Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài: Hợp tác bình đẳng, hiệu quả hơn
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Chủ nhiệm COMINGO |
Trong hai ngày 12,13/12, Uỷ ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (Uỷ ban) sẽ tổ chức “Hội nghị Quốc tế lần thứ IV về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài”. Trước thềm Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn – Chủ nhiệm Uỷ ban đã trả lời báo chí về những thành tựu của công tác PCPNN thời gian qua cũng như phương hướng, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua?
Công tác PCPNN thời gian qua đã triển khai 2 giai đoạn vận động lớn là 2008 - 2013 và 2014 - 2019. Mỗi giai đoạn đều có những tiến triển.
Trong giai đoạn 2008 - 2013, tổng viện trợ PCPNN đạt trên 1,4 tỉ USD. Giai đoạn 2014 - 2019 đạt được gần 1,8 tỉ USD. Nguồn viện trợ không hoàn lại này tập trung công tác xóa đói giảm nghèo, lĩnh vực y tế, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh và được triển khai trên khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam.
Công tác PCPNN thời gian qua đã đóng góp rất tích cực: Thứ nhất, giúp chúng ta hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc tại Việt Nam. Ngoài nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thì đóng góp của các tổ chức PCPNN cũng có ý nghĩa rất lớn vào việc thực hiện các mục tiêu đó.
Đóng góp thứ 2 là trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua. Đặc biệt trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân ở vùng thụ hưởng chính sách.
Thứ 3 là nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân khi nhận được viện trợ PCPNN. Ví dụ: dự án giúp nâng cao năng lực người dân trong việc trồng cây nông nghiệp tại vùng sâu vùng xa, đóng góp rất ý nghĩa cho đời sống của người dân.
Thứ 4: công tác PCPNN là bộ phận rất quan trọng của đối ngoại nhân dân. Ngoài các hoạt động tiếp nhận, đưa viện trợ cho các tổ chức đối tác của phía Việt Nam, còn cùng các đối tác Việt Nam có những hoạt động tại các diễn đàn đa phương tại Việt Nam cũng như quốc tế. Chuyển tải hình ảnh tốt đẹp về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Nhờ đó, hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, các tổ chức diễn đàn nhân dân, các tổ chức diễn đàn quốc tế khác nhau, đến nay đã có uy tín rất lớn. Một trong những ví dụ là việc chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm kì tại Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ 2014-2018, một phần nhờ vào sự đóng góp của các tổ chức PCPNN.
- Trong bối cảnh Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, việc vận động nguồn lực PCPNN đang có những thách thức và cơ hội nào, thưa ông?
Chúng ta đang chuyển sang giai đoạn mới ở cả trong nước và quốc tế. Trong nước, tuy Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề an ninh phi truyền thống, dịch bệnh, hậu quả của chiến tranh như bom mìn sót lại... là vấn đề nóng. Do đó nhu cầu cho hợp tác PCPNN là rất lớn. Đó vừa là cơ hội cho các tổ chức PCPNN, nhưng cũng là thách thức bởi các tổ chức phải chuyển sang mô hình hỗ trợ mới khi Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Hiện nay, Việt Nam cũng đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho 10 năm tới, giai đoạn 2021-2030, tập trung vào lĩnh vực phát triển bền vững bao trùm. Trong đó, rất nhiều mục tiêu đặt ra tại Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và Việt Nam đang cố gắng rất cao để đạt được mục tiêu đó.
Ngoài nguồn lực lớn của Chính phủ thì Việt Nam vẫn rất cần sự đóng góp, huy động của các tổ chức PCPNN, nhất các vấn đề như hỗ trợ nâng cao năng lực chính sách, hỗ trợ nâng cao năng lực thực hiện các dự án.
Học sinh đọc sách tại một "Thư viện thân thiện" của tổ chức Room to Read |
Ví dụ như vừa qua, dự án rất nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn như xây dựng "Thư viện thân thiện" (xây dựng phòng đọc) cho các trường học tiểu học địa phương của Tổ chức "Room to read". Tổ chức này chỉ viện trợ thí điểm ở một vài địa phương nhưng lại mang đến hiệu quả lớn. Vì vậy hiện tại, các địa phương đã tự bỏ kinh phí xây dựng những phòng đọc như vậy trên địa bàn.
Có thể thấy, Việt Nam và các tổ chức PCPNN đang chuyển sang giai đoạn mới, đó là hợp tác bình đẳng hơn, hiệu quả hơn. Trước đây chủ yếu là nhận – cho khi các tổ chức PCPNN hỗ trợ để triển khai dự án, thậm chí sử dụng nhân sự của họ để thực hiện. Bây giờ Việt Nam là đối tác bình đẳng hơn. Chúng ta học tập và chia sẻ kinh nghiệm, trên cơ sở đó biến thành cái của mình và đóng góp nguồn lực để triển khai chứ không quá phụ thuộc vào các tổ chức PCPNN.
Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để các tổ chức hoạt động với tinh thần xây dựng cơ chế chính sách, tạo thuận lợi tốt hơn cho các tổ chức PCPNN. Đồng thời, cũng tạo cơ sở hành lang pháp lý cụ thể để các tổ chức hoạt động trong khuôn khổ pháp lý đó. Như vậy, vừa tạo được điều kiện để các tổ chức thấy rằng các hoạt động đều minh bạch, công khai. Đồng thời thấy rằng có sự hữu ích và hiệu quả cho sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam.
"Thay mặt Uỷ ban, tôi gửi lời cảm ơn tới các tổ chức PCPNN trong thời gian qua đã đồng hành cùng Việt Nam. Các tổ chức đã có những hoạt động rất tích cực, cùng các đối tác phía Việt Nam triển khai nhiều dự án, trên 63 tỉnh thành của Việt Nam, ở tất cả lĩnh vực mà Việt Nam hiện nay rất có nhu cầu như y tế, giáo dục, môi trường, nâng cao năng lực… Thông qua những chương trình/ dự án, các tổ chức PCPNN đã góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước và bạn bè quốc tế, hỗ trợ giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội của Việt Nam. Cùng với đó, các tổ chức PCPNN đã có những hoạt động theo đúng định hướng, trọng tâm của Việt Nam, phù hợp với luật pháp của Việt Nam" - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ. |
- Thưa ông, trong thời gian tới, Uỷ ban đưa ra những giải pháp gì để tận dụng được tối đa nguồn lực này?
Uỷ ban là một cơ chế liên ngành gồm rất nhiều Bộ, ban, ngành. Thường kỳ, chúng tôi đều họp sơ kết, đánh giá tổng kết, lắng nghe các nguyện vọng, ý kiến đóng góp của các tổ chức PCPNN. Trong thời gian tới, trên cơ sở vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2020 – 2025, chúng tôi thấy cần làm một số việc để tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức PCPNN hoạt động tại Việt Nam.
Thứ nhất cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, nhất là các văn bản, nghị định, thông tư hướng dẫn để thực hiện tốt công tác PCPNN để đảm bảo vừa rút ngắn thủ tục quy trình. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý để các tổ chức hoạt động trong khuôn khổ pháp lý, đúng theo trọng tâm, định hướng Uỷ ban đề ra.
Thứ hai là xây dựng Chương trình vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2020 – 2025, trong đó xác định rõ mục tiêu các trọng tâm cụ thể. Tôi muốn nhấn mạnh đến 2 lĩnh vực rất mới mà Việt Nam trong giai đoạn tới mong muốn các tổ chức PCPNN tập trung nhiều hơn là: Một - Tập trung thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hai - Nâng cao năng lực, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ các đối tượng cụ thể ở các vùng khác nhau nhưng tập trung vào chuyển đổi cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng có kỹ năng, công nghệ cao phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Uỷ ban sẽ củng cố thêm cơ chế, công tác quản lý nhà nước với công tác PCPNN, trong đó các cơ quan tạo điều kiện thông thoáng, công khai minh bạch những cơ sở dữ liệu để các tổ chức PCPNN tiếp cận được với các địa phương, các ngành nghề khác nhau để đáp ứng được đúng những nhu cầu của phía Việt Nam.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!