Hệ thống đánh chặn tầm cao THADD của Hoa Kỳ lần đầu hạ mục tiêu thực chiến
Nguồn minh họa |
Hệ thống đánh chặn tầm cao THAAD tại UAE đã bắn hạ tên lửa đạn đạo của phiến quân Houthi. Đây cũng là lần đầu tiên hệ thống đánh chặn tầm cao THAAD do Mỹ sản xuất khai hỏa trong tình huống thực chiến và hạ được mục tiêu.
Tên lửa đạn đạo được phóng trong vụ tấn công được xác định là của phiến quân Houthi tại Yemen. Houthi thực hiện đòn tập kích bằng hàng loạt tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay không người lái, nhắm tới nhiều cơ sở hạ tầng nhạy cảm của UAE, khiến ít nhất 3 người chết và 6 người bị thương.
Bộ Quốc phòng của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất chưa bình luận về thông tin này.
Được biết, Al Dhafra là căn cứ chiến lược của UAE, có sự hiện diện thường trực của lực lượng Hoa Kỳ và Pháp, là một trong những cơ sở quân sự có vai trò quan trọng nhất tại Trung Đông.
THAAD do tập đoàn Lockheed Martin thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Radar của hệ thống THAAD có thể phát hiện tên lửa đạn đạo ở cự ly lên tới 1.000 km, và tiêu diệt chúng ở khoảng cách 250 km.
Điểm độc đáo của hệ thống này là chúng truy đuổi và tiêu diệt mục tiêu bằng động năng của quả đạn khi tiếp xúc với mục tiêu (hit to kill), thay vì tiêu diệt bằng đầu nổ như các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường.
Với cơ chế tiêu diệt mục tiêu kiểu "hit to kill", THAAD được đánh giá là hệ thống đánh chặn có độ chính xác nhất hiện nay. Phương thức tiêu diệt mục tiêu độc đáo này làm cho THAAD trở thành sát thủ của mọi mục tiêu bay khi rơi vào tầm bắn của nó.
Mặt khác do sử dụng động năng thay vì đầu đạn nổ cũng đã làm giảm đáng kể trọng lượng và kích thước quả đạn, giúp cho hệ thống này có thể mang nhiều đạn hơn những hệ thống cùng loại.
Một hệ thống THAAD có thể mang đồng thời 32 đạn tên lửa và có thể bắn loạt 16 tên lửa để tiêu diệt các mục tiêu cùng một lúc. Đầu tiên, một tên lửa mục tiêu sẽ được phóng đi từ một vị trí nằm khá xa, tiếp đến radar AN/TPY-2 sẽ theo dõi và tính toán quỹ đạo bay của tên lửa mục tiêu. Thông tin từ radar AN/TPY-2 sẽ gửi đến trung tâm điều khiển để xử lý và chuyển tiếp cho hệ thống kiểm soát bắn.
Đồng thời, một radar AN/TPY-2 thứ 2 sẽ làm nhiệm vụ điều khiển hỏa lực dẫn đường cho tên lửa đánh chặn mục tiêu. Quá trình từ lúc phát hiện mục tiêu đến khi phóng tên lửa đánh chặn chỉ mất khoảng 5 phút.