Giải pháp duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI tại cảng Cát Lái
Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết đã thống nhất về công tác tổ chức sản xuất tại các cảng biển dưới tác động của dịch Covid-19, để các cảng biển trong hệ thống duy trì hoạt động sản xuất thông suốt, giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu không bị đứt gãy, Tân Cảng Sài Gòn thống nhất và triển khai thực hiện quyết liệt một số nhóm giải pháp.
Cụ thể, thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, phương án phòng, chống dịch tại các cảng biển theo phương châm "5K + Vaccine + Xét nghiệm + Công nghệ", đảm bảo không để gián đoạn hoạt động sản xuất tại các cửa khẩu cảng biển, nhất là cảng Cát Lái - cửa khẩu thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước.
Thứ hai, tăng tốc độ giải phóng container hàng nhập ra khỏi cảng. Nhóm giải pháp này bao gồm triển khai chiến dịch tăng tốc độ giải phóng container hàng nhập khẩu ra khỏi cảng. Triển khai kế hoạch vận chuyển hàng hóa nhập khẩu tồn bãi trên 15 ngày đang lưu giữ tại cảng Cát Lái đến cảng biển khác trên địa bàn TP.HCM và các cảng cạn/ICD thuộc hệ thống Tân Cảng Sài Gòn. Đồng thời, tạo thuận lợi trong lưu thông, di chuyển cho nhân lực trong dây chuyền sản xuất, giao nhận, thông quan hàng hóa tại các cảng, kể cả sau 18 giờ để kịp thời thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, giao nhận hàng hóa và đảm bảo hoạt động sản xuất cảng không gián đoạn.
Thứ ba, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng bãi cảng, tìm thêm các bãi chứa container khu vực ngoài cảng. Cụ thể, Tân Cảng Sài Gòn sẽ chủ động điều chỉnh chất xếp container giữa các khu vực bãi container trong cảng cho phù hợp để tăng khả năng tiếp nhận; nâng tối đa khả năng chất xếp container trên bãi; điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài cảng. Toàn bộ chi phí vận chuyển do Tân Cảng Sài Gòn chi trả.
Cuối cùng là giảm lượng hàng nhập khẩu đưa về cảng. Tân Cảng Sài Gòn đã gửi thông báo đến khách hàng, hãng tàu về việc cảng tạm ngưng tiếp nhận và vận chuyển hàng nhập, hàng trung chuyển.
Cảng Cát Lái tăng tốc giải phóng container giữa "bão" Covid-19. Nguồn minh họa/VOV |
Sau khi đã thực hiện các giải pháp đồng bộ trên, nếu tình hình tồn bãi vẫn tiếp tục tăng thì cảng sẽ định lượng giảm tỷ lệ hàng nhập cho các hãng tàu tùy theo tình hình thực tế. Cảng sẽ thông báo trước từ 3 - 7 ngày cho các hãng tàu.
Liên quan diễn biến, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Chi cục Hàng hải Việt Nam TP.HCM để trực tiếp phối hợp với các doanh nghiệp cảng nhanh chóng xử lý vướng mắc phát sinh, bảo đảm duy trì hoạt động các cảng.
Theo tính toán của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, kế hoạch làm hàng của cảng Tân Cảng Cát Lái sẽ tiếp tục duy trì đến ngày 15/8. Kế hoạch này sẽ tiếp tục được cập nhật và điều chỉnh hàng ngày, hàng tuần để giảm thiểu nguy cơ ngừng hoạt động của cảng.
Tuy nhiên, đại diện cảng Cát Lái cho biết, với tình hình TP.HCM và các tỉnh lân cận tăng cường thêm các giải pháp giãn cách để phòng, chống dịch, các nhà máy, xí nghiệp tiếp tục phải hạn chế hoặc dừng sản xuất thì sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái và các cảng trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các hãng tàu sẽ phải điều chỉnh lịch tàu vào các cảng của khu vực.
Sau các giải pháp của Cục hàng hải và Tân Cảng Sài Gòn, ngày 6/8, Cục Hàng hải Việt Nam có báo cáo Bộ GTVT về kết quả giải quyết nguy cơ tắc nghẽn cảng Cát Lái.
Nhìn chung, đến nay lượng hàng tồn tại cảng cảng Cát Lái đã giảm nhiều, về cơ bản cảng đã hoạt động thông suốt. Thống kê cho thấy, hàng tồn tại cảng Cát Lái đã giảm mạnh, cụ thể, ngày 3/8, tồn toàn cảng 108.786 TEUs chiếm 87,7 %; ngày 4/8, tồn toàn cảng 106.760 Teus chiếm 85,1% (giảm được khoảng 2,6 % tính từ 06 giờ 00 ngày 3/8 đến 6 giờ 00 ngày 4/8; Tính đến sáng ngày 6/8, tổng container tồn là 105.800 Teus, chiếm 84,4% giảm 1% so với ngày trước.
Tại thời điểm thứ 2, 3, 4 của tuần trước lượt tàu vào-rời cảng Cát Lái là 57 tàu, so với thời điểm của tuần này là 41 tàu, gảm 28,07%; tương tự hàng nhập gảm 6.370 TEUs so với cùng thời điểm giảm 32,67%.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết thêm: Để hỗ trợ các doanh nghiệp đang có hàng tồn tại bãi cảng Cát Lái, Cục Hàng hải Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng: 0903.772.683 để tiếp nhận các thông tin, kịp thời phối hợp tháo gỡ.
Theo ông Sang, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng đã thành lập Tổ phản ứng nhanh thông quan hàng hoá phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid 19 và Tổ Thường trực chống ùn tắc hàng hoá tại cửa khẩu. Đầu mối tiếp nhận, xử lý vướng mắc qua số điện thoại đường dây nóng: 0907.725.991.