Hội thảo trực tuyến Doanh nghiệp Việt Nam - Brazil 2021 kết nối cung - cầu doanh nghiệp 2 nước
Toàn cảnh hội thảo trực tuyến từ điểm cầu Sao Paulo (Brazil). (Ảnh: Báo Nghệ An) |
Chủ trì hội thảo từ điểm cầu Sao Paulo (Brazil) có ngài Ricardo Cury - đại diện Thương vụ Brazil, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Brazil Phạm Thị Kim Hoa. Tại điểm cầu Hà Nội (Việt Nam) có đại diện Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương). Cùng dự có điểm cầu một số tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Hội thảo nhằm giới thiệu thông tin về thị trường, tình hình sản xuất kinh doanh, thương mại giữa Việt Nam - Brazil trong tình hình mới để qua đó kết nối cung - cầu doanh nghiệp 2 nước trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp.
Tại hội thảo, đại diện Thương vụ Brazil và Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam đã giới thiệu một số nét về đặc điểm, tình hình tự nhiên, bản sắc văn hóa và tiềm năng đầu tư thương mại mỗi nước; kết quả tình hình hợp tác về đầu tư giữa Brazil và các nước, trong đó có Việt Nam. Lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam, Brazil quan tâm nhiều là dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến, sản phẩm gỗ, điện tử, vật liệu xây dựng, nhựa, cao su, cà phê, thức ăn chăn nuôi, thủy hải sản…
Theo bà Phạm Thị Kim Hoa, Đại sứ Việt Nam tại Brazil, dân số Brazil khá đông, có thu nhập cao, nên đây là thị trường còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác, tăng xuất khẩu. Thời gian qua, Đại sứ quán đã làm cầu nối hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với doanh nghiệp Brazil để mở rộng chuỗi cung ứng hàng hóa cho nhau, nhưng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai bên chưa xứng tầm.
Một số hiệp hội kiến nghị Thương vụ Việt Nam tại Brazil hỗ trợ thông tin kịp thời về thị trường nước này sau dịch Covid-19 để doanh nghiệp nắm rõ, có kế hoạch sản xuất, mở rộng xuất khẩu. Đồng thời, giới thiệu cho doanh nghiệp Brazil đầu tư vào Việt Nam trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để cung ứng cho các ngành sản xuất chính của Việt Nam.
Đại diện Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Báo Nghệ An) |
Tại điểm cầu Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, Đồng Nai nằm trong TOP đầu cả nước về phát triển công nghiệp, thu hút hơn 1.540 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào của Brazil đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Về giao thương giữa tỉnh Đồng Nai và Brazil trong 10 tháng của năm 2021 đạt 663 triệu USD. Trong đó, Đồng Nai xuất khẩu vào Brazil 128 triệu USD và nhập khẩu 535 triệu USD. Mặt hàng được doanh nghiệp Đồng Nai xuất khẩu nhiều vào thị trường trên là xơ sợi dệt, giày dép, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, vải, chất dẻo nguyên liệu và nhập khẩu nhiều thức ăn gia súc và nguyên liệu, bông, bắp, đậu nành, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, giày dép. Trong thời gian tới, Đồng Nai mong muốn Thương vụ Việt Nam tại Brazil hỗ trợ để các doanh nghiệp Brazil đầu tư vào tỉnh và tiếp tục mở rộng giao thương giữa hai bên.
Tại điểm cầu Nghệ An, ông Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cũng giới thiệu một số nét cơ bản về môi trường đầu tư thông thoáng, kinh tế phát triển năng động; an ninh chính trị ổn định; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân từng bước lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.
Trên cơ sở giới thiệu một số tiềm năng, thế mạnh hợp tác, tỉnh Nghệ An mong muốn tăng cường hợp tác với Brazil và được đại diện Thương vụ Brazil tạo điều kiện cho một số sản phẩm nông, lâm nghiệp của Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng thâm nhập vào thị trường Brazil.
Cuối buổi hội thảo, đại diện Thương vụ Brazil và Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Việt Nam đã ký kết một số nội dung hợp tác đầu tư và thương mại giữa 2 nước trong thời gian tới.