World Vision Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phòng, chống COVID-19
Trả lời phỏng vấn Tạp chí Thời Đại, bà Hà nói:
Đầu năm 2020 đến nay, World Vision Việt Nam đã thực hiện các hoạt động ứng phó khẩn cấp tại 36 chương trình Vùng thuộc 14 tỉnh thành nơi tổ chức đang hỗ trợ các hoạt động phát triển. 5 mục tiêu cụ thể là:
Phòng ngừa sự lây lan của COVID-19, bao gồm truyền thông thay đổi hành vi để giữ gìn vệ sinh, truyền thông về quy tắc 5K của Chính phủ (thông qua các hình thức đa dạng, như tài liệu phát tay, truyền thông lưu động, các buổi truyền thông tại cộng đồng) và truyền thông để nâng cao nhận thức về vắc xin phòng chống COVID-19.
Hỗ trợ trang thiết bị y tế; cải tạo nguồn nước sạch, thiết lập bồn rửa tay tại trường học và các nơi công cộng.
Cung cấp lương thực, thực phẩm, hoạt động sinh kế ngắn hạn (giống rau, gà, vịt, dê…) cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và vận động chính sách để đảm bảo an toàn cho trẻ em tránh các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại trong mùa dịch bệnh.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, World Vision Việt Nam cũng sát cánh cùng các địa phương ngoài địa bàn hoạt động của tổ chức thông qua các gói hỗ trợ khẩn cấp dành cho người dân, cán bộ y tế và nhân viên phục vụ tuyến đầu trong các khu cách ly tại tỉnh Điện Biên, Bắc Ninh, quận 12 (TP.HCM), thành phố Thủ Đức (TP. HCM), Quận 4 (TP.HCM), Cần Thơ và Đồng Nai. Các gói hỗ trợ khẩn cấp bao gồm khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn và bộ đồ phòng hộ chuyên dụng.
Cùng với sự tài trợ của ngài Kim Bongjin – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của Woowa Brothers (công ty đa quốc gia sở hữu ứng dụng giao đồ ăn BAEMIN tại Việt Nam), World Vision Việt Nam đã hỗ trợ 20 tỉ đồng cho Quỹ vắc xin phòng COVID-19 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng giá trị tất cả các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp ứng phó với đại địch COVID-19 nêu trên là gần 66 tỉ đồng (2.894.152 USD) với tổng số người hưởng lợi ước tính hơn 1 triệu người, trong đó có hơn 580.000 trẻ em.
Bà Thân Thị Hà trong một hoạt động của World Vision Việt Nam. |
Thưa bà, kế hoạch của World Vision Việt Nam về hoạt động này trong thời gian tới như thế nào?
Trong năm tài khóa 2022 sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa bàn trong phạm vi của mình thông qua các hoạt động nêu trên. Đặc biệt chúng tôi chú trọng vào các hoạt động phục hồi sinh kế sau đại dịch.
World Vision Việt Nam trao tặng gói hỗ trợ khẩn cấp cho Quận 12 (TP.HCM) vào tháng 7/2021. |
Với tư cách là đại diện một tổ chức PCPNN tại Việt Nam, bà có đề xuất gì để việc phòng, chống COVID-19 ở Việt Nam hiệu quả hơn nữa?
Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã rất nỗ lực trong công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19 và đã thu về nhiều kết quả tích cực trong các đợt dịch 1,2,3. Tuy nhiên với sự bùng phát và lây lan mạnh của biến chủng Delta trong làn sóng lần 4 này, chúng tôi xin chia sẻ một số kiến nghị như sau:
Ngoài việc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng ngừa sự lây lan của COVID-19 một cách hiệu quả, chúng ta cần đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin để nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng trên cả nước. Quá trình này cần ưu tiên các đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao như người sinh sống ở vùng dịch, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính, người nghèo, người lao động tự do…
Cần có những khảo sát kỹ về tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em và người nghèo để từ đó thiết kế những hỗ trợ, can thiệp hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cần có triển khai cơ chế, hệ thống, nhân sự hỗ trợ về lĩnh vực sức khỏe tâm thần không chỉ cho những người mắc COVID-19, mà cả những người bị cách ly lâu tại nhà.
Trân trọng cảm ơn bà!