Việt Nam và Hà Lan đồng hành hướng đến phát triển bền vững
Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/4/1973. Trải qua 50 năm, hai nước đã xây dựng và vun đắp nên quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp. Quan hệ Việt Nam-Hà Lan được đánh giá là điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả, phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu. Bản chất hợp tác giữa hai nước ghi nhận chuyển biến lớn trong những năm gần đây. Trước đây, quan hệ hợp tác giữa hai nước nghiêng về giúp đỡ, viện trợ nhiều hơn, nay đã chuyển sang giai đoạn hợp tác cùng có lợi.
Ðoàn các doanh nghiệp Hà Lan thăm Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). |
Tuy cách xa nhau về địa lý nhưng Việt Nam và Hà Lan có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên. Hai nước đều là cửa ngõ của khu vực, quốc gia ven biển, có vùng đồng bằng ngập nước và cũng phải đối mặt những thách thức như biến đổi khí hậu, lũ lụt, xâm nhập mặn. Những khó khăn chung không thể cản bước mà còn trở thành động lực phát triển và là sợi dây gắn kết, đưa hai nước xích lại gần nhau hơn, đồng thời mở ra nhiều cánh cửa hợp tác song phương. Hà Lan được biết đến là quốc gia có thế mạnh về trị thủy, chú trọng phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao và đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Ðây cũng là những lĩnh vực Việt Nam rất quan tâm.
Trên cơ sở những điểm tương đồng, hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp và biến đổi khí hậu là điểm sáng trong quan hệ song phương thời gian qua. Hai nước đã thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước vào năm 2010. Theo đó, nhiều dự án đã được triển khai hiệu quả, nhất là Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long. Với tầm nhìn dài hạn, kế hoạch đã tập trung giải quyết vấn đề quản lý tài nguyên nước, thích ứng biến đổi khí hậu, với mục tiêu đưa đồng bằng sông Cửu Long trở thành một khu vực kinh tế phát triển bền vững.
Năm 2014, Việt Nam và Hà Lan tiếp tục đưa quan hệ giữa hai nước phát triển sâu rộng hơn bằng việc thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực. Hai bên đã tích cực triển khai hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu. Hà Lan hiện là nhà đầu tư lớn vào ngành nông nghiệp Việt Nam và đang từng bước giúp Việt Nam xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong lĩnh vực rau-hoa quả, làm vườn, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Quan hệ thương mại Việt Nam-Hà Lan trong thời gian qua không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại song phương tăng đều hằng năm. Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu và cũng là nhà đầu tư lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam. Nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn hoạt động rất hiệu quả như Heineken, Unilever, Royal Dutch Shell, Philips... Là quốc gia có hệ thống logistics phát triển hàng đầu thế giới, Hà Lan có vai trò quan trọng, vừa là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, vừa là cửa ngõ quan trọng trung chuyển hàng hóa của Việt Nam vào EU. Ngoài ra, với việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), nhiều cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai nước tiếp tục được mở ra.
Bước qua nửa thế kỷ với những thăng trầm của lịch sử, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan không ngừng phát triển và đã gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Dấu mốc 50 năm là cơ hội để hai nước cùng nhau hướng tới tương lai, mở ra những chương mới trong quan hệ song phương.
Những con số ấn tượng 1: Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam. 2: Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu. 8,37 tỷ USD: Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 8,37 tỷ USD, tăng gần 10% so mức năm 2020. 8,2 tỷ USD: Kim ngạch thương mại song phương trong chín tháng năm 2022 đạt 8,2 tỷ USD, tăng 36% so mức cùng kỳ năm 2021. 400: Hà Lan có khoảng 400 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đạt 13,5 tỷ USD. 20.000: Cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan khoảng 20.000 người. Nguồn: Bộ Ngoại giao |
Thấy gì từ xu hướng phát triển bền vững của ngành thương mại điện tử? Phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững có thể hỗ trợ, phục vụ các lĩnh vực then chốt như: Chuỗi cung ứng và thanh toán kỹ thuật số; Quản lý tài chính bền vững để tối ưu hoá, bảo vệ tài sản, thu nhập, chi phí và nguồn lực tài chính của doanh nghiệp... |
Tăng cường hợp tác nhằm phát triển bền vững lưu vực sông Mekong Sáng 2/4, tại thủ đô Vientiane, Lào, khai mạc Hội nghị quốc tế Ủy hội sông Mekong lần thứ 4 với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong”. |