Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tại Diễn đàn giáo dục thế giới 2022
Diễn đàn Kinh tế Thế giới kêu gọi hợp tác, đoàn kết toàn cầu trong bối cảnh lương thực căng thẳng
Diễn đàn Kinh tế thế giới 2022 vừa bế mạc sau nhiều cuộc thảo luận về nền kinh tế toàn cầu trước hàng loạt thách thức lớn.
|
Việt Nam chia sẻ quan điểm và định hướng phát triển tại Diễn đàn kinh tế thế giới
Phát biểu tại các phiên họp, Phó Thủ tướng chia sẻ quan điểm và định hướng phát triển của Việt Nam, trong đó có phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
|
Diễn đàn quy tụ Bộ trưởng Giáo dục từ hơn 100 quốc gia.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Giáo dục thế giới (EWF) 2022 tại London (Anh), Tham tán, Phó Đại sứ Việt Nam tại Anh Tô Minh Thu và Bí thư thứ nhất phụ trách giáo dục Trần Hương Ly đã tham dự phiên họp “Đổi mới giáo dục với chi phí thấp tại châu Á” và “Chính sách giáo dục khí hậu,” chia sẻ các kinh nghiệm của Việt Nam nhằm đảm bảo học tập cho trẻ em trong và sau đại dịch COVID-19, cũng như các chính sách giáo dục khí hậu quốc gia.
Theo phóng viên TTXVN tại London, phiên họp “Đổi mới giáo dục với chi phí thấp tại châu Á” tập trung vào các thách thức và kinh nghiệm của các quốc gia trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây tác động nghiêm trọng đối với việc dạy và học trên toàn cầu.
Các đại biểu tham dự phiên họp đã chia sẻ các vấn đề giáo dục của quốc gia do tác động của đại dịch COVID-19, như bất bình đẳng giáo dục, gián đoạn học tập gây nguy cơ học sinh bỏ học hoặc tái mù chữ tại các vùng khó khăn, các vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh, khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến do thiếu thiết bị và kết nối Internet, cũng như những thiệt hại kinh tế và các hậu quả khác.
Phiên họp cũng trao đổi các sáng kiến và giải pháp các quốc gia đã thực hiện nhằm giải quyết những thách thức này.
Tham dự phiên họp, Tham tán, Phó Đại sứ Việt Nam tại Anh Tô Minh Thu đã chia sẻ các biện pháp ứng phó của Việt Nam nhằm đảm bảo việc học tập của trẻ em trong và sau đại dịch COVID-19.
Bà Tô Minh Thu cho biết làn sóng dịch thứ tư tại Việt Nam vào cuối tháng 4/2021 khiến học sinh ở mọi cấp học, từ mầm non, tiểu học, trung học đến đại học, phải ngừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp.
Để ứng phó với thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó ưu tiên tiêm chủng cho người trẻ tuổi, giúp Việt Nam có thể mở cửa trường học trở lại từ tháng 3/2022.
Hiện nay, hơn 98% học sinh từ 12-17 tuổi ở Việt Nam đã tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 và hơn 96% đã tiêm đủ 2 mũi, trong khi gần 91% giáo viên và cán bộ giáo dục đã tiêm đủ 2 mũi.
Bà Tô Minh Thu cho biết trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam coi số hóa giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu, thông qua áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), số hóa chương trình học, nâng cao trình độ ICT cho giáo viên và học sinh trong dạy và học. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các cơ sở giáo dục sẽ áp dụng hệ thống quản trị trường học dựa trên dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số.
Đến năm 2030, giáo dục kỹ thuật số sẽ trở thành 1 trụ cột trong hệ thống giáo dục đại học và 100% cơ sở giáo dục đại học có các chương trình đào tạo từ xa bằng hình thức trực tuyến.
Bà Tô Minh Thu nhấn mạnh Việt Nam cam kết và đảm bảo tài trợ cho ngành giáo dục, cung cấp kinh phí và các khoản vay cho các cơ sở giáo dục và sinh viên, đảm bảo ngân sách giáo dục chiếm ít nhất 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Việt Nam cũng nâng cấp cơ sở hạ tầng cho giáo dục trực tuyến thông qua chương trình “Sóng và máy tính cho em,” hỗ trợ hơn 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên.
Theo chương trình này, các nhà mạng sẽ cung cấp miễn phí sim 3G và hỗ trợ gói cước để đảm bảo máy tính của học sinh được kết nối Internet cho việc học trực tuyến.
Bà Tô Minh Thu khẳng định Việt Nam đang đạt nhiều tiến bộ trong việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường học, cải thiện tiêu chuẩn chất lượng và đánh giá của các tổ chức giáo dục. Trong giai đoạn sau đại dịch, Việt Nam quyết tâm khôi phục việc dạy và học và thúc đẩy các thành tựu giáo dục với các kế hoạch chiến lược, cam kết hỗ trợ trẻ em thiệt thòi, đảm bảo chất lượng và công bằng trong giáo dục.
Phiên họp “Chính sách giáo dục khí hậu” do Hội đồng Anh, Bộ Giáo dục và Bộ Ngoại giao Anh đồng tổ chức, là diễn đàn để các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến về giáo dục môi trường và phát triển bền vững, cũng như các cơ hội và thách thức trong việc thực hiện các chính sách giáo dục khí hậu.
Phiên họp thảo luận về tác động của các cú sốc khí hậu đối với nền giáo dục ở các nước đang phát triển và tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng chống chịu trước tác động khí hậu thông qua giáo dục, đồng thời cập nhật những tiến bộ mà các quốc gia đã đạt được trong việc thực hiện các cam kết tại Hội nghị cấp bộ trưởng môi trường và giáo dục trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh vào tháng 11/2011, tiến tới các mục tiêu của Hội nghị COP27 tại Ai Cập vào năm nay.
Là một trong những diễn giả của phiên họp, Bí thư thứ nhất phụ trách giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Anh Trần Hương Ly cho biết giáo dục về môi trường tại các trường học ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và thúc đẩy phối hợp trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu giữa các cộng đồng địa phương và các tổ chức quốc tế.
Bà Trần Hương Ly khẳng định giáo dục môi trường là một trong những mục tiêu phát triển giáo dục bền vững của Việt Nam, chỉ ra rằng chính sách môi trường được xây dựng ở Việt Nam từ cấp quốc gia tới trường học, bao gồm việc xây dựng khung kiến thức và các kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai tại các trường học ở tất cả cấp học.
Giáo dục môi trường tại Việt Nam được lồng ghép vào chương trình học phổ thông ở các môn học như Vật lý, Địa lý, Sinh học... với các kiến thức, kỹ năng và cách ứng xử phù hợp đối với các vấn đề như thiên tai; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và động vật; sử dụng năng lượng hiệu quả…
Các tài liệu và sách hướng dẫn về giáo dục môi trường dành cho các nhà quản lý giáo dục và giáo viên cũng được xây dựng. Giáo dục môi trường tại Việt Nam cũng được thực hiện thông qua các chiến dịch và các hoạt động ngoại khóa như tổ chức các cuộc thi vẽ, viết về môi trường; xây dựng mô hình trường học xanh; tổ chức các hội thảo và chiến dịch môi trường với sự tham gia của địa phương; giới thiệu luật pháp và các cam kết quốc tế về môi trường…
Các cơ sở giáo dục đại học cũng tham gia vào việc đào tạo kỹ sư và giảng viên môi trường và thực hiện các dự án nghiên cứu.
Bà Trần Hương Ly cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục, đặc biệt là hợp tác giữa các cơ sở giáo dục Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong các dự án nghiên cứu và số hóa giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dạy và học và cải thiện môi trường giáo dục ở Việt Nam.
Diễn ra từ ngày 23-26/5, EWF 2022 quy tụ các bộ trưởng giáo dục từ hơn 100 quốc gia trên thế giới cùng đại diện của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ. Với chủ đề “Giáo dục: Xây dựng tương lai vững chắc hơn, táo bạo hơn và tốt đẹp hơn,” diễn đàn năm nay thảo luận về cách sử dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo và kinh nghiệm làm đòn bẩy để củng cố hệ thống giáo dục và các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Diễn đàn cũng tập trung vào cách thức để các quốc gia có thể phát triển hệ thống giáo dục trong điều kiện nguồn lực hạn chế.
Festival Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại châu Âu lần thứ VIII sẽ diễn ra vào tháng 8/2022
Chương trình Festival Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại châu Âu 2022 với chủ đề “Vai trò thanh niên, trí thức Việt Nam ở nước ngoài với xã hội” sẽ chính thức khai mạc vào tháng 8 tới tại Praha, Cộng hòa Séc.
|
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại Hội nghị WEF Davos 2022
Ngày 22/5, Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) được tổ chức trực tiếp tại Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề “Lịch sử ở giai đoạn bước ngoặt: Chính sách của Chính phủ và Chiến lược của doanh nghiệp”.
|