Chính phủ Hàn Quốc ghi nhận mức lạm phát cao nhất trong 24 năm
Theo Cơ quan thống kê Hàn Quốc, lạm phát tháng 6 chủ yếu do giá các sản phẩm xăng dầu và dịch vụ cá nhân tăng. Theo đó, giá các sản phẩm xăng dầu tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2021 do chi phí nhiên liệu cao trong khi Hàn Quốc phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nước này.
Bên cạnh đó, nhu cầu phục hồi và việc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ cũng đẩy giá dịch vụ cá nhân tăng 5,8%. Chi phí ăn uống tại nhà hàng cũng tăng vọt ở mức 8%, cao nhất trong gần 30 năm. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và dầu biến động, đã tăng 3,9% so với tháng trước đó, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2009. Giá các mặt hàng thiết yếu (khoảng 141 mặt hàng liên quan chặt chẽ đến cuộc sống hằng ngày của người dân như thực phẩm, quần áo, nhà ở) tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/1998.
Lạm phát tại Hàn Quốc cao nhất trong 24 năm - Ảnh: Getty Images. |
Theo cơ quan thống kê Hàn Quốc, lạm phát dự kiến sẽ duy trì trong phạm vi 6% trong thời điểm hiện tại và khó tránh khả năng sẽ tăng lên mức 7%.
Quan chức cấp cao của Cơ quan thống kê, ông Eo Woon-sun dự báo: “Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, lạm phát năm có thể vượt mức dự báo 4,7% của Bộ Kinh tế và Tài chính”.
Áp lực lạm phát gia tăng cũng là lý do dẫn đến nhiều đồn đoán Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản ngay trong tháng 7 này. Một số chuyên gia dự báo đợt tăng lãi suất mạnh chưa từng có, tới 50 điểm cơ bản, sẽ được đưa ra tại cuộc họp chính sách ngày 13/7 tới nhằm kiềm chế lạm phát. Kể từ tháng 8/2021 đến nay BOK đã tăng lãi suất cơ bản 5 lần (mỗi lần 1/4 điểm phần trăm) lên 1,75%.
Được biết, để giảm áp lực lạm phát tăng cao, Chính phủ nước này đã ban hành một loạt các biện pháp nhằm ổn định đời sống cho người dân. Ngay trong tháng 7 này, Hàn Quốc đã mở rộng cắt giảm thuế nhiên liệu lên mức trần 37% so với mức 30% trước đó và có hiệu lực cho đến cuối năm nay.
Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, từ nay đến cuối năm, Chính phủ nước này có kế hoạch dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với 7 mặt hàng thực phẩm thiết yếu, trong đó có dầu ăn, thịt lợn và bột mì. Chính phủ cũng sẽ cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhập khẩu cà phê và hạt ca cao cho đến năm 2023 nhằm giúp giảm chi phí nhập khẩu.
Bên cạnh đó, nước này sẽ không áp thuế giá trị gia tăng đối với thực phẩm chế biến đóng gói, bao gồm kim chi và tương đậu nành, cho đến năm sau.
Bộ Tài chính cho biết, các biện pháp mới nhất sẽ tập trung vào việc giảm bớt áp lực gia tăng đối với chi phí nhập khẩu, thay vì áp đặt kiểm soát giá cả.
Tuy nhiên, những đợt tăng giá điện mới nhất cũng như tăng giá khí đốt tự nhiên được cho là một trong những nguyên nhân khác có thể làm tăng lạm phát.
Cùng với đó, sự suy yếu của đồng nội tệ cũng có thể gây thêm áp lực lạm phát vì sẽ đẩy giá hàng nhập khẩu tăng cao. Đồng won hiện đã giảm hơn 8% so với đồng USD trong bối cảnh Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ tăng mạnh lãi suất.
Khách Hàn Quốc, Mỹ đến Việt Nam nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm Dữ liệu theo dõi xu hướng thị trường du lịch của Google cho thấy Việt Nam tiếp tục nằm trong số quốc gia dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin quốc tế. |
Tháng 5/2022: lạm phát tại Mỹ cao nhất trong hơn 40 năm Theo số liệu mới công bố của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 5/2022, lạm phát của quốc gia này đã cán mốc 8,6%, cao nhất kể từ năm 1981 đến nay, trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu gì hạ nhiệt. |