Các giải pháp thúc đẩy công tác phi chính phủ nước ngoài ngày càng hiệu quả
Giám đốc Tổ chức Room to Read tại Việt Nam, bà Nguyễn Diệu Nương: Phối hợp chặt chẽ, đưa chương trình phù hợp với đối tác địa phương Room to Read có mặt ở Việt Nam từ năm 2001 với hai chương trình chính: Chương trình hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học và Chương trình hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh. Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học, Room to Read đã đưa ra giải pháp "Phát triển thư viện thân thiện cho trường tiểu học" nhằm xây dựng thói quen đọc cho học sinh, đồng thời phù hợp với "Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Room to Read đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như cơ sở giáo dục các cấp để triển khai Chương trình này. Đến nay, Chương trình đã nhận được rất nhiều sự hưởng ứng tích cực của địa phương. Trên 34 tỉnh, thành phố có mặt Room to Read, số lượng thư viện Room to Read trực tiếp hỗ trợ xây dựng, thiết lập và vận hành với các địa phương là hơn 1.500 thư viện, trong khi số lượng thư viện nhân rộng do tự địa phương sử dụng nguồn lực của mình cùng với hỗ trợ kỹ thuật của Room to Read đã lên đến hơn 1.000. Đây là minh chứng cho thấy giải pháp kỹ thuật, giải pháp chương trình của Room to Read đưa ra rất phù hợp và dễ ứng dụng với điều kiện của Việt Nam. Phải đưa những đối tác địa phương vào trong từng bước triển khai, theo dõi và đánh giá. Khi các đối tác tham dự vào quá trình đó và có những trao đổi, tập huấn thì họ sẽ thấy rõ được cách làm. Qua đó giúp họ tự tin hơn trong việc triển khai chương trình. Room to Read không chỉ tập trung vào việc đưa ra một mô hình sau đó tập trung nhân rộng mà còn duy trì sự bền vững cũng như tạo ra được những thay đổi lâu dài. Room to Read đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Bộ tiêu chuẩn về thư viện thân thiện mới cho trường tiểu học. Các tổ chức PCPNN có thể xây dựng năng lực cho các tổ chức trong nước, từ đó giúp cải thiện nâng cao năng lực của các tổ chức trong nước, cải thiện khả năng thiết kế chương trình của họ và giúp họ xây dựng năng lực và triển khai chương trình. |
Bà Dragana Strinic, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức cứu trợ trẻ em (Save the children): Củng cố, thay đổi những quy định pháp lý liên quan đến các hoạt động PCPNN Theo tôi, thời gian tới cần củng cố và thay đổi những quy định pháp lý liên quan đến các hoạt động PCPNN tại Việt Nam, đặc biệt là công tác triển khai các quy định pháp lý đó. Các tổ chức PCPNN đã tham vấn với Chính phủ trong quá trình xây dựng Nghị định 12/2012/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam. Tôi hy vọng những nội dung sửa đổi về mặt pháp lý sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các chương trình của Save the Children cũng như các tổ chức được triển khai hiệu quả. Trước thách thức về suy giảm tài trợ cho Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, các cơ quan chức năng cần có cách tiếp cận tổng hợp, trong đó phải kết hợp chuyên môn với công nghệ đổi mới, tài nguyên sẵn có cũng như sự hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp, nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức xã hội, viện nghiên cứu và cộng đồng. Trong tương lai, các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) cần tiếp tục là định hướng công tác PCPNN của Chính phủ Việt Nam để có thể hỗ trợ được nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất và thúc đẩy các cơ hội phát triển bình đẳng. |
Bà Nguyễn Thị Bích Liên - Giám đốc Quốc gia ChildFund: Kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức PCPNN và khối doanh nghiệp tư nhân
Trợ giúp xây dựng năng lực cho các tổ chức PCP địa phương là một trong những mũi nhọn mà chúng tôi đang hướng tới. Bởi ChildFund xác định vai trò là hỗ trợ địa phương đẩy mạnh năng lực địa phương. Vì nguồn lực đia phương mới là thứ tồn tại mãi với Việt Nam, chứ không phải là các tổ chức nước ngoài. Các tổ chức nước ngoài chỉ hỗ trợ phương pháp về kĩ năng quản lý, còn người thực hiện vẫn phải là các địa phương. Trong bối cảnh Việt Nam đang là nước có nguồn thu nhập trung bình, nguồn lực của các tổ chức PCP sẽ phải chia sang nhiều nơi khác, chúng ta càng cần làm rõ vai trò của các tổ chức PCP tại Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn này. Trong giai đoạn này, các tổ chức nước ngoài như ChildFund Việt Nam có mặt để trợ giúp chính phủ, và các ban ngành, đối tác địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu ưu tiên về kinh tế - xã hội, mà nguồn lực kĩ thuật tài chính của họ còn hạn chế. Vì thế chúng tôi rất cần nắm được kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế, ngân sách của địa phương nơi mình làm việc, để có thể lồng ghép hiệu quả dự án của mình vào hệ thống chính quyền, để khi dự án kết thúc, địa phương có thể tự lực vận hành các mô hình này, như thế mới mang tính bền vững được. Bên cạnh đó, các tổ chức PCPNN rất mạnh về kĩ thuật, và phương pháp tiếp cận phát triển nhưng nguồn lực tài chính cũng hạn chế. Trong khi đó, khối doanh nghiệp tư nhân có các chương trình trách nhiệm xã hội nhỏ lẻ và nguồn lực về kinh tế. Vì vậy làm thế nào để kết nối và thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức PCPNN và khối doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức trong nước để hiệp lực cùng giải quyết những mối quan tâm chung. Nguồn viện trợ PCPNN sẽ dần hạn hẹp và các nhà tài trợ, tổ chức không còn ưu tiên Việt Nam nữa. Nhưng về mặt kinh nghiệm, quản lý và các phương pháp kỹ thuật họ có rất nhiều, lúc đó chúng tôi sẽ chuyển sang hỗ trợ về phương pháp kỹ thuật nhiều hơn là hỗ trợ tài chính. Trong nguồn lực địa phương, các khối doanh nghiệp tư nhân hiện tại có nguồn lợi nhuận lớn và muốn đóng góp trách nhiệm đối với xã hội, họ đã có chương trình nhưng lại chưa có kĩ thuật. Do đó nếu kết hợp tất cả các khối với nhau thì các giải pháp giải quyết vấn đề xã hội hiệu quả hơn chứ không còn phân tán nhỏ lẻ. |