Chiếc máy khâu cùng những kỉ niệm của nữ quân nhân “mũ nồi xanh”
Thượng tá Nguyễn Thị Liên hiện đang là Phó chủ nhiệm khoa Khoa học cơ bản của trường Sĩ quan Đặc công. Chị đã sử dụng chiếc máy khâu này may gần 800 chiếc khẩu trang để phát miễn phí cho nhân viên phái bộ và một số người dân địa phương tại Bangui, Cộng hòa Trung Phi trong bối cảnh đại dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2020.
Nghĩa cử của chị đã được Trung tướng Daniel Traore, Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Phái bộ MINUSCA trao tặng giấy khen.
Hình ảnh Thượng tá Nguyễn Thị Liên cùng chiếc máy khâu hiệu Singer “cứu cánh” giữa mùa COVID-19 năm 2020. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ thông tin về chiếc máy khâu, chị Liên cho biết tháng 3/2020, dịch COVID-19 bùng phát ở châu Phi. Lúc đó, khẩu trang ở đất nước chị đang làm nhiệm vụ rất khan hiếm, thậm chí người dân còn kì thị việc đeo khẩu trang. Trong những ngày cách ly "ai ở đâu ở đó", chị Liên đã thuê chiếc máy khâu từ một phụ nữ bản địa và quyết định may khẩu trang phòng chống dịch.
“Đầu tiên tôi may khẩu trang hình quả trám thì chưa được như ý. Khẩu trang bị lệch, bên to bên nhỏ. Tôi nghĩ may khẩu trang hình chữ nhật sẽ đơn giản hơn, một cạnh là 23cm, một cạnh 18cm, may viền vòng quanh mỗi bên 3 ly triết. Với cách làm như vậy mỗi chiếc khẩu trang chỉ cần 6 phút đã cơ bản hoàn thiện.” chị Liên chia sẻ.
Thượng tá Nguyễn Thị Liên (thứ 2 từ phải sang) nhận hoa và thư cảm ơn từ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. |
Đợt đầu, chị Liên may được 400 chiếc nhưng lại gặp khó khăn khi đi vào thực tế bởi người dân nơi đây không biết công dụng và cách đeo khẩu trang. Chị đã phát khẩu trang cho người dân xung quanh nhưng một số người nhất định không đeo khẩu trang vào miệng mà họ đeo vào mắt. Lúc đó, chị Liên nghĩ rằng như thế sẽ không hiệu quả với công sức mình bỏ ra.
"Khi thấy khẩu trang mình làm ra không được sử dụng đúng với công dụng của nó, tôi đã đưa vào Phái bộ. Rất may vào đúng dịp 5/5, toàn nhân viên, cán bộ phải đeo khẩu trang vì chính quyền Cộng hòa Trung Phi ra quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Thời điểm đó thật không dễ để tìm cho mình được những chiếc khẩu trang ưng ý để phòng dịch và thế là lô khẩu trang của tôi như một vật hữu dụng. Tôi thực sự cảm động vì không nghĩ rằng việc làm nhỏ của mình lại có ý nghĩa lớn như thế." chị Liên kể lại.
Chiếc máy khâu của chị Liên được trưng bày tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam. |
Chị cho biết chính chiếc máy khâu này đã giúp chị tạo dấu ấn trong thời gian là lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại cộng hòa Trung Phi cũng như trong thời gian quân ngũ của chị. Chính vì thế chị đã mang chiếc máy khâu này về làm kỷ niệm. Nay Bảo tàng Phụ nữ có ý định sưu tầm kỷ vật, chị quyết định chung tay và tặng lại Bảo tàng lưu giữ.