Đại sứ Việt Nam tại Pháp: Bình tĩnh, đùm bọc lẫn nhau và cùng vượt "bão" COVID-19
Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei và Belarus triển khai nhiều biện pháp kiểm soát mạnh mẽ phòng COVID-19 |
Đại sứ quán khuyến nghị công dân Việt Nam tại Lào, Thái Lan hạn chế đi lại trong COVID-19 |
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp (Ảnh: Baoquocte) |
Báo Thời Đại xin được giới thiệu những chia sẻ của ngài Đại sứ trước tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Chủ động, linh hoạt và thích ứng
Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường và ngày càng nguy hiểm, tâm lý chung của người Việt tại nước ngoài đều lo sợ và hoảng loạn. Vì vậy, Đại sứ Nguyễn Thiệp chủ trương rằng, với vai trò trung tâm kết nối giữa người Việt với trong nước và người Việt ở sở tại với nhau, ĐSQ luôn bám sát tình hình công dân Việt, bám sát các quy định của Pháp về tình trạng khẩn cấp để chủ động, linh hoạt, thích ứng với diễn biến của dịch bệnh, kịp thời hỗ trợ và ổn định tinh thần công dân.
Về công việc cụ thể, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, nước Pháp đang bước vào một cuộc "chiến tranh chống dịch bệnh" và áp dụng lệnh phong toả toàn quốc, cả ĐSQ và bộ phận Lãnh sự ĐSQ đã nhanh chóng chuyển sang làm việc từ xa, giảm thiểu làm việc trực tiếp tại nhiệm sở, thích ứng với việc hạn chế đi lại và giảm tiếp xúc xã hội. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc xử lý các yêu cầu của công dân Việt Nam tại Pháp. Vì vậy, ĐSQ đã huỷ toàn bộ các cuộc đặt hẹn qua mạng và triển khai ngay việc giải quyết các yêu cầu của công dân trực tuyến hay qua đường bưu điện.
Điều quan trọng hơn, ĐSQ xác định ưu tiên trong giai đoạn này là công tác bảo hộ công dân, bám sát chỉ đạo của Bộ Ngoại giao và tập trung nhân lực để giải quyết tất cả các vụ việc đột xuất liên quan đến công dân Việt Nam tại sở tại.
Thực tế cho đến nay, Đại sứ quán đã dành 70-80% thời gian cho công tác bảo hộ công dân. Để nắm yêu cầu cầu của cộng đồng người Việt trước các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh, ĐSQ đã triển khai gấp trong vòng 6 tiếng xây dựng trang web tương tác trực tuyến bảo hộ công dân để ĐSQ nắm được thông tin về nhu cầu của công dân và duy trì liên lạc giữa công dân với ĐSQ.
“Khi số ca nhiễm Covid-19 bắt đầu tăng mạnh ở Pháp, mỗi ngày, ĐSQ nhận được rất nhiều cuộc gọi, kể cả vào lúc nửa đêm. Ngay sau khi trang web bảo hộ công dân được xây dựng, có những ngày ĐSQ nhận được tới 600 email, hàng trăm cuộc gọi để hỏi về tình hình dịch bệnh trong nước và khả năng hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và ĐSQ”, Đại sứ Nguyễn Thiệp chia sẻ.
Bên cạnh đó, ĐSQ đã sớm phối hợp với các hội sinh viên, hội người Việt Nam tại Pháp kêu gọi các bác sĩ, các sinh viên ngành y đang có mặt tại Pháp đăng ký tình nguyện hỗ trợ cộng đồng. Qua Hội Người Việt và Hội sinh viên, ĐSQ lập được danh sách 24 bác sỹ tình nguyện hỗ trợ, tư vấn cho người Việt về dấu hiệu, triệu chứng và cách phòng bệnh. Qua trang tương tác trực tuyến, ĐSQ có thêm 6 bác sỹ, sinh viên ngành y đăng ký tình nguyện hỗ trợ.
Đại sứ Nguyễn Thiệp cho hay, công việc dư luận trong nước quan tâm nhất có lẽ là “giải cứu” công dân “mắc kẹt” tại sân bay. Suốt 2 tuần vừa qua, nhiều đất nước trên thế giới đã thực hiện chính sách ngừng nhập cảnh đối với công dân nước ngoài nhằm hạn chế sự lây lan dịch. Điều này vô tình khiến cho nhiều công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài bị “mắc kẹt” tại sân bay trên đường trở về nước. Và công dân Việt Nam tại Pháp cũng không ngoại lệ. ĐSQ Việt Nam tại Pháp đã làm việc liên tục, phối hợp với các hãng hàng không và chính quyền sở tại để hỗ trợ đưa công dân Việt Nam về nước.
Cùng nhau vượt “bão”
Theo Đại sứ Nguyễn Thiệp, đến thời điểm hiện tại, có khoảng 1.250 công dân đăng ký trên trang tương tác bảo hộ công dân của ĐSQ, trong đó sinh viên chiếm 70%, lượng khách du lịch khoảng 10 trường hợp. Ngoài ra, chỉ có khoảng 12-15% tổng số công dân Việt muốn trở về nước, chưa kể trong số đó đã có khoảng 60 người về nước trong những ngày qua. Có tới 80% người đăng ký cho biết, họ đã chuẩn bị tốt cả tinh thần và vật chất cho thời gian phong toả tại Pháp và họ đăng ký để được ĐSQ hỗ trợ khi thực sự cần thiết.
Qua theo dõi và đánh giá sơ bộ dữ liệu đăng ký thu được, những người muốn về ngay lúc này chủ yếu là khách du lịch ngắn ngày đã hết hạn visa, người sang Pháp thăm thân, người đang mắc một số bệnh nền có nguy cơ nhiễm COVID-19 hay một trường hợp phụ nữ mang thai tháng thứ 6, sang thăm chồng và không có bảo hiểm y tế sở tại.
ĐSQ cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi của du học sinh chia sẻ rằng, dù rất muốn ở lại nhưng gia đình quá lo lắng, muốn đưa con em về nước.
“Điều này đang gây áp lực lên các cháu vì hiện tại ko còn đường bay thẳng, những chuyến bay quá cảnh thì rất bấp bênh, rủi ro rình rập khi quy định hạn chế di chuyển ở sở tại. Điều lo lắng hơn cả là đi máy bay hơn 12 tiếng và quá cảnh sân bay-là các điểm có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất. Đại đa số du học sinh tại Pháp đều có bảo hiểm y tế, Pháp đứng đầu thế giới về phúc lợi y tế đối với người dân, cơ sở y tế tại Pháp cũng rất hiện đại…
Vì vậy, không có lý do gì để các cháu phải về nước với hàng loạt rủi ro nghiêm trọng như vậy”, Đại sứ Nguyễn Thiệp trải lòng về câu chuyện nên ở hay về của du học sinh.
Đại sứ Nguyễn Thiệp thông tin rằng, đã có 4 trường hợp gia đình, sinh viên Việt Nam nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 được các bác sỹ người Việt tại Pháp tư vấn tận tình, kết nối với y tế địa phương để cấp cứu và thực hiện quy định cách ly nghiêm ngặt. Trong đó, trường hợp nghiêm trọng nhất là gia đình chị Nguyễn Huyền Vy ở Cretei. Người cha nhiễm Covid-19, phải đi cấp cứu và thở máy, con gái nhỏ tuổi sốt, phải khám và điều trị, trong khi mẹ và bà ngoại không nói được tiếng Pháp.
"Vẫn nhớ, 6h sáng ngày 12/3, sau khi nhận được sự hỗ trợ của ĐSQ và các bác sỹ Việt Nam, chị Nguyễn Huyền Vy xúc động nói, nhận được cuộc gọi từ ĐSQ, tôi như sống lại, giống như 'chết đuối vớ được cọc' vậy", Đại sứ Nguyễn Thiệp kể lại.
Dù đang phải thực hiện các quy định hạn chế di chuyển của sở tại, cán bộ Phòng Lãnh sự vẫn quyết định ra ngoài, trực tiếp động viên, hỗ trợ và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân.
Đại sứ Nguyễn Thiệp tâm sự, nếu được hỏi, có đắn đo không, thì đương nhiên là đắn đo lắm chứ! Bởi vẫn còn ngổn ngang những nỗi lo về dịch bệnh đối với bản thân hay những thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, khi ý thức được sứ mệnh của mình là những người đại diện đất nước, là cầu nối, là điểm tựa cho người Việt ở nước ngoài, ai cũng sẵn sàng chấp hành lệnh điều động gấp của cơ quan.
Không biết bao lâu nữa nước Pháp sẽ vượt qua đỉnh của cơn đại dịch. Nhưng, có một điều chắc chắn, với những công dân Việt Nam lựa chọn ở lại Pháp và cả những người đang mong sớm trở về nước, ĐSQ khẳng định, sẽ luôn cố gắng hết sức, dành mọi ưu tiên để họ yên tâm sinh sống, làm việc và học tập tại Pháp.
Người Việt Nam tại Pháp nói chung và cộng đồng người Việt trên khắp thế giới nói riêng, hãy thật bình tĩnh, đùm bọc lẫn nhau để cùng vượt qua "cơn bão" COVID-19.
Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia áp dụng nhiều biện pháp để công dân an toàn trước COVID-19 Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia, Vũ Viết Dũng cho biết: Đại sứ quán đã có nhiều biện pháp hỗ trợ và khuyến cáo ... |
Đại sứ quán Việt Nam tại Philippin sẵn sàng đưa công dân có nguyện vọng về nước Ngày 25/3, Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines Nguyễn Hồng Hạnh cho biết, ngay sau khi Philippines tiến hành các hoạt động ... |
Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar khuyến nghị công dân bình tĩnh Ngày 24/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanamar đã gửi những khuyến cáo đối với công dân Việt Nam trong bối cảnh quốc gia này ... |