Nghĩa tình Việt Nam dành cho lưu học sinh Campuchia
Ơn thầy, nghĩa bạn
Chhun Sivmey học ngành Xây dựng dân dụng tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Bốn năm gắn bó với bao nhiêu kỷ niệm, ân tình, Việt Nam đã trở thành ngôi nhà thứ hai của Chhun.
Chhun kể: thời gian đầu sống ở Việt Nam cô rất lo lắng, áp lực bởi ngoài hai tiếng "Xin chào" cô không biết thêm từ tiếng Việt nào khác. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của thầy cô, bạn bè trong trường, Chhun dần vượt qua rào cản ngôn ngữ khi tìm hiểu, phân tích tài liệu.
"Tình cảm ấm áp của thầy cô, bạn bè người Việt Nam đã giúp em nhanh chóng thích nghi được với môi trường mới. Em mong tốt nghiệp xong sẽ mang kiến thức học được ở Việt Nam về góp phần xây dựng đất nước Campuchia, qua đó tô thắm thêm tình hữu nghị giữa hai nước”, Chhun Sivmey nói.
Chea Nara, lưu học sinh Campuchia đang học tập tại Học viện Quân y (Ảnh: Thành Luân). |
Sáu năm học tập tại Học viện Quân y đã giúp Chea Nara thông thạo tiếng Việt. Tuy nhiên ban đầu, rào cản ngôn ngữ và lượng kiến thức khổng lồ, đặc thù chuyên ngành y cũng là hành trình khó khăn mà Chea phải vượt qua.
“Em được thầy cô và các bạn sinh viên Việt Nam giúp đỡ tận tình. Bài nào chưa hiểu, thầy cô, các bạn đều tận tình hướng dẫn lại cho em, nhờ vậy em không còn lo lắng không theo kịp các bài giảng trên lớp", Chea Nara kể.
Giống như Chea Nara, Chay Chisyon (Học viện Quân y) có thời gian gắn bó với Việt Nam tương đối dài (7 năm) và có nhiều kỷ niệm đẹp với đất nước, con người Việt Nam.
“Ngành y ở Việt Nam tương đối phát triển, thầy cô giỏi về chuyên môn, môi trường học tập tốt. Chúng em được ở ký túc xá khang trang, rộng rãi với đầy đủ tiện nghi như điều hòa, tủ lạnh... Cuối năm nay em tốt nghiệp và trở về Campuchia làm việc, song em mong được sớm quay lại Việt Nam học chuyên ngành. Em thích sống ở Việt Nam, mọi người thân thiện, đồ ăn rất ngon, nhất là món phở”, Chay Chisyon nói.
"Hai tấm bằng" sinh viên Campuchia mang về nước
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, lưu học sinh Campuchia theo diện học bổng Hiệp định thường xuyên có mặt tại Việt Nam hàng năm khoảng 600 người. Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp tác Campuchia - Lào - Myanma - Việt Nam (CLMV), mỗi năm Chính phủ Việt Nam dành cho Campuchia 20 suất học bổng. Tổng số sinh viên Campuchia sang học theo chương trình này là 100 sinh viên (trong 5 năm).
Song song với chương trình học bổng Chính phủ, còn có khoảng 200 suất học bổng do các trường đại học ở các tỉnh giáp biên giới với Campuchia cấp.
Trao đổi với báo chí hồi tháng 6/2022, ông Sok Dareth, Tổng lãnh sự Campuchia tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngoài hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, Campuchia còn tăng cường hợp tác giáo dục và tập trung vào thế hệ học sinh, sinh viên, thanh niên hai nước. Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Campuchia tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều chương trình cho sinh viên Campuchia quảng bá văn hóa đất nước mình cũng như tạo tình cảm đoàn kết giữa Campuchia và Việt Nam.
Thông qua chương trình đưa sinh viên Campuchia đến sống cùng gia đình người Việt, các em có cơ hội học hỏi văn hóa, trau dồi ngôn ngữ.
"Tôi muốn các sinh viên Campuchia đang học tập ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương khác ở Việt Nam nói chung khi trở về phải mang theo được hai tấm bằng. Bên cạnh tấm bằng kiến thức rất quan trọng, các bạn cần có tấm bằng thứ hai về tình nghĩa giữa hai dân tộc.
Sau khi về nước, các bạn sẽ trở thành cầu nối hữu hiệu, thân thiện, tiếp tục đóng góp và bảo vệ những thành tựu to lớn mà hai nước chúng ta đã cùng nhau xây dựng hơn 43 năm qua, từ sau khi giải phóng đất nước Campuchia năm 1979.
Khi các bạn nhận thức đúng, hiểu được chúng ta đã cùng nhau hy sinh xương máu thế nào để có được hôm nay, các bạn sẽ sẵn sàng cống hiến và bảo vệ những thành quả đó, cũng như phát triển mối quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp hơn", ông Sok Dareth nói.