Hành trình 379 ngày của nữ quân nhân “Mũ nồi xanh”
Tư lệnh Lực lượng Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) trao Huân chương vì sự nghiệp Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cho Đại úy Vũ Nhật Hương sau khi kết thúc nhiệm kỳ. |
Tháng 12/2021, nữ quân nhân Vũ Nhật Hương nhận quyết định lên đường làm nhiệm vụ tại phái bộ MINUSCA và đảm nhận vị trí sĩ quan truyền thông. Đây là một vị trí mới, dành riêng cho nữ quân nhân, đáp ứng chủ trương bình đẳng giới và gia tăng số lượng nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Do vậy, năm 2021 Liên hợp quốc gửi thư mời Việt Nam tham gia.
Biến khó khăn thành thử thách
Đại úy Hương nhớ lại: "Trước khi lên đường, tôi đặt ra cho mình rất nhiều kỳ vọng và mong muốn. Trên tất cả là sẽ làm tốt những kỳ vọng của gia đình, cơ quan tin tưởng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để lại ấn tượng tốt đẹp với trong lòng bạn bè quốc tế, đồng nghiệp và người dân bản địa về một Việt Nam hòa bình và nhân ái".
Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, với vai trò là một phóng viên ảnh, công việc của Hương khá là năng động. Làm tin ảnh, tin tài liệu các sự kiện, hội nghị, các chương trình thiện nguyện; tham gia các chuyến công tác cùng Tư lệnh, Phó Tư lệnh Lực lượng quân sự Phái bộ MINUSCA, thăm và làm việc với các đơn vị của lực lượng các nước đóng quân tại các phân khu.
Tác nghiệp tại hiện trường. |
Về sau, do yêu cầu công việc, chị đã trở thành phóng viên "đa-zi-năng", có thể đảm nhận được nhiều công việc khác nhau như viết báo, chụp ảnh. Ngoài ra, phối hợp các đơn vị đang đóng quân tại MINUSCA như Công binh, Không quân trong các hoạt động xây dựng đường xá, rà phá bom mìn, công trình nhà cửa….
Những ngày đầu tới với Trung Phi, vô vàn những thách thức, nhất là đối với phụ nữ, do vậy, mọi khó khăn dường như nhân đôi. Không có thời gian để làm quen hay sợ hãi mơ hồ, Đại úy Hương đã tự đặt phương châm “biến khó khăn thành thử thách”.
Thử thách đầu tiên mà Đại úy Hương đối mặt đó là làm việc trong môi trường đa ngôn ngữ, đa quốc gia, thậm chí có những quốc gia mà bản thân cô mới chỉ nghe đến lần đầu.
Công việc của phóng viên hiện trường luôn đòi hỏi phải di chuyển liên tục nhiều nơi, chủ yếu là làm việc ngoài trời bằng máy bay trực thăng hoặc máy bay chuyên dụng của Liên hợp quốc. Hay các buổi diễn tập hoặc theo đơn vị đi khảo sát, tác chiến, xử lý chất nổ, đòi hỏi các chiến sĩ mũ nồi xanh phải có một sức khoẻ bền bỉ và nhiều năng lượng mới có thể hoàn thành được công việc đảm nhiệm.
Lần đầu tiên được tiếp cận cuộc sống ở một châu lục mới, nơi mà ngôn ngữ cơ thể và những nụ cười là thứ giúp người dân địa phương và những người lính mũ nồi xanh có thể hiểu nhau hơn.
Cùng đoàn Công binh Gìn giữ hòa bình Indonesia tới Boali, Phân khu Trung tâm sau khi nhận được thông tin phát hiện hai vật liệu nổ tại nơi có người dân ở. |
Lần đầu tiên cảm nhận được sự thiếu thốn trong sinh hoạt. Điện và nước cắt triền miên cả tuần. Nước ô nhiễm bởi cặn vôi và váng dầu dù đã qua lõi lọc cá nhân. Bên cạnh đó, tình hình chính trị, an ninh tại địa bàn bất ổn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro…
Lần đầu cảm nhận về sự khắc nghiệt của thời tiết. Vào mùa khô, nhiệt độ và cái nắng gắt dao động từ 40-42 độ C. Vào mùa mưa, những cơn mưa rất lớn và bất ngờ luôn xảy ra tình trạng ngập úng, kèm theo rất nhiều bùn, đất, rác trôi vào khu vực nhà ở, làm hỏng và thiệt hại rất nhiều trang thiết bị điện tử.
Và cũng là lần đầu cô cảm nhận được các loại bệnh dịch như Ebola, Covid-19, sốt rét. Không chỉ là mối đe dọa nguy hiểm với người dân Trung Phi mà còn của tất cả nhân viên Liên hợp quốc và lính mũ nồi xanh nơi đây. Nhưng tất cả sự thiếu thốn, khó khăn đó, với người dân châu Phi, lại rất đỗi bình thường…
Đến Trung Phi, cô như bước vào những thước phim tài liệu quay chậm những năm 80, cùng những hình ảnh vừa chân thực, vừa lạ lẫm. Đa số trẻ em, người dân ra đường chân đất. Nước được đựng trong những chiếc túi bóng thay vì đựng trong chai, đường đất bụi phủ kín mọi thứ…
"Trải qua nhiều khó khăn, tôi mới thấu hiểu giá trị của hai chữ "hòa bình"! Để từ đó, tôi hun đúc lòng tự hào dân tộc, quyết tâm tô thắm hình ảnh đẹp của đất nước, phụ nữ Việt Nam, phụ nữ quân đội, trong lòng bạn bè quốc tế, cũng như người dân", Hương chia sẻ. |
Tại hội thảo quốc tế "Nữ sĩ quan Công an nhân dân tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc - cơ hội và thách thức" do tại Học viện An ninh nhân dân Việt Nam phối hợp Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam tổ chức ngày 30/5, Đại úy Vũ Nhật Hương trải lòng: "Người ta hay hỏi về những khó khăn nhưng tôi lại thường nghĩ về những trải nghiệm và kỹ năng bổ ích tôi gặt hái được trong thời gian nhận nhiệm vụ".
Chị nói: "Tôi tự tin phối hợp công việc với bạn bè quốc tế và học hỏi từ họ khá nhiều. Ở đó, tôi được bạn bè quốc tế ghi nhận và trân trọng không chỉ những nỗ lực trong công việc mà còn bởi thành quả thể hiện thông qua các sản phẩm được đăng trên cổng thông tin truyền thông của Phái bộ".
Những kỷ niệm không phai mờ
Đối với Đại úy Vũ Nhật Hương, mỗi chuyến đi thực địa để lại những ấn tượng khó quên. Tuy nhiên, sâu đậm nhất có lẽ là các chuyến đi hoạt động quân dân kết hợp để giúp đỡ trẻ em và người dân bản địa.
Đó là những chuyến đi đến các trường học chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục giới tính cho các bé gái, trao tặng quần áo và sách vở, vật dụng cần thiết cho trẻ em các làng trẻ mồ côi, trường học, cung cấp dụng cụ y tế cho bệnh viện, trạm xá.
Đại úy Hương chỉ là 1/70 nữ quân nhân trong tổng số hơn 500 cán bộ, sĩ quan Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng đã và đang được triển khai tại các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Sự góp mặt của những người lính mũ nồi xanh Việt Nam tại Trung Phi dường như trở nên nhiều ý nghĩa hơn khi họ mang những nét văn hóa độc đáo của quê hương tới mảnh đất châu Phi nắng gió…
Hương kể, đó là không khí cũng những ngày Tết Nguyên đán, hương vị bánh chưng được làm từ nguyên liệu thô sơ, trong khung cảnh nhập nhèm tối sáng từ chiếc đèn pin, không khí mờ ảo của làn khói hương muỗi. Những chiếc bánh chưng này sẽ được đặt lên ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Số còn lại tặng bạn quốc tế.
Tặng bánh kẹo cho thiếu nhi trong một chuyến thiện nguyện. |
Hương cùng đồng đội còn tích cực giới thiệu nét văn hóa Việt Nam thông qua những bộ trang phục và món ăn truyền thống ngày Tết.
Lần đi thiện nguyện tại làng trẻ mồ côi, nơi đón nhận những đứa trẻ bị bỏ lại sau các cuộc xung đột hay những nguyên nhân khác của xã hội. Tại đây, các đầu bếp, chiến sĩ Việt Nam đã làm món mì chũ nấu với thịt gà, được những đứa trẻ đón nhận bằng sự thích thú, hân hoan.
Hay chứng kiến cảnh những em bé Trung Phi thích thú chơi với những chiếc đèn ông sao do chính bàn tay những người lính mũ nồi xanh Việt Nam làm; mê mải tô tranh từ câu chuyện cổ tích chị Hằng, chú Cuội trong ngày Tết Trung thu đã để lại cho Hương cùng đồng nghiệp những xúc cảm đặc biệt.
Cùng các em nhỏ Trung Phi nâng niu lá cờ đỏ sao vàng. |
Từ đây, hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ được người dân địa phương yêu mến mỗi khi xuất hiện ở các khu dân cư, trường học. Hai tiếng Việt Nam cũng được họ gọi lên với thái độ trân trọng và nhiều cảm mến, Hương cho biết.
Hiện nay, Đại úy Hương trở về công tác tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam với vai trò Trợ lý Phòng Hợp tác quốc tế.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn, chị tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho đồng đội, những người đang chuẩn bị lên đường thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Nhiệm kỳ đã kết thúc, nhưng chân trời khám phá của tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của cô gái mới đi qua tuổi 30 dường như mới chỉ bắt đầu mở ra. Chắc chắn, đôi chân kiên định của Đại úy Vũ Nhật Hương sẽ còn tiếp tục tiến về những miền đất xa xôi, nơi hạt giống hòa bình vẫn chưa có cơ hội nảy mầm, để viết tiếp những ước mơ về một nền hòa bình trên toàn thế giới.
Hành trình một ngày chắt chiu từng giây phút của chiến sĩ Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ Ngay từ khi đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn cứu hộ, cứu nạn của của QĐND Việt Nam đã nỗ lực chạy đua với thời gian và vượt qua mọi khó khăn giúp người dân vùng động đất. |
Nữ giáo viên người Việt với hành trình nuôi dưỡng tình yêu nước Nga cho học sinh Cô Nguyễn Thị Yến - 33 tuổi, giáo viên tiếng Nga trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) - cho rằng, để học tốt tiếng Nga, các em học sinh cần được trải nghiệm văn hóa và hiểu về lịch sử Nga. Bởi vậy, cô thường tìm những phương pháp giảng dạy khác nhau để giúp học trò hứng thú trong từng tiết học. |