Washington gặp khó khi Bắc Cực trở thành pháo đài 'bất khả chiến bại' của Nga
Theo báo cáo của Sputnik ngày 18/4, các nguồn tin quân sự Nga cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ "Izvestia" rằng Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định tăng cường khả năng phòng không ở khu vực Bắc Cực và sẽ triển khai hệ thống radar mới Sky-SVU để tạo ra một "lá chắn radar" cho khu vực Bắc Cực. Cụ thể, hệ thống radar Sky-SVU có thể tự động tìm mục tiêu, xác định tọa độ phương vị, theo dõi các máy bay và tên lửa hiện đại, bao gồm cả mục tiêu siêu thanh và mục tiêu tàng hình loại nhỏ.
Hệ thống radar Sky-SVU của Nga. Nguồn: huanqiu |
Hệ thống radar được lắp đặt trên xe tải và có thể được vận chuyển đến bất kỳ địa điểm nào trên tuyến đường biển phía Bắc bằng máy bay hoặc tàu thủy.
Được biết, đến cuối năm 2020, lô radar đầu tiên đã được lắp đặt cho Hạm đội Phương Bắc và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.
Cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Phòng không Không quân Nga Alexander Gorkov cho rằng, việc triển khai các radar như vậy ở Bắc Cực là một giải pháp quan trọng và kịp thời, bởi vì khu vực phía Bắc của Nga đã không nằm trong vùng phủ sóng của radar kể từ những năm 1990.
Radar Sky-SVU do Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Vô tuyến Nizhny Novgorod phát triển, đây là radar hai tọa độ trên mặt đất 1L119 (mật mã Sky-SVU). Radar Sky-SVU được thiết kế để sử dụng trong lực lượng phòng không, nó sử dụng công nghệ STEALTH để theo dõi các mục tiêu trên không. Ngoài ra, radar này còn có thể xác định quốc tịch của các phương tiện hàng không, tìm hướng cho thiết bị gây nhiễu hoạt động, nhận dạng các loại mục tiêu.
Cùng với kế hoạch triển khai radar Sky-SVU, từ nay đến cuối năm 2021, Bộ quốc phòng Nga sẽ triển khai thêm mạng lưới các trạm radar Resonance-N ở Bắc cực. Radar hoạt động trong khu vực cho phép có thể phát hiện tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và các mục tiêu siêu thanh bay với tốc độ lên đến Mach 20 và các máy bay được trang bị bằng công nghệ tàng hình.
Hệ thống radar Resonance-N có phạm vi phủ sóng lên đến hàng trăm km, cấu tạo của hệ thống này bao gồm 4 mô-đun, có thể hoạt động độc lập. Mỗi mô-đun có một thiết bị ăng ten truyền tín hiệu, thiết bị ăng ten nhận tín hiệu và thiết bị khuếch đại công suất. Tổ hợp tiếp nhận và xử lý thông tin cho phép khả năng nhận và xử lý dư liệu của từng mô-đun.
Bên cạnh việc triển khai radar mới, hình ảnh vệ tinh được công bố ngày 10/4 cho thấy, Nga đang mở rộng các căn cứ quân sự dọc theo bờ biển Bắc Cực và sân bay Nagurskoye trên đảo Alexandra Land ở Bắc Cực. Một trong các căn cứ này sẽ là nơi thử nghiệm vũ khí mới, bao gồm cả ngư lôi hạt nhân Poseidon 2M39.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Thomas Campbell tin rằng, Nga đang tân trang lại sân bay và hệ thống radar từ thời Liên Xô cũ, xây dựng cảng mới và trung tâm tìm kiếm cứu nạn, đồng thời xây dựng hạm đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân và thông thường.
Bên cạnh đó, Nga còn mở rộng mạng lưới hệ thống phòng thủ tên lửa ven biển và trên không, tăng cường khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập tại các khu vực quan trọng ở Bắc Cực.
Nếu Nga quân sự hóa thành công tại Bắc Cực, điều này có thể giúp Nga mở rộng hoạt động đến Bắc Đại Tây Dương, tạo ra nguy cơ lớn đối với Mỹ và các đồng minh.