Lan tỏa hơn nữa hình ảnh chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam
Trước khi lên đường, các thành viên trong Đội đã được huấn luyện rất bài bản, có đầy đủ kiến thức cần thiết về mặt chuyên môn Công binh và các kỹ năng khác, trong đó có kỹ năng về hoạt động truyền thông, qua đó hội tụ đầy đủ yếu tố để sẵn sàng triển khai nhiệm vụ tại địa bàn, bảo đảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Những “phóng viên không chuyên”
Để lan tỏa hình ảnh Bộ đội cụ Hồ và những hoạt động của Đội Công binh số 2 trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ, công tác tuyên truyền - truyền thông rất được quan tâm, chú trọng. Do đó, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) đã phối hợp với Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức lớp tập huấn các kỹ năng cơ bản nhất về chuyên môn báo chí, quay phim, chụp ảnh cho các thành viên Tổ Truyền thông của Đội Công binh số 2.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến động viên cán bộ, nhân viên chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ tại Phái bộ UNISFA (Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại khu vực Abyei - giữa Sudan và Nam Sudan), ngày 27/7/2023 (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN). |
Là người trực tiếp tham gia hướng dẫn cho các thành viên Đội Công binh số 2 về lĩnh vực này, Đại úy Nguyễn Ngọc Trung (Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội) cho biết, do địa bàn khu vực Abyei xa xôi, việc di chuyển gặp khó khăn cả về khoảng cách địa lý và thủ tục nên rất ít khi có phóng viên sang tác nghiệp. Vì vậy, khi cần, một số thành viên trong lực lượng sẽ phải trở thành những “phóng viên không chuyên” để tuyên truyền về hoạt động của đơn vị.
Các thành viên trong Tổ Truyền thông của Đội Công binh số 2 được hướng dẫn kỹ năng sử dụng máy ảnh, camera, cách khai thác đề tài, cách ghi hình để đủ chất lượng phát sóng, cách sử dụng ngôn ngữ, lời bình... trong sản phẩm thông tin. Tuy nhiên, hoạt động tác nghiệp trong môi trường của một địa bàn có xung đột vũ trang cũng như môi trường văn hóa đa quốc gia có những nguyên tắc rất đặc thù, với yêu cầu hoàn toàn khác so với phóng viên ở trong nước. Từ những kinh nghiệm đã đúc kết từ quá trình tác nghiệp tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Đại úy Nguyễn Ngọc Trung lưu ý các thành viên trong Tổ Truyền thông cần tuyệt đối thận trọng và đặt yếu tố bảo đảm an toàn lên hàng đầu.
“Chúng tôi khuyến khích các đồng chí đơn giản hóa nhiệm vụ tuyên truyền, trước tiên là cách tư duy, dù có ý tưởng thực hiện tin, phóng sự hay sự kiện nào, ngoài việc truyền tải nội dung, cần chú trọng đến tính hấp dẫn của sản phẩm thông tin, làm sao để thu hút được sự chú ý, ví dụ như khi đăng một bài viết trên mạng xã hội, nhận được được nhiều lượt thích, chia sẻ, bình luận, tương tác..., như vậy là các đồng chí đã thành công”, Đại úy Nguyễn Ngọc Trung chia sẻ.
Theo Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Xuân Thịnh (nhân viên phân đội Bảo đảm, thành viên Tổ Truyền thông thuộc Đội Công binh số 2), anh và các quân nhân trong Đội đã được huấn luyện tiền triển khai với những nội dung về kỹ năng sinh tồn, chuyên môn Công binh và nâng cao trình độ ngoại ngữ. Ngoài ra, các thành viên Đội Công binh số 2 còn được huấn luyện thêm một số kỹ năng mềm để giao lưu văn hóa với đồng nghiệp quốc tế và người dân bản địa.
Đặc biệt, trong các chuyến nghỉ phép, các cán bộ của Đội Công binh số 1 đã có những buổi chia sẻ kinh nghiệm rất bổ ích về thực tiễn quá trình công tác tại UNISFA cho Đội Công binh số 2. Với những kiến thức được trang bị, Đại úy Thịnh và các thành viên trong Đội tự tin sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ.
Trước khi tham gia nhiệm vụ đặc biệt này, Đại úy Trần Xuân Thịnh đã có 7 năm công tác tại Ban Chính trị thuộc Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Với những kinh nghiệm của mình, khi tham gia Đội Công binh số 2 với vai trò là một thành viên Tổ Truyền thông, anh khẳng định sẽ cùng các đồng nghiệp góp phần phản ánh chân thực hình ảnh những chiến sĩ mũ nồi xanh của Đội Công binh số 2 thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ UNISFA.
“Dù có một chút hồi hộp, lo lắng vì đây là chuyến công tác xa nhà trong thời gian dài nhất, song đây lại là cơ hội quý giá để tôi được trải nghiệm trong môi trường làm việc đa quốc gia, đa văn hóa, đa sắc tộc. Tôi rất cảm ơn thủ trưởng các cấp đã tạo điều kiện để tôi có cơ hội tham gia trực tiếp vào nhiệm vụ tại một phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến gia đình, vợ và hai con trai đã ủng hộ, động viên tôi yên tâm công tác, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”, Đại úy Thịnh bộc bạch.
Khẳng định nét đẹp của Bộ đội Cụ Hồ với bạn bè quốc tế
Đội Công binh số 2 có biên chế gồm 184 quân nhân, trong đó chỉ có 19 thành viên là nữ. Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Hải Yến (nhân viên trinh sát kiêm thành viên Tổ Truyền thông Đội Công binh số 2) cho biết, chị từng công tác tại Báo Quốc phòng Thủ đô thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Chia sẻ trước ngày lên đường, Thượng úy Nguyễn Hải Yến cho hay, với hơn 6 tháng huấn luyện tiền triển khai tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, đến nay, chị cùng các thành viên trong Đội đã được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao.
“Chúng tôi được thông tin về những khó khăn tại khu vực Abyei, như về điều kiện vật chất, sinh hoạt..., đặc biệt là đối với phái nữ. Tuy nhiên, được tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trong vai trò là một thành viên của Tổ Truyền thông là cơ hội tuyệt vời để tôi học hỏi, trau dồi kỹ năng báo chí. Hơn thế, đây còn là cơ hội để tuyên truyền và khẳng định nét đẹp của Bộ đội Cụ Hồ với người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế”, Thượng úy Yến nói.
Theo Baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/quoc-phong/lan-toa-hon-nua-hinh-anh-chien-si-mu-noi-xanh-viet-nam-20230807161919463.htm