Việt Nam đóng góp vào các quyết định quan trọng của UNESCO
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu làm việc với Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay. |
Kỳ họp Hội đồng Chấp hành lần thứ 214 của UNESCO diễn ra trong bối cảnh “quan trọng” của tình hình thế giới, như Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhận định. Theo Đại sứ, kỳ họp đã đạt được những kết quả nổi bật nào?
Có thể khẳng định, kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng, là kỳ họp đầu tiên trong nhiệm kỳ mới 2021-2025 của Hội đồng chấp hành và của cả Tổng Giám đốc UNESCO.
Các thành viên bàn các biện pháp cụ thể triển khai kết quả Kỳ họp 41 Đại hội đồng UNESCO (11/2021), nhất là Chiến lược trung hạn giai đoạn 2022-2029, Chương trình và ngân sách giai đoạn 2022-2025, các sáng kiến toàn cầu như Tương lai của Giáo dục, Đạo đức trong trí tuệ nhân tạo và Khoa học mở, trong nỗ lực tăng cường hợp tác đa phương, ứng phó thách thức toàn cầu, vì phục hồi và phát triển bền vững trong giai đoạn hậu Covid-19.
Đánh giá hoạt động UNESCO trong bốn năm qua (2018-2021), các thành viên hoan nghênh kết quả hợp tác nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. UNESCO không chỉ thể hiện năng lực thích ứng linh hoạt, kịp thời hỗ trợ các quốc gia ứng phó đại dịch, mà còn thúc đẩy các sáng kiến dài hạn, nâng tầm đóng góp của Tổ chức trong các vấn đề, xu thế mới của thời đại, khẳng định vai trò đi đầu của UNESCO là “phòng thí nghiệm của các ý tưởng”, “định hình chuẩn mực” và “động lực cho hợp tác” về giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin truyền thông.
Trong bối cảnh thế giới đang ở vào thời điểm then chốt, các thách thức toàn cầu gay gắt chưa từng có như đại dịch toàn cầu, sự bất bình đẳng, chiến tranh, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu… vai trò của UNESCO càng quan trọng hơn bao giờ hết. Các thành viên nhất trí UNESCO cần thúc đẩy đoàn kết, hợp tác đa phương ứng phó các thách thức toàn cầu, đóng góp vào gìn giữ hòa bình quốc tế thông qua hợp tác giáo dục, khoa học, văn hóa, truyền thông, đẩy mạnh vai trò gắn kết và các giá trị nhân văn của Tổ chức trong tăng cường đối thoại, hiểu biết, văn hóa hòa bình, hỗ trợ ứng phó và tái thiết sau xung đột trong lĩnh vực thẩm quyền. Cuộc họp cũng thông qua sáng kiến “Con đường đến hòa bình: đối thoại và hành động vì sự khoan dung và hiểu biết liên văn hóa”.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại phiên thảo luận kỳ họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 214. |
Về các lĩnh vực hợp tác cụ thể như giáo dục, văn hóa hay khoa học thì sao, thưa Đại sứ?
Về giáo dục, các thành viên nhất trí UNESCO cần tiếp tục phát huy vai trò đi đầu thúc đẩy cơ chế hợp tác giáo dục toàn cầu, hỗ trợ các quốc gia triển khai các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến giáo dục; UNESCO sẽ đóng vai trò nòng cốt trong chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục (New York, 9/2022), triển khai mạnh mẽ Chiến lược giáo dục và đào tạo nghề trong giai đoạn 2022-2029 nhằm hỗ trợ các quốc gia phát triển nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi của phát triển xanh, bền vững, công nghệ số và chuyển đổi xã hội.
Trong lĩnh vực văn hóa, các thành viên nhất trí tăng cường tham vấn, tích cực chuẩn bị cho Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa và phát triển bền vững (MONDIACULT 2022, Mexico, 28-30/9/2022) để tăng cường đối thoại chính sách toàn cầu về văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số và phục hồi sau đại dịch; hoan nghênh việc thúc đẩy gắn kết văn hóa và giáo dục nghệ thuật, định hình Khuôn khổ UNESCO trong lĩnh vực này hướng tới xây dựng xã hội bao trùm, bền vững.
Trong lĩnh vực khoa học, các thành viên hoan nghênh Chương trình khoa học trái đất và công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, kết hợp hài hòa giữa bảo vệ các loại hình di sản, đa dạng sinh học vì phát triển bền vững; thông qua việc ghi danh tám Công viên địa chất toàn cầu mới cho giai đoạn 2022-2025 và một số hồ sơ mở rộng, trong đó có hồ sơ mở rộng phạm vi diện tích Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng của Việt Nam.
Cuộc họp cũng nhất trí thông qua sáng kiến mới về “UNESCO và đại dương”, đề cao vai trò của Tổ chức trong lĩnh vực khoa học đại dương đóng góp vào các nỗ lực quốc tế bảo vệ đại dương gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, thiết thực triển khai Thập kỷ Liên hợp quốc về khoa học đại dương vì phát triển bền vững 2021-2030.
Bên cạnh đó, các vấn đề đổi mới, cải cách UNESCO cũng được bàn luận nhằm nâng cao tính linh hoạt, khả năng thích ứng, hiệu lực và hiệu quả của Tổ chức phù hợp với xu thế chung của đa phương và hệ thống Liên hợp quốc.
2022 là năm kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác Việt Nam-UNESCO, Đại sứ có thể khái quát các nỗ lực của Việt Nam trong UNESCO thời gian qua?
Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII về chủ động hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương. Việt Nam tiếp tục coi trọng Liên hợp quốc, UNESCO, là thành viên nòng cốt trong ASEAN góp phần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc, UNESCO với khu vực.
Với tư cách thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 và Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, ta thể hiện vai trò thành viên năng động, tích cực, trách nhiệm, một trong những nước triển khai hiệu quả nhất chương trình hợp tác của UNESCO.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-UNESCO phát triển tốt đẹp, được nâng lên một tầm cao mới sau chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới trụ sở UNESCO (5/11/2021) với nhiều kết quả thực chất, tạo khuôn khổ quan trọng cho hợp tác phù hợp xu thế chung, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn mới.
Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 214. |
Vậy cụ thể tại kỳ họp lần này, những đóng góp của Việt Nam là gì, thưa Đại sứ?
Trong Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đã có bài phát biểu quan trọng với nhiều đề xuất thiết thực.
Việt Nam trực tiếp tham gia, chủ động đóng góp có trách nhiệm vào quá trình xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO, thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ ở tầm toàn cầu, ủng hộ sáng kiến “Con đường đến hòa bình: Đối thoại và hành động vì sự khoan dung và hiểu biết liên văn hóa” và “UNESCO và đại dương”, được các thành viên hoan nghênh.
Các đề xuất của Việt Nam về thúc đẩy văn hóa hòa bình, phát huy sứ mệnh “xây dựng hòa bình trong tâm trí con người” của UNESCO, cách tiếp cận nhân văn, liên ngành, đa phương, thúc đẩy hợp tác hỗ trợ nỗ lực phát triển bền vững, bao trùm, tự cường của các quốc gia… được đánh giá cao. Các nước cũng hoan nghênh kinh nghiệm Việt Nam chia sẻ về phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong phát triển đất nước; gắn kết các danh hiệu di sản, khu dự trữ sinh quyển thế giới và công viên địa chất toàn cầu trong mô hình bảo tồn, phát triển xanh và bền vững....
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN trên kênh giáo dục năm 2022, Chủ tịch Ủy ban văn hóa – thông tin ASEAN năm 2022, thành viên nòng cốt của UNESCO trong hợp tác khoa học, Việt Nam đưa ra nhiều đề xuất cụ thể đóng góp vào việc chuẩn bị cho các sự kiện quốc tế quan trọng trong năm nay, như Hội nghị Thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục (New York, 9/2022), Hội nghị MONDIACULT 2022 (Mexico, 28-30/9/2022), Năm quốc tế về Khoa học cơ bản cho phát triển bền vững, các hoạt động kỷ niệm 50 năm Công ước di sản thế giới.
Với tư cách là ứng cử viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam cũng khẳng định tinh thần hợp tác, cam kết đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu và Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO Santiago Irazabal Mourao. |
Đặc biệt dịp này, Trưởng Đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đã có cuộc gặp quan trọng với Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO và Trưởng đoàn các nước để thúc đẩy hợp tác và vận động cho ứng cử của Việt Nam làm thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) nhiệm kỳ 2022-2026.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cũng đã có các cuộc tiếp xúc với bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO, làm việc với Phó Tổng giám đốc UNESCO, Trợ lý Tổng giám đốc về đối ngoại, Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003… để trao đổi các biện pháp cụ thể hóa kết quả chuyến thăm UNESCO của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào năm ngoái, nhất là triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2021-2025.
Tổng giám đốc UNESCO đánh giá cao vai trò và đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam cho hợp tác UNESCO, cam kết sẽ nỗ lực cùng Ban thư ký tiếp tục đưa quan hệ đối tác Việt Nam-UNESCO đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Bà cũng vui vẻ nhận lời thăm Việt Nam trong năm 2022.
Hội đồng chấp hành UNESCO là một trong các cơ quan điều hành quan trọng nhất của Tổ chức. Với tư cách là thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, Việt Nam phát huy vai trò thành viên năng động, trách nhiệm, chủ động tham gia, tích cực xây dựng, định hình UNESCO, đặc biệt là trong các vấn đề quan trọng, được UNESCO và các nước thành viên quan tâm. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt để nâng tầm hợp tác Việt Nam-UNESCO, tận dụng tri thức, các ý tưởng, sáng kiến, nguồn lực của UNESCO, mở ra những “không gian phát triển mới” cho Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của xã hội và tạo cơ sở thuận lợi để nước ta hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra.
Xin cảm ơn Đại sứ!