Những sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu
Đây là đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng khí hậu diễn ra ngày 20/9 (theo giờ New York) tại trụ sở Liên hợp quốc.
Các nước phát triển cần tăng gấp đôi tài chính ứng phó biến đổi khí hậu
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, tác động trực tiếp và gây tổn thất nặng nề đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và trực tiếp đối với an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân.
Sự nổi giận của thiên nhiên với các sự cố, như sụt lún, sạt lở và hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng chính là lời cảnh báo, kêu gọi chúng ta cần khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn nữa để hạn chế tối đa mức tăng nhiệt độ Trái đất.
Thủ tướng cho rằng, giải quyết biến đổi khí hậu phải có cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân, với những giải pháp đột phá, tổng thể, toàn diện, đổi mới và sáng tạo và kêu gọi cần khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn nữa để hạn chế tối đa mức tăng nhiệt độ Trái đất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên hợp quốc. (Ảnh: VPG) |
Thủ tướng đề xuất xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới, hành động quyết liệt cho phát triển xanh, phát thải ròng bằng 0; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng và công lý; trong đó lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau. Thủ tướng kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển về công nghệ xanh, tài chính xanh, quản lý xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh; xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và các hệ thống truyền tải điện thông minh…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất xây dựng các quan hệ đối tác thế hệ mới, đẩy mạnh huy động tài chính xanh cho khí hậu theo hình công – tư, trong đó đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Ông cho rằng các nước phát triển, các đối tác quốc tế cần tăng gấp đôi tài chính cho các hoạt động thích ứng vào năm 2025 và đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại vào hoạt động tại COP28 như đã cam kết nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.
Việt Nam cam kết hơn 70% điện tái tạo năm 2050
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hệ thống tài chính toàn cầu cần tiếp tục đổi mới toàn diện để tăng khả năng cung cấp tài chính xanh, giúp thế giới ứng phó tốt hơn với các thách thức lớn của biến đổi khí hậu. Mặc dù là quốc gia đang phát triển, còn gặp không ít khó khăn, nhưng với tinh thần hành động vì Trái Đất xanh, Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nhà máy điện gió Đông Hải 1, tỉnh Trà Vinh. (Ảnh: Trung Nam Group) |
Ông cho biết Việt Nam là một trong 30 nước nộp bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và là một trong ba nước đang phát triển đầu tiên tham gia quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Với sự đồng hành, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam có thể phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050.
Việt Nam đang cùng các đối tác quốc tế xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực để công bố tại COP28; mong muốn đưa mô hình quan hệ đối tác này trở thành hình mẫu, góp phần thúc đẩy xu hướng chuyển đổi năng lượng công bằng trên toàn cầu.
Nhiều sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu Tại Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề nghị các nước tiếp tục ký thêm một hiệp ước về đoàn kết khí hậu. Giống như Thỏa thuận Paris 2015, nội dung của hiệp ước này sẽ bao gồm điều khoản yêu cầu các nước phát thải lớn nỗ lực hơn nữa để cắt giảm lượng khí thải và giúp các nước nghèo hơn đạt mục tiêu khí hậu. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc muốn xây dựng một chương trình tăng tốc, để thúc đẩy các chính phủ phải “tiến nhanh hơn về phía trước” và giúp càng nhiều nước phát triển đạt mức phát thải ròng bằng trước năm 2040 càng tốt, càng nhiều nước đang phát triển đạt mục tiêu trước năm 2050 càng tốt. Ông Guterres cũng đề xuất thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm với quy mô toàn cầu cho tất cả mọi người. Ông cho rằng mọi người trên Trái đất phải được bảo vệ bởi hệ thống cảnh báo sớm vào năm 2027, theo kế hoạch được đưa ra vào tháng 11 năm ngoái. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng các nước phát triển cần đạt được mục tiêu chưa đạt được từ lâu là huy động 100 tỉ USD mỗi năm để hỗ trợ tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển. Bà cho biết EU sẽ gửi 27 tỉ USD như đã làm vào năm ngoái. Thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal, đại diện cho khối các nước kém phát triển nhất toàn cầu, kêu gọi tăng gấp đôi nguồn tài chính để thích ứng với một thế giới bị biến đổi khí hậu, vì năm nay đang trên đà trở thành năm nóng kỷ lục. Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cũng kêu gọi các nước sớm chấm dứt các chính sách trợ giá nhiên liệu hóa thạch. Bà cho biết các chính sách như vậy trên toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 7.000 tỉ USD vào năm ngoái bất chấp các nước đã cam kết hồi năm 2021 sẽ ngưng. Đại diện Quỹ Khí hậu xanh của Liên hợp quốc công bố mục tiêu huy động vốn ít nhất 50 tỉ USD vào năm 2030. Quỹ này dự kiến sẽ chuyển trọng tâm từ hỗ trợ các dự án một lần sang chuyển đổi toàn bộ hệ thống cấp quốc gia. |