Việt Nam chung tay cùng thế giới chấm dứt ô nhiễm nhựa
Cùng với 77 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu, Chính phủ vừa đưa ra tuyên bố chung về sự cần thiết của một thỏa thuận toàn cầu mới có tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thể hiện một cách mạnh mẽ quyết tâm trong việc thành lập Ủy ban đàm phán liên Chính phủ tại phiên họp tiếp nối lần thứ năm của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA 5.2).
Việt Nam luôn tiên phong trong công tác giảm thiểu ô nhiễm đại dương. Ảnh:Công Tường/TTXVN |
Với sự tán thành của Việt Nam, Liên minh châu Âu và 77 quốc gia thành viên khác thuộc Liên Hợp Quốc, Tuyên bố kêu gọi xây dựng một thỏa thuận toàn cầu mới có tính ràng buộc pháp lý về nhựa. Cũng trong tuyên bố này, các bên đã bày tỏ cam kết cho quyết định tại phiên họp tiếp nối lần thứ năm của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc vào tháng 2 năm 2022 (UNEA 5.2) về việc thành lập Ủy ban đàm phán liên chính phủ với mục tiêu thúc đẩy quá trình đàm phán hiệp định toàn cầu mới càng sớm càng tốt.
Các chuyên gia về môi trường cho rằng, cần có một thỏa thuận ràng buộc pháp lý mới để giải quyết vấn đề khủng hoảng ô nhiễm nhựa trên quy mô toàn cầu và tính chất xuyên biên giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, hơn một nửa số quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã ủng hộ việc thiết lập một thỏa thuận ràng buộc pháp lý mới để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Theo đó, Tuyên bố Ngày Đại dương về Ô nhiễm nhựa được đưa ra gần đây đã nhận được sự hưởng ứng nhanh chóng và nhiệt tình của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc như là sự tái khẳng định kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với UNEA 5.2 trong việc ban hành nhiệm vụ đàm phán cho một thỏa thuận toàn cầu mới.
Cần có một thỏa thuận ràng buộc pháp lý mới để giải quyết quy mô toàn cầu và tính chất xuyên biên giới của khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Ảnh: Vincent Kneefel/WWF |
Theo tổ chức WWF thì UNEA 5.2 là thời điểm quyết định trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa trên phạm vi toàn cầu, và các cuộc đàm phán về một thỏa thuận ràng buộc pháp lý mới phải được khẩn trương khởi động.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang từng bước tăng cường các cam kết quốc gia và ủng hộ hợp tác toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa với những nỗ lực và cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.
Có thể kể đến như: Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển.
Tháng 11/2020, Tổng Cục thủy sản và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác và bảo tồn các loại thủy sản giai đoạn 2020 - 2025 tại Hội thảo quản lý rác thải nhựa đại dương hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sống các loài thủy hải sản. Ảnh: |
Một loạt các chính sách quan trọng cũng đã được chính phủ Việt Nam ban hành. Cụ thể như: Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”;
Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 có tên gọi “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030”, trong đó đề ra những nhiệm vụ, dự án cụ thể với mục tiêu thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường.
Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 5/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025”...
“Chúng tôi ủng hộ và sẵn sàng tham gia thảo luận để cùng xây dựng một Thỏa thuận chung toàn cầu về rác thải nhựa đại dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ của Liên Hợp Quốc, vì một đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi khẳng định.
Phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ TN&MT phát động được cộng đồng hưởng ứng tích cực. Ảnh: kinhtexanh |
Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch phối hợp cùng Ecuador, Đức và Ghana đồng đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu đầu tiên về ô nhiễm nhựa và rác thải biển vào tháng 9/2021. Hội nghị được kỳ vọng sẽ là một nền tảng quan trọng để tiếp tục các thảo luận về những yếu tố tiềm năng của một hiệp ước toàn cầu nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa. |
Nguyễn Thuận