Chuyên gia Mỹ lý giải nguyên do các biện pháp trừng phạt Nga khó có thể phát huy tác dụng
Chuyên gia Katherine Stoner - Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogley tại Đại học Stanford khi đánh giá về các lệnh trừng phạt chống Nga cho rằng, sẽ mất nhiều năm để tác động đến các chính sách của nhà nước mục tiêu.
Theo bà Stoner, mục tiêu của ông Biden không phải nhắm tới quyền lực của ông Putin, mà nhằm gửi đi tín hiệu "cách tiếp cận của ông với Nga sẽ rất khác so với người tiền nhiệm Trump".
Những biện pháp trừng phạt đang áp đặt lên Nga bị nhận xét là công cụ gây áp lực yếu và không có mấy tác dụng trong quan hệ quốc tế. Ảnh minh họa |
Được biết, các lệnh trừng phạt được áp đặt gần đây nhắm vào một khía cạnh quan trọng của nền kinh tế Nga. Lần đầu tiên trong lịch sử Washington cấm các tổ chức tài chính Mỹ mua nợ của Nga do Ngân hàng Trung ương, Quỹ Tài chính Quốc gia hoặc Bộ Tài chính phát hành. Trong khi đó, số trái phiếu này vẫn có thể được mua trên thị trường thứ cấp, rõ ràng các lệnh trừng phạt sẽ làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu Nga đối với những nhà đầu tư.
Ngoài ra, những người am hiểu đều biết về thực tế Nga không có khoản nợ lớn như vậy, cho nên những lệnh trừng phạt nói trên sẽ không ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô chung của Liên bang Nga.
Tổng thống Biden thực sự có thể tiến xa hơn nữa nếu nhu cầu phát sinh trong tương lai. Ví dụ, có thể cắt đứt Nga khỏi hệ thống giao dịch tài chính toàn cầu SWIFT, điều này sẽ khiến Moskva bị ngừng thực hiện các giao dịch tiền điện tử quốc tế. Không chỉ có vậy, về mặt lý thuyết, Mỹ có thể áp đặt lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với bất kỳ công ty nào làm ăn với Nga. Nhưng đây là bước đi đầy tính cực đoan, chỉ có thể áp dụng khi quan hệ giữa hai nước trở nên cực kỳ tồi tệ.
Bất chấp lời lẽ gay gắt của ông Biden nhằm vào bản thân, Tổng thống Nga Putin đã bày tỏ việc sẵn sàng gặp và thảo luận với người đồng cấp Mỹ vào mùa hè này.
Trước tình hình trên, những biện pháp trừng phạt áp đặt trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ diễn biến như hiện nay là một công cụ không hiệu quả, tác giả bài báo trên NBC News kết luận.