Năm 2023 thế giới sẽ ra sao?
Quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục sóng gió?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bali, Indonesia ngày 14/11/2022 (Ảnh: AFP). |
Theo ông Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, tại khu vực Châu Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gay gắt hơn và không có dấu hiệu dịu đi trong năm 2023. Thực tế từ Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy: Bắc Kinh vẫn tự tin khẳng định vị thế và tiếp tục thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, hy vọng thay thế Mỹ để trở thành siêu cường số 1 thế giới vào năm 2049. Bắc Kinh sẽ thúc đẩy mọi biện pháp để đạt được mục tiêu “phục hưng” bao gồm phát triển lực lượng quân đội tinh nhuệ bậc nhất thế giới ngang bằng với Mỹ và xây dựng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài…
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nhận thức được những rủi ro, do chưa đủ mạnh để đảm nhận vị thế ngang hàng với Mỹ còn chính quyền Tổng thống Biden đang thể hiện quyết tâm bảo vệ vị trí siêu cường số một thế giới. Tiến sĩ Craig Singleton thuộc tổ chức Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ (Mỹ) cho rằng: quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ ổn định phần nào trong đầu năm 2023. Lý do là Trung Quốc cần giữ ổn định về mặt ngoại giao nhằm xây dựng hình ảnh tích cực trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Mỹ và Trung Quốc đều không có các sự kiện chính trị lớn vào năm tới nên chính quyền hai bên sẽ không phải chịu nhiều áp lực từ trong nước.
Xung đột tại Ukraine sẽ đến hồi kết?
Quan chức Nga và Ukraine trong cuộc đàm phán ngày 3/3/2022 tại khu vực Brest, Belarus (Ảnh: Reuters). |
Ông Hans-Lothar Domrose, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy lực lượng hỗn hợp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự báo Nga và Ukraine có thể ngừng bắn trong năm 2023, thậm chí là giữa năm 2023. Tuy nhiên, ông Hans-Lothar Domrose cũng nhấn mạnh, điều này không có nghĩa là hòa bình.
Theo ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, Kiev đang cân nhắc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh nhằm thảo luận kế hoạch hòa bình cho Ukraine vào cuối tháng 2/2023.
Cuối tháng 12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán với các bên liên quan trong cuộc xung đột tại Ukraine. Ông nói: “Mục tiêu của chúng tôi không phải là đẩy nhanh guồng máy xung đột quân sự, trái lại là chấm dứt cuộc chiến. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực chấm dứt cuộc chiến này càng sớm càng tốt”.
Kinh tế thế giới bên bờ vực suy thoái
Dự báo một cuộc suy thoái kinh tế nhẹ có thể sẽ diễn ra vào đầu năm 2023 (Ảnh: Bloomberg). |
Theo bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chính sách kiểm soát giá cả trong năm 2022 đang bắt đầu phát huy tác dụng khi dự báo lạm phát toàn cầu sẽ ở mức 6,5% trong năm 2023, giảm so với ước tính 8,8% của năm 2022. Bảng cân đối kế toán tiêu dùng của Mỹ vẫn mạnh, quá trình tạo công ăn việc làm vẫn đang diễn ra và lĩnh vực dịch vụ vẫn đang mở rộng. Lạm phát đã đạt đỉnh và việc tăng lãi suất sẽ ở mức vừa phải. Sự kiện Trung Quốc tuyên bố chấm dứt yêu cầu cách ly đối với người nhập cảnh kể từ ngày 8/1 đã mở cửa hoàn toàn nền kinh tế và là “nhân tố tích cực” trong năm 2023.
Ông George Ball - Chủ tịch Hãng dịch vụ tài chính Sanders Morris Harris cho rằng, thế giới đã không trải qua một cuộc suy thoái thực sự cho dù lạm phát của năm 2022 phải được coi là kỷ lục trong một thập kỷ. Dự báo một cuộc suy thoái nhẹ có thể sẽ diễn ra vào đầu năm 2023 nhưng không kéo dài và không để lại hậu quả nghiêm trọng. Dù vậy, nền kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với một thập kỷ tăng trưởng chậm.
Khủng hoảng năng lượng còn phức tạp
Nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu giảm mạnh kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra (Ảnh: AP). |
Năm 2023, cuộc khủng hoảng năng lượng được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khi các quốc gia phương Tây tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết để bù đắp cho tình trạng nguồn cung khí đốt và dầu mỏ bị thắt chặt, các quốc gia tại châu Âu phải duy trì việc sử dụng một khối lượng lớn nguồn nhiên liệu có lượng phát thải khí nhà kính cao như than. Một số chính phủ phải xem lại kế hoạch loại bỏ dần điện hạt nhân và hồi sinh các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, để mở đường cho nguồn cung bổ sung năng lượng từ nước này.
Theo tạp chí Fortune (Mỹ), việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại cũng đặt thêm áp lực lớn lên nguồn cung các loại năng lượng truyền thống như dầu mỏ, khí đốt và than đá bởi nước này tiêu thụ hơn 50% khối lượng than được khai thác mỗi năm trên toàn cầu.
Thế giới sẽ khủng hoảng lương thực
Thiếu lương thực đang trở thành vấn đề ở nhiều nơi trên thế giới (Ảnh: KT). |
Năm 2022, hạn hán tại Argentina tính toán sơ bộ làm mất gần 40% vụ thu hoạch lúa mì cuối năm; thiếu mưa ở vùng đồng bằng Mỹ cũng khiến vụ mùa đông có sản lượng thấp nhất kể từ năm 2012. Ở khu vực Mỹ - Latin và Đông Nam Á, các loại cây trồng sản xuất dầu ăn cũng đang gặp thời tiết bất lợi; xung đột ở Ukraine - nơi xuất khẩu ngũ cốc chủ chốt của thế giới... tất cả những điều này sẽ làm giảm nguồn cung lương thực trong nửa đầu năm 2023 trên toàn cầu vốn đã bị hạn chế do đại dịch, thiên nhiên khắc nghiệt. Theo Reuters, các mặt hàng lương thực chủ lực như gạo và lúa mì được đánh giá khó có thể bổ sung vào lượng hàng tồn kho đã cạn kiệt, ít nhất là trong nửa đầu năm 2023.
Ole Houe, Giám đốc Tư vấn tại công ty môi giới nông nghiệp IKON Commodities ở Sydney cho biết: "Thế giới cần những vụ mùa kỷ lục mới có thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Mặc dù người dân trên thế giới đã cố năng tăng năng suất, trồng nhiều loại cây hơn nhưng có vẻ như sản lượng vẫn giảm do thời tiết bất lợi và các yếu tố khác. Vì vậy, sản lượng đầu năm 2023 khó có thể đủ cho toàn cầu”.