Tấm lòng Việt Nam nuôi dưỡng ước mơ lưu học sinh Lào, Campuchia
Đầu tháng 3/2024, tại Trường Hữu nghị 80 ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội, chúng tôi gặp Chhon Sreyni, cô gái 19 tuổi đến từ tỉnh Prey Veng, Campuchia. Nụ cười rạng rỡ, ánh mắt lấp lánh niềm vui, Sreyni cho biết hôm nay là ngày cô và nhiều lưu học sinh Campuchia khác được nhận cha mẹ đỡ đầu người Việt theo chương trình "Ươm mầm hữu nghị" của Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Cô Chu Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Hữu nghị 80, chính là người đã nhận Sreyni làm con đỡ đầu, giúp cô cảm thấy ấm lòng hơn khi sống xa gia đình.
Chhon Sreyni, sinh viên dự bị Tiếng Việt tại Trường Hữu nghị 80 phát biểu tại Lễ giao - nhận đỡ đầu các lưu học sinh Campuchia học tập ở khu vực Hà Nội năm học 2023 – 2024 và hỗ trợ các trang thiết bị cho Trường Hữu nghị 80 năm 2024. (Ảnh: Đức Anh) |
"Em thấy bản thân mình thật may mắn", Sreyni nói. "Khi báo tin này cho bố mẹ ở Campuchia, bố mẹ em rất vui, nói rằng có mẹ đỡ đầu ở Việt Nam sẽ giúp em đỡ nhớ nhà. Bố mẹ dặn em phải nghe lời khuyên của mẹ đỡ đầu và cố gắng học tập”. Sreyni cho biết sau khi hoàn thành khóa học tiếng Việt, cô sẽ theo học tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình.
Những ngày đầu sang Việt Nam, Sreyni từng gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. "Tiếng Việt có nhiều thanh và phụ âm khiến em bối rối", cô kể. “Ban đầu, em phải dùng Google dịch để giao tiếp với thầy cô". Tuy nhiên, nhờ tham gia các hoạt động Đoàn cùng sự hướng dẫn tận tình của thầy cô và bạn bè, giờ đây Sreyni đã có thể nghe, đọc, viết tiếng Việt một cách tự tin hơn. Nhà trường thường xuyên tổ chức các chuyến đi ngoại khóa, giúp các em thực hành tiếng Việt trong các tình huống thực tế, tăng thêm sự tự tin và kỹ năng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng, cho biết: sau chuyến thăm Trường Hữu nghị 80 và tìm hiểu điều kiện sinh hoạt của lưu học sinh, ông nhận thấy các em vẫn còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt trong mùa đông giá lạnh hoặc những ngày nắng nóng oi bức. Vì thế, Tập đoàn quyết định hỗ trợ nhà trường lắp đặt hệ thống điều hòa và bình nước nóng cho 30 phòng ký túc xá của lưu học sinh Campuchia. "Trong vòng 9 ngày, Tập đoàn đã huy động nhân lực, vật lực để hoàn thành nhanh nhất việc lắp đặt với mong muốn mang đến môi trường sống tốt hơn cho các cháu lưu học sinh", ông nói. |
Không chỉ có môi trường học tập thuận lợi, Sreyni và các lưu học sinh Campuchia còn nhận được nhiều hỗ trợ thiết thực cho đời sống hàng ngày. Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng gần đây đã tài trợ cho Trường Hữu nghị 80 một hệ thống gồm 30 máy điều hòa và 30 bình nóng lạnh với tổng trị giá 500 triệu đồng.
“Khi mới sang vào mùa đông, chúng em phải xách nước nóng từ tầng một lên tầng hai để dùng,” Sreyni kể lại. “Giờ đây với những tiện nghi này, em cảm thấy mình được chăm sóc và động viên rất nhiều”.
Chính sách hỗ trợ thiết thực từ chính phủ
Bên cạnh những hỗ trợ từ các cá nhân và tổ chức, lưu học sinh Lào và Campuchia còn được nhận trợ cấp từ chính phủ Việt Nam. Từ tháng 1/2024, Thông tư 75/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính đã tăng mức hỗ trợ sinh hoạt phí cho lưu học sinh Lào và Campuchia học theo diện Hiệp định. Cụ thể, sinh viên hệ đại học được hỗ trợ 4,75 triệu đồng/tháng, sinh viên hệ sau đại học nhận 5,35 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, sinh viên còn được nhận thêm khoản hỗ trợ ban đầu gồm các vật dụng thiết yếu như quần áo, chăn màn, với mức hỗ trợ 5,8 triệu đồng/người cho sinh viên dài hạn và 4,65 triệu đồng/người cho sinh viên ngắn hạn. Những khoản hỗ trợ này giúp các lưu học sinh yên tâm học tập, giảm bớt áp lực tài chính khi phải sinh sống xa gia đình.
Anh Souksamlan Boutdakkang, 35 tuổi, lưu học sinh Lào tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, việc tăng mức hỗ trợ là cần thiết và phù hợp khi chi phí sinh hoạt ngày càng cao.
Theo Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực cho Lào nhiều nhất trong các nước. Năm học 2023 - 2024, có 10.190 lưu học sinh Lào đang học tập ở các cơ sở giáo dục, đào tạo tại 54 tỉnh, thành ở Việt Nam. |
“Kể từ tháng 1/2024, tôi được nhận mức hỗ trợ sinh hoạt phí tăng từ 3,63 triệu đồng lên 4,75 triệu đồng/tháng. Với khoản này, tôi đã chi tiêu thoải mái hơn. Gia đình không còn phải gửi thêm tiền cho tôi mỗi tháng”, anh Souksamlan nói.
Trước khi sang Việt Nam, Souksamlan là nhân viên y tá tại một trung tâm y tế huyện. Trong thời gian học tại Việt Nam, ngoài khoản hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam, anh vẫn được nhận một phần lương cơ sở từ quê nhà. “Khu ký túc xá của Học viện được trang bị đầy đủ. Chúng tôi được miễn phí tiền điện, nước và chỗ ở nên chi tiêu không quá tốn kém”, anh cho biết.
Đối với các lưu học sinh Lào, Campuchia, Việt Nam đã trở thành một quê hương thứ hai với những yêu thương nồng ấm. Những hỗ trợ từ chính phủ, nhà trường, các tổ chức và gia đình đỡ đầu không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất mà còn mang thông điệp yêu thương sâu sắc, tạo nền tảng cho quan hệ hữu nghị bền chặt giữa các quốc gia láng giềng.
"Chúng em mong rằng sau khi tốt nghiệp, mình sẽ góp phần xây dựng quê hương và là cầu nối thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai nước”, Sreyni nói.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, chương trình Ươm mầm hữu nghị ra đời từ năm 2012 đã thu hút sự tham gia của hàng trăm gia đình, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu gần 500 sinh viên Campuchia trên khắp cả nước. Chương trình được thực hiện theo hai hình thức: đỡ đầu trực tiếp và đỡ đầu tập thể, Thời gian tới Trung ương Hội tiếp tục triển khai chương trình bằng cách vận động các tổ chức, đoàn thể xã hội như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, các tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp có tâm huyết, điều kiện tham gia, qua đó góp sức vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia. |