộ phim đầy nhục dục, người ta đã để một cô gái chưa đầy 13 tuổi đóng chính, bất chấp có thể gây tranh cãi.
Công cụ của cái tôi nghệ thuật
Kim Ki-duk là một đạo diễn nghệ thuật lừng danh của Hàn Quốc. Xuân, Hạ, Thu, Đông... rồi lại Xuân của nam đạo diễn, dù đã ra mắt cách đây 16 năm vẫn đang là chủ đề luận bàn ở nhiều trường điện ảnh.
Trong một lớp điện ảnh ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, một giảng viên thậm chí từng thốt lên: "Sao lại có một tác phẩm hay và nhiều lớp nghĩa đến thế?". Đơn giản, Kim Ki-duk có cái tôi nghệ thuật đặc biệt.
Tất nhiên, Kim Ki-duk không chỉ có Xuân, Hạ, Thu, Đông... rồi lại Xuân. Ông còn rất nhiều phim được coi là nghệ thuật khác, nhiều phim khiến người xem phải rùng mình, phải nhắm mắt vì có những cảnh như bạo dâm, như loạn luân. Có những phim thậm chí bị cấm chiếu ở Hàn Quốc dù được quốc tế ghi nhận, thậm chí được giải ở liên hoan phim.
Điện ảnh từ lâu đã trở thành một phương diện hữu hiệu để giải mã những ẩn ức và tâm lý Á Đông. Và cũng vì "phương Đông huyền bí" mà từ lâu điện ảnh trở thành công cụ để phát triển cái tôi của nhiều đạo diễn châu Á.
Cái tôi thực chất không xấu, thậm chí rất cần thiết trong nghệ thuật. Nhưng trong phân tâm học, Freud cũng chỉ rất rõ, cái tôi dễ theo khuynh hướng tự do của bản năng, thích nổi loạn, bất tuân quy luật trật tự. Dù rằng, cái tôi vốn có vai trò trung gian hòa giải giữa những ham muốn vô thức và những tiêu chuẩn, nhân cách xã hội.
Kim Ki-duk là trường hợp điển hình của người đạo diễn vì mục tiêu nghệ thuật sẵn sàng làm những điều không phù hợp với các quy tắc đạo đức và cả pháp lý. Ảnh: Variety. |
Xem phim của Kim Ki-duk, thứ nổi bật nhất là một cái tôi nghệ thuật kiêu ngạo và bất chấp. Mặc lòng, vẫn không thể phủ nhận, ông là một đạo diễn giỏi.
Tuy nhiên cái tôi nghệ thuật của Kim Ki-duk từng rất nhiều lần bị cho là đã đi quá giới hạn đạo đức. Có diễn viên từng lên tiếng về việc bị Kim ki-duk đánh đập, bị ép đóng cảnh nóng không có trên kịch bản trên phim trường Moebius.
Đạo diễn Kim sau đó bị phạt vì tội hành hung. Vì hai chữ nghệ thuật, Kim Ki-duk sẵn sàng làm tất cả, kể cả những hành vi vi phạm đạo đức. Rõ ràng, ngay cả với một đạo diễn có tài, nghệ thuật đôi khi bị lợi dụng như một chiếc mặt nạ.
Câu chuyện Kim Ki-duk có phần tương đồng với The Last Tango in Paris của đạo diễn Bernardo Bertolucci và nam diễn viên Marlon Brando. Cảnh nhân vật của Brando cưỡng hiếp nhân vật do Maria Schneider không hề có trong kịch bản ban đầu, nhưng Bertolucci quyết thực hiện với lý do "muốn bắt lại phản ứng tủi nhục của một cô gái".
"Để làm phim, đôi khi chúng ta phải tự do hoàn toàn". Đó là tuyên ngôn nghệ thuật của Bertolucci. Nhưng hậu quả là Maria Schneider bị sốc, cảm thấy bị xâm hại nghiêm trọng, sau đó rơi vào trầm cảm. Hành động của Bertolucci bị rất nhiều người, cả trong và ngoài nghề diễn, lên án.
Nghệ thuật trên thân thể một cô bé 13 tuổi
Cũng giống như khi xem Vợ ba, ngay cả những cây viết nổi tiếng khó tính của báo giới cũng phải dành khen ngợi cho nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh. Đó là một bộ phim thực sự đẹp về cảm giác.
Những cảnh quay có thể không logic, có thể chẳng liên quan đến nhau. Như một cô gái cần gì phải ra giữa rừng núi để cho con bú!? Đạo diễn chỉ quan tâm đến một thứ duy nhất là cảm giác, thay vì những mối liên hệ của cảnh quay, trong một mạch phim cực chậm.
Vì chậm, mọi thứ hiện lên đều đậm sắc điện ảnh, vẻ đẹp được thẩm thấu qua từng lăng kính. Đến cảnh thả quả trứng gà trên thân thể của nữ chính tên Mây cũng thật đẹp đẽ. Sau đó là cảnh người chồng húp trọn quả trứng trong bộ râu xồm xoàm, giữa thân thể của Mây. Và nữ nhân vật làm tình lần đầu tiên.
Chẳng ai có thể chê cảnh quay đó xấu xí, chỉ có điều không ai tin được rằng nữ diễn viên đóng vai Mây là Nguyễn Phương Trà My, một cô bé khi quay phim chưa đầy 13 tuổi. Dù cô tròn trịa với vai diễn của mình, cô biểu cảm xuất sắc trong từng phân cảnh, cô cũng chỉ mới 13 tuổi.
Không thể phủ nhận diễn xuất tài năng của Nguyễn Phương Trà My trong phim. |
Cô bé 13 tuổi phải thể hiện tất cả những cảnh quay nóng bỏng và động chạm nhất, nhiều đoạn để lộ da thịt. Trong khi, bạn diễn của cô, Lê Vũ Long, hơn nhiều tuổi. Không dừng lại, My thậm chí đóng cả cảnh hôn đồng tính táo bạo.
Ở bản chiếu ngoài rạp, cảnh hôn đồng tính đã bị cắt bỏ. Nhưng vẫn còn đó nguyên vẹn của những mơn trớn tình dục. Và cũng không thể nào cắt nổi hay biên tập thêm nữa, bởi tình dục là ẩn ức xuyên suốt Vợ ba. Chuyện tình dục được nhắc đến từ đầu đến cuối, theo những cách điện ảnh khác nhau.
Đầy cảnh dục tính, nhưng Vợ ba không phải là phim giải trí câu khách. Không khó để nhận ra ngay cả những suất chiếu cuối tuần, Vợ ba cũng rất khó để kín rạp, nhiều suất chiếu chỉ có vài khán giả. Và rõ ràng, cách làm phim thượng tôn cảm giác và phi logic, cũng rất khó để hướng đến khán giả đại chúng.
Vậy, Vợ ba được làm vì ai nếu không vì số đông công chúng và vì tiền. Chỉ có thể là vì những tham vọng cá nhân, cái tôi nghệ thuật của đạo diễn và nhà sản xuất. Như một thông tin từng được chính ê-kíp tiết lộ là kịch bản phim là để dự thi quốc tế, và phim cũng là để dự thi quốc tế.
Vì để dự thi quốc tế, chiều lòng khán giả quốc tế, phim gần như xa lạ với văn hóa Á Đông dù lấy bối cảnh Việt Nam. Văn hóa Việt chỉ lác đác, thậm chí mờ nhạt trong phim. Tất cả những cảnh như đám ma, lễ tết trong phim đều có phần xa lạ với người Việt.
Và cũng vì mục đích dự thi và thỏa mãn cái tôi nghệ thuật độc lập, đạo diễn đã không ngại thuyết phục bằng mọi giá một cô bé 13 tuổi cho tất cả những cảnh nghệ thuật gai góc nhất.
Phim chưa chắc đã thu lại được nhiều tiền, và diễn viên cũng chưa chắc đã có được hào quang sau vai diễn. Vậy cuối cùng ai được lợi, hay chỉ cái tôi nghệ thuật của đạo diễn được lợi, bất chấp sự phản ứng của báo chí, của những nhà bảo vệ trẻ em, thậm chí của cả những người trong nghề.
Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, "Những bộ phim độc lập thường muốn tạo cảm xúc chân thực nhất, mãnh liệt nhất. Có thể vì lý do đó, họ đã chọn cô bé 13 tuổi. Việc này rất khó quy trách nhiệm cho ai, vì đoàn phim đã nhận được sự đồng ý của người giám hộ cô bé. Điều này là cách làm phim, quyết định làm phim của đạo diễn...".
Khi được hỏi về việc có sẵn sàng để một diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nóng, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng trả lời "Mỗi đạo diễn có cách làm việc với diễn viên khác nhau. Nếu là tôi, có thể tôi sẽ dùng diễn viên đóng thế...".
Chuyện Tây, chuyện ta không bằng... chuyện tử tế
Call Me by Your Name là bộ phim kể về chuyện tình của Elio và Oliver. Trong nguyên tác văn học, Elio là chàng trai 17 tuổi của mùa hè nước Ý mang trong mình vẻ đẹp Địa Trung Hải. Người đóng vai Elio trên phim là Timothée Chalamet, sinh năm 1995. Ở thời điểm đóng phim (2017), anh 22 tuổi.
Thế nhưng khi phim tranh giải Oscar năm 2018, một nhà phê bình thẳng thắn: "Với những hiểu biết của tôi, khoảng cách tuổi tác giữa chàng trai trẻ và người yêu của cậu ta trong nguyên tác văn học không quá lớn.
Nhà làm phim đã không chọn một phương án an toàn hơn cho phim. |
Đó là câu chuyện điện ảnh, còn ở lĩnh vực sân khấu, việc cố tìm một người bằng tuổi cho nhân vật thậm chí là một thứ "ngờ nghệch", "ngốc nghếch". Một trong những đặc trưng của sân khấu là ước lệ.
Trở lại với câu chuyện của Vợ ba, thật khó hiểu khi đoàn phim lấy lý do không tìm được ai đó thích hợp hơn và phải thuyết phục cô bé 13 tuổi bằng được cho vai Mây. Và cũng thật khó nghĩ, khi đạo diễn vẫn đang than van rằng: "Tại sao mọi người chỉ quan tâm đến tuổi, cảnh nóng và quên đi diễn xuất của My".
Thực tế, câu chuyện không nằm ở vấn đề đó. Ngay cả khi Trà My diễn xuất thần, cho một vai diễn để đời với những nét diễn trời cho, có một không hai, đạo diễn và đoàn phim cũng không bao giờ được phép chọn cô bé 13 đóng vai đó, chứ chưa nói đến việc dụng công thuyết phục cho bằng được.
Bởi lẽ, giữa sự đẹp đẽ và tử tế, sự tử tế vẫn đáng quý hơn nhiều, nhất lại là tử tế với một bé gái chưa đến tuổi trưởng thành.
Xem thêm
Tranh cãi vụ thầy giáo bị đình chỉ dạy vì cho học sinh đóng cảnh 'nóng' (TĐO) - Một thầy giáo ở TP HCM đã bị đình chỉ dạy vì cho học sinh đóng cảnh 'nóng' khi thực hiện 'sân khấu ... |
Lâm Khánh Chi giấu chồng đóng cảnh nóng, chuyển giới hết 8 tỷ đồng Trong buổi ra mắt phim ca nhạc “Mẹ tôi là…”, Lâm Khánh Chi chia sẻ về lần diễn xuất đầu tiên của mình. Nói về ... |
Đôi nam nữ vô tư diễn cảnh nóng trên ban công quán trà sữa ở Hà Nội khiến nhiều người đỏ mặt Mặc dù ngồi ở ngoài ban công tầng hai quán trà sữa nhưng đôi nam nữ này vẫn thể hiện tình cảm quá mức khiến ... |
Cuộc sống cơ cực của hai mẹ con được mệnh danh là "nữ hoàng cảnh nóng" Hiện tại, hai mẹ con diễn viên Kiều Trinh - Thanh Tú vẫn đang ở trọ và làm thêm nhiều nghề để mưu sinh. |
Rò rỉ cảnh nóng bị cắt khỏi "Quỳnh búp bê", lộ clip chứng minh Cảnh soái ca còn sống Không ít tình huống bi hài đã xảy ra khi khán giả bức xúc vì đạo diễn để Cảnh soái ca chết trong tập 15 ... |
Vai diễn nhiều cảnh nóng của Ngọc Thanh Tâm nhận giải thưởng điện ảnh quốc tế Ngọc Thanh Tâm xúc động khi được vinh danh tại “LHP châu Á - Thái Bình Dương” lần thứ 58. |