Vũ khí "ngày tận thế' của Nga có thể nằm phục kích sâu dưới đáy đại dương
Ấn phẩm EurAsian Times của Ấn Độ tiết lộ thông tin, dự án chế tạo phương tiện không người lái dưới nước hạt nhân mang tên Poseidon của Nga đã bước vào giai đoạn cuối. Và ngư lôi hạt nhân Poseidon sẽ trở nên nguy hiểm hơn nhiều so với hiện tại nhờ những biến thể mới, giúp nó nằm phục kích sâu dưới đáy đại dương để tung ra đòn tấn công hủy diệt không thể chống đỡ nhằm vào kẻ địch.
Ngư lôi hạt nhân Poseidon. Nguồn minh họa |
Vào cuối năm 2021, Giám đốc Sevmash (đơn vị chuyên thiết kế tàu ngầm) - ông Nikolai Budnichenko, cho biết, tàu ngầm hạt nhân siêu lớn K-329 Belgorod đã bắt đầu trải qua các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước và công việc sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Chiếc tàu ngầm ngoại cỡ này sẽ trở thành phương tiện đầu tiên mang ngư lôi hạt nhân Poseidon. Ngoài ra vào năm 2022, việc xây dựng một cơ sở mới cho hạm đội dự kiến sẽ được hoàn thành.
Theo các nhà quan sát Ấn Độ, đây là một loại căn cứ đặc biệt của người Nga, họ tin tưởng rằng cơ sở này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai ngư lôi Poseidon - vốn được gọi bằng cái tên "vũ khí ngày tận thế".
Nguồn minh họa |
Poseidon là một phương tiện tự hành chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể được sử dụng như vũ khí răn đe chiến lược nhằm vào các căn cứ hải quân của đối phương.
Trong một bài phân tích đăng trên tạp chí Forbes vào tháng 11/2019 do chuyên gia vũ khí dưới nước nổi tiếng Hoa Kỳ H.I. Sutton viết, ông đã đề cập đến tàu ngầm không người lái Poseidon như là một trong những vũ khí có tính hủy diệt cao nhất hiện đang được phát triển.
Theo tờ EurAsian Times, vũ khí nói trên được thiết kế để tấn công các thành phố ven biển bằng đầu đạn nhiệt hạch có đương lượng nổ lên tới 2 Megaton (tương đương 2 triệu tấn thuốc nổ TNT), mạnh gấp 133 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima.
Phương tiện mang ngư lôi Poseidon dự kiến là tàu ngầm Belgorod và Khabarovsk. Chúng có thể mang đồng thời 4 "vũ khí ngày tận thế". Đặc biệt, giới chuyên gia Ấn Độ lưu ý rằng Nga có cả "gia đình" Poseidon, chúng chỉ khác nhau ở chức năng.