Việt Nam trồng và khôi phục rừng để giảm tác động của biến đổi khí hậu
Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022, Việt Nam có hơn 10,1 triệu hecta rừng tự nhiên trên tổng số 14,7 triệu hecta rừng. Mặc dù tỷ lệ che phủ toàn quốc là 42,02% nhưng chất lượng rừng đã bị suy giảm, tính đa dạng thấp, chức năng sinh thái của rừng không còn được bảo toàn nguyên vẹn.
Đứng trước những thách thức đó, Chính phủ, các cơ quan ban ngành và nhiều tổ chức môi trường, cá nhân tại Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ và phục hồi rừng. Nổi bật nhất là đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh” giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Việt Nam đang tích cực thực hiện đề án Trồng 1 tỷ cây xanh. (Ảnh: Báo Tuyên Quang) |
Theo kế hoạch, từ năm 2022-2025 cả nước trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm, trong đó cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020. Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh” (690 triệu cây phân tán ở đô thị và nông thôn, 310 triệu cây ở rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất…) là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế.
Với 180.000 ha rừng trồng tập trung trong đó có 150.000 ha rừng trồng sản xuất, ước tính tạo ra được khoảng 15 triệu m3 gỗ, củi phục vụ cho tiêu dùng và chế biến, ngoài ra với tổng diện tích 180.000 ha rừng tập trung được trồng mới, dự kiến sẽ hấp thụ khoảng 9 triệu tấn CO2 tương đương, tương ứng với giá trị 4,5 triệu USD.
Để đạt được mục tiêu trên, cần nhiều nguồn tài chính, trong đó xã hội hóa là giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân… Riêng năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư cho trồng cây, trồng mới rừng trên 3.520 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động được từ xã hội hóa đạt 1.688 tỷ đồng, chiếm 48%.
Cả nước hiện có 4,4 triệu ha rừng trồng sản xuất. Trong số này, có khoảng 1,4 triệu hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng trên 3,146 triệu ha đất lâm nghiệp. Việc giao đất cho các hộ đã và đang đem lại những lợi ích lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần làm tăng độ che phủ của rừng lên 42,02%.
Bên cạnh đó, một số tổ chức, doanh nghiệp có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, như: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên (GAIA) đã tổ chức trồng được trên 125ha rừng, tương đương 228.000 cây xanh trong năm 2022; Chương trình “Một triệu cây xanh cho Việt Nam” của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam; các đơn vị thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) triển khai hiệu quả 566 dự án bảo vệ môi trường; 214 dự án ứng phó biến đổi khí hậu…
Đầu tháng 5/2023 Tập đoàn AstraZeneca công bố khoản đầu tư mới lên đến 50 triệu USD vào Việt Nam, trong khuôn khổ chương trình toàn cầu mang tên AZ Forest. Khoản đầu tư này sẽ được sử dụng cho nông lâm kết hợp, bao gồm sản xuất gỗ, quả và hạt, tinh dầu và nhựa cây một cách bền vững; tăng năng suất nông nghiệp thông qua xen canh và phát triển chuỗi giá trị thị trường một cách bền vững.
Trong mục tiêu chung hướng đến phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050, Việt Nam hiện xây dựng thị trường tín chỉ carbon, dự kiến thí điểm từ năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027 và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028.
Đại diện Tập đoàn tài chính Citi (Mỹ) nhận định trên báo chí: Với sự bùng nổ về nhu cầu tín chỉ carbon sau COP26, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thị trường carbon. Các công ty Việt Nam có thể tạo ra các khoản tín dụng carbon chất lượng cao và bán chúng trong khu vực và toàn cầu, giúp các công ty quốc tế hoàn thành các nghĩa vụ giảm phát thải carbon của họ.
Việt Nam đang xây dựng thị trường tín chỉ carbon. (Ảnh: Thesaigontimes) |
Theo TS Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để phát triển thị trường carbon ở nước ta cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ. Xác định tổng hạn ngạch phát thải và phân bổ cho các lĩnh vực, doanh nghiệp và xác định các lĩnh vực, dự án tiềm năng.
Bên cạnh đó cần đào tạo đội ngũ, năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường carbon.
Đồng thời cần xây dựng sàn giao dịch hạn ngạch và tín chỉ carbon cùng với quy chế tổ chức, vận hành để thị trường trong nước chính thức hoạt động, kết nối với thị trường khu vực, thế giới.
Đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan xây dựng đề án phát triển thị trường và đang triển khai xây dựng quy định về quản lý tín chỉ carbon. Quy định về đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả và thu hồi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ phát thải khí nhà kính. Cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường carbon.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý toàn bộ tín chỉ carbon đồng thời kết nối với các hệ thống, tổ chức tiêu chuẩn trên thế giới như tiêu chuẩn vàng, được thẩm định… Các tổ chức, cá nhân sẽ đăng ký tài khoản, cung cấp thông tin liên quan về loại, lượng tín chỉ carbon đang sở hữu và các thông tin cần thiết khác để tham gia thị trường.