Iran nổi giận khi Anh bắt giữ tàu chở dầu theo yêu cầu của Mỹ
Tàu chở dầu Grace 1 được nhìn thấy gần Gibraltar, Tây Ban Nha, ngày 4/7/2019. Ảnh: Stephen McHugh/REUTERS |
Lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh hôm 4/7 đã bắt giữ một tàu chở dầu khổng lồ của Iran ở Gibraltar, một bước đi đầy kịch tính khiến Tehran giận dữ và có thể khiến tình trạng đối đầu với phương Tây leo thang.
Anh cho biết Iran đã cố vận chuyển dầu đến Syria và điều này vi phạm lệnh trừng phạt của EU.
Tàu chở dầu Grace 1 bị tạm giữ ở lãnh thổ Anh trên mũi phía nam của Tây Ban Nha sau khi di chuyển vòng quanh châu Phi, đi một quãng đường dài từ Trung Đông đến cửa Địa Trung Hải.
Bộ Ngoại giao Iran đã triệu tập Đại sứ Anh và lên tiếng “phản đối mạnh mẽ đối với vụ bắt giữ bất hợp pháp và không thể chấp nhận được” con tàu của họ. Đồng thời điều này xóa bỏ mọi nghi ngờ về quyền sở hữu con tàu của Iran, dù nó treo cờ Panama và được liệt kê quản lý bởi một công ty ở Singapore.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố động thái của Anh là “tin tức tuyệt vời”.
“Mỹ và các đồng minh của chúng tôi sẽ tiếp tục ngăn chặn chế độ ở Tehran và Damascus thu lợi từ việc buôn bán bất hợp pháp này,” ông Bolton đăng trên trang Twitter.
Reuters đưa tin, hải trình cho thấy con tàu này đang chở dầu Iran được nạp ngoài khơi nước này, mặc dù trên các giấy tờ lại ghi là từ nước láng giềng Iraq.
Trong khi châu Âu đã cấm các chuyến hàng chở dầu đến Syria kể từ năm 2011, họ chưa bao giờ bắt giữ một tàu chở dầu trên biển. Không giống như Mỹ, Châu Âu không có lệnh trừng phạt rộng đối với Iran.
Reuters trích lời ông Matthew Oresman, một đối tác với công ty luật Pillsbury Winthrop Shaw Pittman, người tư vấn cho các công ty về các biện pháp trừng phạt, “Đây là lần đầu tiên EU làm điều gì đó công khai và gây hấn như vậy. Tôi tưởng tượng nó cũng được phối hợp theo cách nào đó với Mỹ do các lực lượng thành viên NATO đã tham gia.”
Đây có thể là một tín hiệu cho Syria và Iran, châu Âu, cũng như Mỹ, đang thực thi nghiêm túc các biện pháp trừng phạt, và EU cũng có thể phản ứng lại những động thái của Iran liên quan đến đến các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra, ông nói thêm.
Các nhà chức trách ở Gibraltar không đề cập đến nguồn dầu hoặc quyền sở hữu của con tàu khi họ bắt giữ nó.
Tuy nhiên, Iran thừa nhận rằng họ sở hữu con tàu và khả năng hàng hóa của nó cũng là của Iran, đã tạo ra mối liên hệ giữa vụ việc và nỗ lực mới của Mỹ nhằm ngăn chặn tất cả doanh số bán dầu thô toàn cầu của Iran.
Iran mô tả đây là một “cuộc chiến kinh tế” bất hợp pháp.
Cho đến nay, các nước châu Âu đã cố gắng tỏ ra trung lập trong cuộc đối đầu leo thang giữa Tehran và Washington, trong đó chứng kiến Mỹ phút chót ngừng các cuộc không kích chống lại Iran, và Iran tuyên bố, đã vượt quá giới hạn về trữ lượng uranium làm giàu thấp theo thỏa thuận hạt nhân ký với các quốc gia năm 2015.
Chính quyền Gibraltar cho biết họ có cơ sở hợp lý để tin tàu Grace 1 đang vận chuyển dầu thô đến nhà máy lọc dầu Baniyas ở Syria.
“Nhà máy lọc dầu này là tài sản của một thực thể chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu chống lại Syria”, Thủ hiến Gibraltar Fabian Picardo cho biết. “Với sự đồng ý của tôi, cảng và các cơ quan thực thi pháp luật của chúng tôi đã yêu cầu sự hỗ trợ của Thủy quân lục chiến Hoàng gia khi thực hiện vụ bắt giữ này.”
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May hoan nghênh động thái của Gibraltar.
Được biết, Gibraltar là vùng lãnh thổ này tranh chấp chủ quyền lâu đời giữa Anh và Tây Ban Nha, và hiện do London kiểm soát.
Vùng lãnh thổ Gibraltar. Nguồn: MOD |
Tây Ban Nha, thách thức quyền sở hữu Gibraltar của Anh, cho biết Anh bắt giữ tàu chở dầu theo một yêu cầu của Mỹ và dường như đã diễn ra ở vùng biển Tây Ban Nha. Bộ Ngoại giao Anh đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về phát ngôn này.
Iran từ lâu bị phương Tây cáo buộc đã cung cấp dầu cho các đồng minh của mình ở Syria bất chấp lệnh trừng phạt chống lại nước này. Điều mới là các biện pháp trừng phạt của Mỹ lên chính Iran, được áp đặt vào năm ngoái khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận bảo đảm cho Teeran tiếp cận thương mại thế giới để đổi lấy việc dừng các chương trình hạt nhân.
Những lệnh trừng phạt của Mỹ đã được thắt chặt kể từ tháng 5, buộc Iran phải rời khỏi các thị trường dầu mỏ chính thống. Iran đã phát triển phụ thuộc nhiều hơn vào đội tàu chở dầu của riêng mình để vận chuyển bất cứ loại dầu nào họ có thể bán và để lưu trữ lượng dầu không bán được đang ngày càng tăng.
Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran đã leo thang trong những tuần gần đây, khi Washington cáo buộc Tehran tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh và Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ.
Để đáp trả, Tổng thống Trump ra lệnh không kích nhưng đã hủy bỏ vào phút chót, sau đó tuyên bố quá nhiều người sẽ thiệt mạng.
Các nước châu Âu đã phản đối quyết định ra khỏi thỏa thuận hạt nhân của ông Trump hồi năm ngoái. Đồng thời hứa sẽ giúp Iran tìm cách thay thế để nước này có thể xuất khẩu dầu, nhưng cho đến nay vẫn không có nhiều thành công./.
Xem thêm
Ông Trump dọa 'xóa sổ,' Iran đáp trả ‘thiểu năng trí tuệ’ Trong một cuộc chiến ngôn từ mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/6 đã đe dọa sẽ xóa sổ một phần của Iran nếu ... |
Iran tuyên bố vĩnh viễn đóng "cánh cửa" ngoại giao với Mỹ Iran vừa tuyên bố các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt đối với Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei và các quan chức ... |
Tướng Iran: Mỹ khai chiến, Trung Đông sẽ bị hủy diệt Thiếu tướng Iran Abolfazl Shekarchi nói với hãng tin TASnim: "Nếu kẻ thù, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh trong khu vực, phạm ... |