Những cựu binh Pháp nặng lòng với Điện Biên Phủ
Tối 6/5, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát cuộc gặp gỡ cuối cùng của phóng viên nhà đài với Jacques Allaire, một cựu quân nhân Pháp từng tham gia chiến trường Điện Biên Phủ trước khi ông qua đời.
Trong những tài liệu lịch sử, Jacques Allaire (1924-2022) được nhắc đến nhiều bởi ông từng có mặt tại Việt Nam vào nhiều thời điểm khác nhau; từng tham gia nhảy dù xuống chảo lửa Điện Biên Phủ vào năm 1953 và tháng 3/1954. Jacques Allaire được trao trả vào tháng 9/1954.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2018, cựu binh Pháp Jacques Allaire đứng trước tấm bia đá tưởng nhớ các liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Thế giới & Việt Nam) |
Ông kể: "Khi quân Việt Minh bắt đầu tấn công, chỉ huy của chúng tôi đã lo ngại rằng chúng tôi sẽ thua trận nên quyết định gửi quân tiếp viện. Họ bắt đầu gửi quân từ mọi nơi và nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Tôi nhảy dù vào ngày 16/3/1954 và sau đó là những trận đánh lớn. Tôi nhớ ngày hôm đó vào lúc 5h30 chiều tôi đã đầu hàng".
Jacques Allaire đã quay trở lại Việt Nam 7 lần và thực hiện điều ông mong mỏi bấy lâu là trở lại chiến trường Điện Biên Phủ, nơi ông vẫn chia sẻ với báo giới Pháp rằng ông mơ ước được sống những giây phút cuối đời tại đó.
"Tôi rất nhớ câu chuyện đặc biệt này. Khi chúng tôi đến Việt Trì là nơi trao trả tự do, tôi bị đau ở bụng. Tôi đã nghĩ rằng mình có thể chết đi được, khi ấy có bác sĩ mà không có thuốc. Một người lính Việt Nam đi qua thấy tôi chỉ mặc quần đùi. Anh ấy nhìn vào chiếc chân bị teo cơ do di chứng bại liệt của tôi đầy thương cảm rồi trở lại với một chiếc chăn và đắp cho tôi. Tôi không bao giờ quên được cử chỉ đó" Jacques Allaire kể lại.
Jacques Allaire từ trần ở tuổi 98 mà không làm được điều như ông mong muốn: trở lại Việt Nam một lần nữa. Cho đến cuối đời, ông vẫn sống giữa muôn vàn kỷ vật của Điện Biên Phủ và Việt Nam.
Với nhiều cựu binh Pháp khác từng tham chiến ở Điện Biên Phủ, những ký ức đau thương sâu nặng ngày nào giờ đã được thay thế bằng tình yêu đặc biệt dành cho mảnh đất này. Đến mức trước khi nằm xuống, những người lính Pháp chỉ mong được chôn cùng với một dúm đất mang về từ chiến trường Điện Biên năm xưa.
Tướng Philippe de Maleissye giới thiệu lọ đất và viên đá mà ông lấy về từ đồi A1, Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN) |
Trong những chuyến thăm Việt Nam, tướng Philippe de Maleissye, Chủ tịch Hội cựu tù nhân Đông Dương của Pháp (ANAPI) thường mang về một chút đất từ Điện Biên Phủ để dành tặng cho những đồng đội từng tham chiến tại Đông Dương, đáp ứng nguyện vọng cuối cùng của họ.
Ông Philippe de Maleissye giải thích: "Tôi lấy đất ở nơi đó về cho những người bạn của tôi, những người muốn có nó như một chứng tích của lịch sử, một kỷ vật của mảnh đất mà họ, cũng như nhiều người đồng đội khác, đã từng đặt chân, thậm chí hy sinh xương máu ở đó. Với lọ đất này, chúng tôi có thể đặt một ít vào trong quan tài một người lính đã từng tham chiến tại Điện Biên Phủ năm xưa, nơi đã diễn ra những trận đánh ghi dấu ấn sâu sắc nhất trong cuộc đời họ và cũng là mảnh đất mà họ yêu quý."
Là cựu sỹ quan Quân đoàn nước ngoài, Tổng kiểm soát quân đội Pháp, tướng Philippe de Maleissye cũng là một chuyên gia về Điện Biên Phủ. Năm 2013, ông cho ra đời cuốn "tiểu thuyết sống", pha trộn giữa tài liệu và hư cấu, mang tên "La Vallée perdue" (tạm dịch là Thung lũng bị mất).
Lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 2013, ông Philippe de Maleissye đã nhanh chóng hiểu được tình yêu mà những người cựu binh Pháp dành cho đất nước và con người nơi đây. Bản thân ông cũng đã đến thăm Việt Nam 7 lần.
"Nhân danh những cựu quân nhân Pháp ở Đông Dương mà tôi biết, tôi có thể nói rằng tất cả họ đều thích Việt Nam. Thậm chí có lẽ Việt Nam được họ yêu mến và ưu ái hơn tất cả các thuộc địa khác của Pháp lúc bấy giờ, từ Bắc Phi đến Nam Sahara, rồi cả Lào hay Campuchia. Việt Nam thực sự là một đất nước đáng yêu, với những người dân dễ thương, hiếu khách, vui vẻ và cần mẫn. Bản thân tôi cũng đã đến thăm Việt Nam 7 lần và tôi hiểu vì sao họ yêu đất nước này", ông nói.