Hé lộ mức chi tiêu cho quốc phòng của các nước trong NATO
Được thành lập sau Thế chiến II, mục tiêu ban đầu của NATO là đảm bảo hòa bình ở châu Âu, thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên và chống lại mối đe dọa từ Liên Xô.
Hiện liên minh này gồm 30 quốc gia và các nước có mức chi tiêu quốc phòng rất khác nhau.
Liên minh NATO hiện gồm 30 quốc gia. Nguồn: countercurrents.org |
Theo đó, Hoa Kỳ chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn bất kỳ quốc gia NATO nào khác. Theo ước tính năm 2021, chi tiêu quốc phòng của cường quốc này đạt gần 811 tỷ USD, tương đương 3,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của tất cả các quốc gia NATO khác cộng lại được dự đoán là 363 tỷ USD. Điều này đồng nghĩ với việc Hoa Kỳ sẽ chi nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại khoảng 448 tỷ USD.
Ước tính chi tiêu quốc phòng năm 2020 của Vương quốc Anh được công bố vào tháng 3 cho thấy, năm 2019, Anh tăng từ 2,1% lên 2,32%.
London dự kiến chi khoảng 73 tỷ USD trong năm 2021, tương đương 2,29% GDP, đứng thứ hai. Dữ liệu của NATO ước tính chi tiêu quốc phòng của Vương quốc Anh năm 2021 tính theo phần trăm GDP đã giảm từ 2,32% năm 2020 xuống 2,29%.
Đáng chú ý, dữ liệu cũng cho thấy tỷ lệ chi tiêu cho quốc phòng của Hy Lạp là 3,82%, cao hơn của Hoa Kỳ. Tỷ lệ Croatia nằm ở vị trí thứ ba với 2,79%, trong khi Estonia (2,28%), Latvia (2,27%), Ba Lan (2,1%), Lithuania (2,03%), Romania (2,02%) và Pháp (2,01%).
Tính chung, 10 thành viên hiện đang đáp ứng hoặc vượt ngưỡng 2% của NATO bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Hy Lạp, Croatia, Estonia, Latvia, Ba Lan, Litva, Romania và Pháp.
Canada đứng ở vị trí thứ 25 trong danh sách, chi tiêu 1,39% GDP cho quốc phòng. Đức chi 1,2% GDP cho quốc phòng vào năm 2018 và hiện đang trên đà chi 1,5%, (vẫn thấp hơn tiêu chí của NATO). Với con số tổng thể cao thứ ba trong liên minh vào năm 2021, Đức chi tiêu tương đương 65 tỷ USD.
Luxembourg đứng cuối danh sách với mức chi tiêu 474 triệu USD, tương đương 0,57%, GDP và hiện là quốc gia duy nhất được ước tính dưới 1%, trong khi Bỉ (1,12%) và Tây Ban Nha (1,02%) cũng nằm ở ba nước cuối bảng. Iceland, quốc gia không có bất kỳ lực lượng vũ trang nào, không có tên trong danh sách.
Ngoài chi tiêu quốc phòng, việc điều hành một liên minh chính trị xuyên lục địa tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. Các thành viên đã sắp xếp các cơ chế để phân chia đồng đều các chi phí của liên minh NATO, gồm lương nhân viên dân sự và chi phí vận hành trụ sở NATO; điều hành các Bộ Tư lệnh chiến lược, hoạt động chung, cảnh báo sớm và hệ thống radar, huấn luyện...; hệ thống thông tin liên lạc quân sự, bến cảng, sân bay và nguồn cung cấp nhiên liệu…