Dấu ấn về Hiệp định Geneve và Việt Nam trong ký ức những người bạn Ba Lan
Chương trình có sự tham gia của ông Franciszek Zwierzynski, người trực tiếp có mặt ở Việt Nam từ năm 1954-1955, với vai trò thành viên trong phái đoàn của Ba Lan tại Ủy ban quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam; Đại tá Waldemar Wojtan, Phó Chủ tịch Hội những người lính Ba Lan từng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Giáo sư Tadeusz Iwinski, Chủ tịch Hội hữu nghị Ba Lan - Việt Nam tương lai; Tiến sĩ Jarema Slowiak, Viện Nghiên cứu lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Krakow cùng đại diện một số hội đoàn người Việt Nam, nhiều thành viên Câu lạc bộ cựu chiến binh và toàn bộ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan.
Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải (ở giữa) cùng những người bạn Ba Lan từng hoạt động tại Việt Nam. (Ảnh: TG&VN) |
Phát biểu tại tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải nhấn mạnh giá trị và ý nghĩa thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam và ba nước Đông Dương, mà còn là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức, cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc thuộc địa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới vững tin vào chính nghĩa, đạo đức và công lý, đứng lên đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu chấm hết cho sự ngoan cố, hiếu chiến của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên bàn Hội nghị, buộc Chính phủ Pháp cùng các bên tham dự phải ngồi vào bàn nghị sự, ký Hiệp định Geneve (trừ Mỹ) đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Ngay sau đó, Ba Lan, Ấn Độ và Canada là 3 thành viên nhận nhiệm vụ Hội nghị Geneve giao phó đến Việt Nam để giám sát các bên thi hành Hiệp định đình chiến.
Theo Đại sứ Hà Hoàng Hải, vai trò sứ giả của Ba Lan đã góp phần thúc đẩy hòa bình cho các nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Những đóng góp gìn giữ hòa bình của Ba Lan thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập của người dân trên toàn thế giới, mang ý nghĩa thời sự, nhất là trong bối cảnh quốc tế đầy biến động phức tạp, thách thức như hiện nay.
Đại biểu xem lại thước phim lịch sử về kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ và ký kết Hiệp định Geneve. (Ảnh: TG&VN) |
Tại Tọa đàm, những người bạn Ba Lan đã phát biểu, bày tỏ suy nghĩ, cũng như giao lưu, trả lời các câu hỏi về Hiệp định Geneve và Việt Nam.
Ông Franciszek Zwierzynski nói, những tình cảm tốt đẹp trong thời gian ở Việt Nam đã thôi thúc ông, sau khi quay trở lại Ba Lan viết cuốn sách với tựa đề “Việt Nam của tôi”. Ông cũng bày tỏ vui mừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và chúc những điều tốt đẹp nhất đến người dân đất nước hình chữ S.
Đại tá Waldemar Wojtan giới thiệu về hoạt động của Hội những người lính Ba Lan từng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bày tỏ tự hào việc Ba Lan là nước tham gia cả hai lần vào Ủy ban giám sát đình chiến tại Việt Nam.
Các diễn giả chia sẻ ấn tượng về Việt Nam. (Ảnh: TG&VN) |
Giáo sư Tadeusz Iwinski đánh giá cao ý chí quật cường, tinh thần bất khuất của người dân Việt Nam. Ông khẳng định, trên cương vị Chủ tịch Hội hữu nghị Ba Lan - Việt Nam tương lai, ông sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa để thúc đẩy quan hệ hai nước.
Tiến sĩ Jarema Slowiak chia sẻ một số nội dung nghiên cứu mang tính khoa học, các mốc lịch sử liên quan đến Hiệp định Geneve, đồng thời khẳng định những hỗ trợ, đóng góp và tình cảm chân thành của Ba Lan đối với tiến trình hòa bình ở Đông Dương và Việt Nam.
Hiệp định Geneve là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam Trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Hiệp định Geneve là một cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại, ngoại giao Việt Nam. |
Thắng lợi Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương". |