Doanh nghiệp góp sức ứng phó với biến đổi khí hậu
Tháng 2/2023, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khởi động dự án trồng cây hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Dự án được thực hiện trong 5 năm từ 2023-2027 với tổng ngân sách 15 tỷ đồng.
Sau Hà Nội, hành trình năm 2023 sẽ được Vinamilk cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu, lập kế hoạch và trồng cây tại các địa phương khác trên cả nước.
Trước đó, từ năm 2012 đến năm 2020, Vinamilk và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp thực hiện Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam tại 56 địa điểm thuộc 20 tỉnh, thành phố với tổng giá trị 12,5 tỷ đồng. Chương trình này là một điển hình cho những nỗ lực và hành động vì môi trường, vì cuộc sống và vì tương lai xanh.
Những cây xanh đầu tiên của dự án trồng cây hướng đến Net Zero tại huyện Mê Linh Hà Nội. (Ảnh: Vinamilk) |
Là doanh nghiệp FDI có mặt tại Việt Nam cách đây hơn 30 năm, tập đoàn SCG (Thái Lan) được đánh giá cao về việc áp dụng các tiêu chí ESG trong hoạt động kinh doanh. Tập đoàn đã đưa ra chiến lược ESG 4 Plus hướng đến Phát thải ròng bằng không (Set Net Zero), Phát triển Xanh (Go Green), Giảm bất bình đẳng (Reduce Inequality), Thúc đẩy sự hợp tác (Embrace Collaboration). Khoản đầu tư ban đầu ước tính 70 tỷ baht (tương đương hơn 47 nghìn tỷ đồng) với mục tiêu cải thiện quy trình sản xuất và thúc đẩy các hoạt động carbon thấp nhằm đạt mục tiêu giảm 20% phát thải khí nhà kính vào năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu này, SCG đã ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào chiến lược phát triển. Cụ thể, SCG tập trung tích hợp công nghệ và đổi mới để phát triển các sản phẩm và dịch vụ với nhãn hiệu “SCG Green Choice”, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và môi trường. Các sản phẩm “SCG Green Choice” được làm từ vật liệu tái chế, giúp giảm rác thải trong quá trình lắp đặt, giảm tiêu thụ năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời. Trong năm 2030, SCG đặt mục tiêu tăng tỷ trọng các sản phẩm đạt chứng nhận SCG Green Choice lên gấp hai lần từ 32% lên 67%.
SCG và công ty thành viên cùng khuyến khích người dân trong cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường qua các hoạt động thiết thực. Nổi bật nhất là dự án thí điểm phân loại rác tại nguồn ở các trường Tiểu học Long Sơn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, do tập đoàn SCG và Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn thành viên của SCG Chemicals – SCG) tổ chức, nhằm giáo dục học sinh cách phân loại rác và kêu gọi sự hưởng ứng của gia đình và nhà trường để mô hình phân loại rác được nhân rộng trong cộng đồng.
Vinamilk, SCG nằm trong số rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang tham gia tích cực vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu. Bằng những hoạt động thiết thực như trồng cây, phát triển hệ thống cây xanh, hỗ trợ sinh kế cho người dân; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… các doanh nghiệp đã và đang góp sức hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam.
90 doanh nghiệp xanh 2023 được tôn vinh tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM. (Ảnh: Hochiminhcity.gov.vn) |
Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong ứng phó với biển đổi khí hậu, tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2023 diễn ra vào ngày 13/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị doanh nghiệp cần tham gia với vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và doanh nghiệp đóng vai trò then chốt để triển khai thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Trong đó, Việt Nam cũng đang trong quá trình thiết lập thị trường carbon trong nước, đây là cơ hội để các doanh nghiệp dẫn đầu về khoa học và công nghệ trong giảm phát thải khí nhà kính có thể mua bán, trao đổi tín chỉ các-bon từ các hoạt động chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Theo ông Thành, doanh nghiệp có nhiều điều kiện để tiếp cận và thực hiện được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” một cách đa mục tiêu. Theo đó, doanh nghiệp không chỉ giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn thay đổi quá trình quản lý, cắt giảm phát thải trong các hoạt động nội bộ và trong chuỗi cung ứng, đồng thời có các hoạt động trao đổi, bù trừ phát thải khí nhà kính trong ngắn hạn.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải tranh thủ tận dụng được các nguồn vốn mới nổi, các dòng tài chính xanh. Huy động tài trợ nhằm đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đòi hỏi sự hợp tác sáng tạo và bền vững giữa các bên liên quan với nguồn vốn lớn từ đầu tư công và tư nhân.
Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế TP.HCM ngày 13/9, TP.HCM đã tôn vinh và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM” lần thứ nhất cho 90 doanh nghiệp xanh của thành phố. Đây là 90 doanh nghiệp đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh, đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các tiêu chí xanh trong sản xuất kinh doanh, tuân thủ các quy định về môi trường, góp phần cùng thành phố xây dựng môi trường sống và làm việc trong lành… |