Vì sao Đức chưa thể khởi động Nord Stream 2?
Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây tuyên bố rằng Đức đã có thể vận hành Nord Stream 2, nhưng chính phủ nước này đang hoãn việc khởi động đường ống này, bất chấp nhu cầu cấp thiết về nguồn cung cấp khí đốt từ Liên bang Nga.
Liên quan vấn đề này, trong một cuộc phỏng vấn với báo PolitRussia, chuyên gia an ninh năng lượng Alexei Grivach đã cho rằng, Đức đang trì hoãn quyết định phê chuẩn Nord Stream 2 do áp lực từ phần còn lại của cộng đồng châu Âu, cụ thể là vì những hạn chế đã được đưa ra ở cấp chính phủ của Liên minh châu Âu (EU).
Ảnh minh họa
|
Được biết, trước đó, vào năm 2019, các nước EU đã thông qua bản sửa đổi Chỉ thị Khí đốt, theo đó công ty Gazprom của Nga chỉ được sử dụng 50% công suất của dự án Nord Stream 2, trong khi phần còn lại sẽ được dành cho các công ty năng lượng khác.
Ngoài ra, chuyên gia Alexei Grivach cho biết thêm, tình hình chính trị ở Đức cũng ngăn cản các nhà chức trách đưa ra các quyết định nhanh chóng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu hiện nay.
“Ở Đức, các cuộc bầu cử đã được tổ chức và các cuộc đàm phán khó khăn đang được tiến hành để thành lập một liên minh chính phủ mới. Và người tiêu dùng khí đốt ở châu Âu đang phải gánh chịu điều này” – ông Aleksey Grivach nói.
Trong một diễn biến khách, một số chính trị gia châu Âu yêu cầu điều tra liệu Tập đoàn Gazprom (Nga) có đang thao túng thị trường bằng cách cố tình hạn chế nguồn cung hay không. Một số khác thì thúc giục Nga tăng cường xuất khẩu khí đốt sang châu Âu càng sớm càng tốt.
Giá khí đốt cao ở châu Âu cho thấy nguồn cung hiện ở mức hạn chế. Tuy nhiên, cần bổ sung khối lượng bao nhiêu để bình ổn thị trường lại là một câu hỏi khó. Bởi việc ước tính khối lượng khí đốt cần thiết có thể được thực hiện dựa trên tỷ lệ lấp đầy ở các kho lưu trữ khí đốt ở châu Âu.
Hiện nay khối lượng khí đốt ở các kho chứa dưới mặt đất của EU là khoảng 87,2 tỷ m3 (tương đương 78% sức chứa). Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại thời điểm này hàng năm vào khoảng gần 90%. Điều này có nghĩa là để đạt mức trung bình hàng năm thì cần bổ sung thêm khoảng 13 tỷ m3 khí đốt.
Nếu tính đến những biến động có thể xảy ra về nhu cầu và nhiệt độ mùa Đông thì người châu Âu sẽ thiếu khoảng 10-15 tỷ m3 để sưởi ấm qua mùa Đông sắp tới. Con số này là không quá nhiều, chỉ tương đương khoảng 2-3% mức tiêu thụ hàng năm của châu Âu, nhưng vấn đề ở chỗ hiện toàn bộ thị trường thế giới đang trong tình trạng căng thẳng và dường như sẽ không thể cung cấp khối lượng như vậy trong tương lai gần.